Thăm di tích đền Lăng, mả Dấu

Xã Liêm Cần nay, vùng đất Bảo Thái xưa là nơi ghi dấu ấn lịch sử thời kỳ hoạt động quân sự buổi đầu của Lê Hoàn. Đây không chỉ là đất khởi nghiệp mà còn là quê nội của ông. Dấu ấn sâu đậm nhất cho nhận định này hiện rõ ở lịch sử và những nhân vật thờ tại đền Lăng thôn Cõi, nay là thôn Ngũ Cõi, xã Liêm Cần (Thanh Liêm).

Đền nằm dưới chân núi Lăng. Nhân dân địa phương truyền tụng, giữa núi Lăng có khu đất bằng phẳng là nền nhà của Lê Lộc – ông nội Lê Hoàn và cũng là nơi Lê Hoàn lớn khôn trở lại quê hương mở trường dạy học, tìm người cùng chí hướng. Nơi đây sau khi Lê Hoàn mất được người dân xây đền thờ phụng, gọi là đền Trung. Đinh Bộ Lĩnh trong thời gian chiêu hiền, nạp sĩ cũng đã về vùng Bảo Thái xưa lập căn cứ, tuyển quân, huấn luyện binh sĩ. 

Sau khi lên ngôi vua, đỉnh núi Lăng là nơi lập sinh từ của ông và sau này nhân dân lập đền thờ vua trên đỉnh núi Lăng, gọi là đền Thượng. Đền Trung, đền Thượng đến nay không còn, chỉ còn đền Lăng hay còn gọi là đền Hạ nằm dưới chân núi. Đền thờ 4 vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Ngọa Triều; 2 vị nhân thần là Tướng quân Nguyễn Minh cùng vợ là bà Nhữ Đê phò Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn và một vị thiên thần là Thiên Cương Đại Vương. 

Mả Dấu đã được phục dựng và tôn tạo

Là di tích quan trọng trong hệ thống thờ các vị vua triều Đinh, Tiền Lê,  đền Lăng có tầm ảnh hưởng rộng khắp trong phạm vi các tỉnh thuộc Hà Nam Ninh xưa. Cụm di tích này đã được tỉnh quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị phục vụ nhu cầu tâm linh, phát triển du lịch. Hiện nay, dự án bảo tồn, tôn tạo đền Lăng; phục dựng đền Trung, đền Thượng; bảo tồn, tôn tạo và phục dựng mả Dấu nằm trong giai đoạn I dự án quy hoạch chi tiết điểm du lịch Di tích lịch sử đền Lăng đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) triển khai.

Trong các di tích, hiện mả Dấu đã được tu sửa, phục dựng khá hoàn chỉnh. Đây là ngôi mộ của cụ Lê Lộc, ông nội Lê Hoàn, bị hổ trắng là con nuôi tưởng nhầm là người trộm đó vồ chết. Theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đình Lợi (nguyên cán bộ Sở VH,TT&DL), chữ “Dấu” ở đây theo quan niệm dân gian của người Việt cổ, được hổ chôn – hổ táng và người chết sau khi táng mà mộ được đất đùn lên to khác thường thì đó được coi là mộ phát. Mả Dấu với nghĩa chìm sâu trong chuyện kể làng Bảo Thái là in dấu buổi đầu sự phát tích của nhà Tiền Lê. Theo nghĩa này, hành vi của hổ trắng không còn là sự che giấu lỗi lầm nữa mà chính là làm nên điềm lành trong tự nhiên của vùng Bảo Thái, hay ý chỉ hồn thiêng sông núi nơi đây.

Ngôi mộ phát khá to như một chiếc gò nổi cao lên giữa một nơi đất bằng phẳng dưới chân núi Cõi. Ngôi mộ được ốp đá trắng, chính giữa ngôi mộ là tấm bia Tiền Lê phát tích và bên cạnh mộ là tượng hổ cách điệu. Đứng trên mả Dấu nhìn xa trong một buổi sớm mù sương, núi Lăng với chòm cây lá xa mờ là nơi nhà cũ của cụ Lê Lộc và nơi này là nơi đặt mộ cụ. Xưa kia nối hai nơi là những trảng cỏ và cây bụi, nay nối hai nơi là ngôi trường tiểu học và THCS của xã Liêm Cần. Khu mộ táng còn nằm trong một khu dân cư đông đúc, khung cảnh gò bó, nếu không có người dẫn đường khó có thể tìm thấy.

Đền Lăng, ngôi đền cổ kính trải qua mưa nắng xuống cấp hiện đang được tu bổ lại. Ngôi đền sẽ được xây tường gạch xi măng nhưng các cột, vì kèo và các cấu kiện khác đều được làm bằng gỗ. Những vật liệu gỗ mối mọt, hư hỏng đều được thể hiện nguyên dạng trên những cây gỗ mới. Làm nên giá trị của đền Lăng chính là những mảng chạm khắc được tạo tác trên những khúc gỗ lớn, hoàn toàn thủ công rất đẹp và tinh tế vẫn được giữ nguyên. Những mảng chạm khắc được nhiều hiệp thợ tiến hành và hiệp nào cũng muốn mình nổi trội nên bằng cảm quan tinh tế, óc tưởng tượng tài hoa cùng tính linh thiêng tín ngưỡng các hiệp thợ đã để lại trên những đình, chùa, đền Hà Nam nói chung và đền Lăng những chạm khắc tinh xảo còn mãi với thời gian. 

Giá trị của đền Lăng còn nằm ở 4 chiếc long đình thờ 4 vị vua trong chính tẩm. Những chiếc long đình trong có bài vị, long ngai còn nguyên màu sơn son thếp vàng theo phương pháp cổ truyền. Ngai thờ vua nên những mảng chạm khắc ở đây cầu kỳ đẹp mắt. Hương án đền Lăng cũng là đồ thờ cổ mang một vẻ đẹp lộng lẫy của các mảng chạm khắc trong một kết cấu lồng nhau. Hiện chính tẩm của đền đã được làm xong. 

Với những giá trị nhiều mặt về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc gắn với sự phong phú của truyền thuyết dân gian và những địa danh, dấu tích liên quan đến một quãng đời quan trọng của Lê Hoàn nên đền Lăng từ xưa đã nổi tiếng. Nhiều nhà khoa bảng đã tới thăm viếng ngôi đền và để lại cho đời những bài thơ đề vịnh đậm chất hoài cổ và suy nghiệm. Trong đó, nổi tiếng là bài thơ “Lê gia hổ táng mộ” của Hoàng giáp Lê Tung (thế kỷ XVI): “Sông hồ ngàn dặm đến nơi đây/ Tường rêu thấp thoáng dưới bóng cây/ Khe nước núi Bông đi đổ đó/ Táng trên núi Cõi hổ đem thây/ Điềm lành sinh cháu thành Hổ tướng/ Xứng bậc Đế vương trị nước hay/ Sách nói ba đời còn rõ nét/ Ngẫm xem bốn mặt thiếu cao dày”.

Chu Bình

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy