Tháng mười, trời trong xanh thăm thẳm. Khu di tích lịch sử quốc gia Trận địa pháo phòng không Lam Hạ (thành phố Phủ Lý) nghi ngút khói hương trầm mặc trong ngày giỗ trận (1/10), tưởng nhớ công lao và sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ và những nữ dân quân pháo phòng không năm xưa đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng trong ký ức nhiều người dân Phủ Lý chưa thể nguôi quên sự kiện trung đội nữ dân quân Lam Hạ sát cánh bên nhau trên mâm pháo chiến đấu với kẻ thù, đánh đuổi máy bay Mỹ. Đó là khoảng từ năm 1965, khi người Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Cùng với miền Bắc, quân và dân Lam Hạ (trước kia là xã Tiên Hòa, Duy Tiên) bước vào thời kỳ vừa sản xuất, vừa kiên cường chiến đấu. Việc xây dựng lực lượng chiến đấu tại chỗ được đặt lên hàng đầu nhằm đối phó và sẵn sàng giáng trả máy bay Mỹ, bảo vệ các mục tiêu chiến lược trên địa bàn.
Là địa bàn có huyết mạch giao thông Bắc – Nam, có nhiều công trình trọng điểm (quốc lộ 1A, 21A, đường sắt, cầu đường bộ, ga Phủ Lý…), Phủ Lý trở thành mục tiêu trọng điểm bắn phá của các loại máy bay Mỹ thời kỳ này. Để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch qua Phủ Lý, Đại đội Dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập ngày 5/8/1965 đã góp phần cùng quân và dân Hà Nam chiến đấu chống lại sự phá hoại tàn khốc của không quân Mỹ.
Đại đội pháo phòng không Lam Hạ ban đầu gồm 87 cán bộ, chiến sĩ, được phiên chế thành 2 trung đội. Chị em chiến sĩ nữ được phiên chế thành một trung đội, vừa tích cực tăng gia sản xuất, vừa sẵn sàng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trung đội nữ có 24 người gồm các cô gái tuổi mười tám, đôi mươi thuộc các thôn Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm đã anh dũng, kiên cường trên mâm pháo, nhiều lần bắn đuổi máy bay địch. Nhiều chị có con nhỏ, mẹ già, chồng đi chiến đấu, công tác xa nhưng vẫn đảm trách trọn vẹn nhiệm vụ được giao ở từng vị trí chiến đấu trên mâm pháo. Lúc đó, khu vực Lam Hạ có hàng chục trận địa với nhiều loại pháo phòng không từ 12,7 ly, 14,5 ly đến 37 ly, 57 ly, 100 ly. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, mỗi nữ chiến sĩ dân quân không chỉ dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh mà còn phải có sự hợp đồng tác chiến nhịp nhàng ăn ý với đồng đội.
Đại đội pháo thành lập, sau thời gian huấn luyện, luyện tập, trận đánh mở màn của đơn vị pháo phòng không Lam Hạ là ngày 7/11/1965. Hôm đó không quân Mỹ ồ ạt tập kích đánh cầu Phủ Lý. Chúng quần thảo trên bầu trời thả bom tàn phá ác liệt vào khu vực chợ Bầu, cửa hàng bách hóa và khu phố 5 (gần chợ Bầu) dọc quốc lộ 1A… Dưới sự chỉ đạo của cấp trên, toàn đại đội chốt trên các mâm pháo, vừa bắn trả máy bay địch, vừa băng mình trong lửa đạn làm nhiệm vụ cứu sập hầm, vác đạn, chữa cháy nhà dân. Trận đánh ấy dân quân Lam Hạ vô cùng phấn khởi, tự hào về thành tích đạt được, đó là góp phần vào chiến công bắn rơi một máy bay địch. Trận đầu thắng lợi, không có thương vong về người khiến tinh thần, khí thế chiến đấu của quân và dân được nâng cao.
Khoảng 2 năm sau đó (1966-1967) là thời điểm gay go, ác liệt nhất và cũng là thời điểm xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm trong chiến đấu. Điển hình nhất là trận chiến đấu ngày 1/10/1966 (nay trở thành ngày giỗ trận của các liệt sĩ dân quân Lam Hạ). Ngay từ sáng sớm khu vực cầu Phủ Lý đã mờ mịt khói bom. Trận ấy, không quân Mỹ huy động khoảng 50 lần máy bay oanh tạc hòng thực hiện mưu đồ xóa sổ tất cả các mục tiêu quân sự trong khu vực. Lúc đó, lực lượng của ta đã bố trí sẵn sàng phòng thủ, chủ động tác chiến. Cứ khoảng 30 phút một lần, máy bay Mỹ mở cuộc tiến công vào Phủ Lý. Các nữ dân quân Lam Hạ thay nhau túc trực trên mâm pháo tham gia chiến đấu. Buổi sáng hôm ấy, máy bay địch mở tới 4 trận công kích liền nhau. Tới trận thứ 4 (khoảng 10 giờ 15 phút) chúng tập trung công kích thẳng vào trận địa hỏa lực phòng không, nơi các dân quân Lam Hạ làm nhiệm vụ. Các nữ pháo thủ đã kiên cường dũng cảm, bám trụ, quyết tâm đánh đuổi máy bay địch. Người này ngã xuống, người kia tiến lên thay vị trí chiến đấu trên mâm pháo.
Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, lòng căm thù giặc như trào lên trong lồng ngực, nhiều nữ pháo thủ dân quân Lam Hạ tiếp tục lao lên thay thế vị trí chiến đấu, kiên quyết bắn đuổi máy bay địch. Trong trận chiến đấu ngày 1/10/1966, Trung đội nữ pháo phòng không Lam Hạ có 6 chị đã anh dũng hy sinh, đó là các chị: Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi (hai chị em gái), Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Thanh Phương (chị Lan đang có thai 3 tháng).
Những ngày tháng sau đó, các nữ dân quân Lam Hạ luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Một trận đánh ác liệt khác ngày 9/10/1966 khiến 5 chiến sĩ dân quân hy sinh tại trận địa Đường Ấm, một chiến sĩ dân quân hy sinh tại trận địa Hòa Lạc (trong đó có 3 chiến sĩ nữ). Ngày 7/7/1967, chị Đặng Thị Chung là cô gái thứ 10 của đại đội hy sinh tại trận địa Hòa Lạc. Khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ tiếp tục được củng cố, rèn luyện để có thể chủ động tác chiến trong mọi tình huống, sẵn sàng đối phó với chiến tranh phá hoại lần 2 năm 1972.
Những nữ dân quân phòng không Lam Hạ năm xưa nay đều tuổi đã cao, sức yếu, nhưng vào ngày giỗ trận 1/10 hằng năm ai cũng gắng tề tựu bên nhau, cùng ôn lại một thời chiến đấu hào hùng, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của những nữ dân quân phòng không Lam Hạ Anh hùng. Trong ánh mắt nhòe nước vì nhớ thương đồng đội của những người còn lại vẫn luôn ánh lên một niềm tin son sắt, niềm tự hào về một thời khói lửa, chiến đấu oanh liệt. Và hình ảnh 10 nữ liệt sĩ pháo phòng không Lam Hạ sẽ mãi mãi là niềm tự hào, động viên quân và dân Hà Nam thêm vững vàng, tự tin trên lộ trình xây dựng quê hương, đất nước.
Hương Giang
Phương Dung