Phủ Lý những ngày khởi nghĩa giành chính quyền

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Phủ Lý - trung tâm tỉnh lỵ Hà Nam (nay là TP Phủ Lý) vào thời điểm lịch sử Tháng Tám năm 1945 chỉ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng đó là kết quả của cả một quá trình lâu dài, kiên trì, bền bỉ xây dựng phong trào cách mạng, có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng về tư tưởng, tổ chức và lực lượng của tổ chức Đảng các cấp trong tỉnh.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, từ cuối những năm thập niên 30, đầu thập niên 40, các tổ chức cơ sở Đảng ở Phủ Lý đã tiến hành xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Cơ sở Việt Minh và các tổ chức cứu quốc được xây dựng tại Phủ Lý thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các cơ sở, tổ chức cách mạng đã duy trì hoạt động, nuôi dưỡng, bảo vệ các đồng chí cán bộ cấp trên về hoạt động và trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong vùng.

Bước sang năm 1943, đảng viên các tổ chức đảng trên địa bàn Phủ Lý tìm cách bắt liên lạc với nhau, tiếp tục gây dựng cơ sở, khôi phục phong trào. Được sự chỉ đạo thường xuyên của tỉnh, các chi bộ trên địa bàn Phủ Lý ra sức phát triển lực lượng quần chúng cả trong nội thị, ngoại thị, trong các tầng lớp học sinh, viên chức, bà con tiểu thương... và hai tổ chức quần chúng từ trong nội bộ địch là “Thanh niên xã hội” và “Bảo an đoàn”. Những phần tử được giác ngộ phát huy tốt vai trò làm “tai mắt”, bảo vệ cơ sở cách mạng và gián tiếp bí mật chống lại các chủ trương, mệnh lệnh của địch bằng những hoạt động hợp pháp. Mặc dù ở ngay trung tâm đầu não của địch nhưng phong trào cách mạng trên địa bàn Phủ Lý vẫn phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Phủ Lý những ngày khởi nghĩa giành chính quyền
Một góc TP Phủ Lý hôm nay. Ảnh: Trương Dũng

Trên cơ sở xây dựng, phát triển lực lượng chính trị, các đơn vị tự vệ cứu quốc trên địa bàn Phủ Lý từng bước được thành lập. Đến cuối năm 1944, trong nội thị đã có 2 đội tự vệ. Ở các xã, mỗi thôn cũng đều thành lập được 1 đội tự vệ hoạt động dưới nhiều hình thức, như: chơi thể thao, tập võ... Các đội tự vệ đều được huấn luyện về chính trị, quân sự. Nhân dân đóng góp và tự trang bị, mua sắm vũ khí, ngày đêm luyện tập. Cuộc đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng nổ ra ở các làng xã khắp nơi trong tỉnh.

Đến năm 1945, tình hình trong nước và thế giới có sự chuyển biến nhanh chóng. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm Đông Dương, chúng lập nên Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam hòng lừa bịp dân chúng, tạo nên sự hỗn loạn về chính trị - xã hội. Trong khi đó, hậu quả chính sách vơ vét của Nhật – Pháp đã khiến cho nạn đói ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Ngày 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành  động của chúng ta”. Chỉ thị nêu rõ: Phát xít Nhật trở thành kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể trước mắt, duy nhất của nhân dân Đông  Dương. Do đó, khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật – Pháp” trước đây được thay thế bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Đảng chủ trương phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ, rộng khắp, chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. 

Tháng 4/1945, tại Ngọc Động (Hoàng Đông, Duy Tiên), Ban Cán sự Đảng lâm thời tỉnh Hà Nam được thành lập do đồng chí Lê Thành làm Trưởng ban. Từ thời điểm này, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh cũng như tại thị xã Phủ Lý càng diễn ra sôi nổi. Mặt trận Việt Minh bằng nhiều hình thức tuyên truyền, giới thiệu làm cho mọi người hiểu rõ chính sách đại đoàn kết và thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Các chi bộ trong nội thị và cán bộ phụ trách các xã đẩy mạnh việc xây dựng phát triển lực lượng và huấn luyện quân sự cho lực lượng tự vệ trên địa bàn. Từ giữa năm 1945, quân đội phát xít thất bại trên nhiều mặt trận. Lực lượng cách mạng của ta, bao gồm cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang (đội tự vệ cứu quốc) ngày càng lớn mạnh. Phong trào cách mạng trên địa bàn Phủ Lý phát triển rộng khắp. Không khí chuẩn bị cho những ngày tổng khởi nghĩa diễn ra hết sức khẩn trương.

Tháng 8/1945, tình hình thế giới và cục diện cách mạng trong nước có nhiều chuyển biến mau lẹ. Phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương hoang mang cực độ. Quân Nhật đóng ở Phủ Lý, Thanh Liêm ngày càng rệu rã. Trên địa bàn thị xã Phủ Lý, công tác chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra hết sức khẩn trương. Nhận được sự chỉ đạo của cấp trên, ngày 15 và 16/8/1945, tại thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên (nay là phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên), Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Nam cấp tốc triệu tập hội nghị cán bộ Việt Minh để quyết định khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh.

Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thành công làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Ngày 20/8, đông đảo quần chúng nhân dân với lực lượng tự vệ làm nòng cốt đã đồng loạt nổi dậy giành chính quyền ở khắp các huyện trong tỉnh Hà Nam rồi rầm rộ tiến về trung tâm thị xã Phủ Lý. Sáng sớm ngày 24/8/1945, lực lượng cách mạng hùng hậu ở các địa phương trong tỉnh gồm các hội viên cứu quốc, tự vệ chiến đấu được trang bị vũ khí (gồm 1 trung liên, 3 tiểu liên, 80 súng trường) làm nòng cốt cho khởi nghĩa vũ trang cùng quần chúng cách mạng với khí thế hừng hực, vừa gióng trống, khua chiêng, thúc mõ dồn dập, vừa hô vang các khẩu hiệu và từ các ngả tiến về thị xã Phủ Lý. 

10 giờ sáng ngày 24/8, tại sân vận động thị xã một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Mở đầu cuộc mít tinh là những loạt đạn bắn lên trời để khuếch trương thanh thế, biểu dương lực lượng. Đồng chí Lê Thành, Chủ tịch Ủy ban Quân sự cách mạng tỉnh Hà Nam đọc diễn văn công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh và tuyên bố chính quyền của thực dân, phát xít đã bị lật đổ, từ nay chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng, từ thị xã Phủ Lý tỏa về các huyện, xã trong tỉnh. Dinh Tỉnh trưởng, Sở Cảnh sát, trại Bảo an binh và các công sở của địch đã nhanh chóng được chuyển giao cho lực lượng cách mạng tiếp quản. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Phủ Lý diễn ra thắng lợi, bảo đảm nhanh gọn, an toàn, không có đổ máu. Đây là niềm vui to lớn của toàn thể nhân dân Phủ Lý nói riêng và cả nước nói chung khi chính quyền đã hoàn toàn thuộc về nhân dân ta.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chế độ thực dân, phong kiến, phát xít đã bị lật đổ, khí thế cách mạng dâng cao, lực lượng quần chúng cách mạng được củng cố vững chắc. Cùng với nhân dân toàn tỉnh và cả nước, nhân dân trên địa bàn Phủ Lý hăm hở bắt tay vào công cuộc bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng. Lực lượng tự vệ thị xã có sự trưởng thành vượt bậc về tư tưởng và các chiến thuật quân sự. Đó là những tiền đề hết sức quan trọng cần thiết cho việc xây dựng lực lượng vũ trang thị xã vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ, xây dựng, phát triển chính quyền cách mạng non trẻ, cùng toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược sau này.

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy