Kim Bảng là vùng quê có bề dày truyền thống yêu nước, cách mạng. Trong suốt chiều dài sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cùng với quê hương Hà Nam, đảng bộ, chính quyền, nhân dân Kim Bảng đã luôn nỗ lực phấn đấu lập nhiều thành tích xuất sắc và có những đóng góp to lớn. Phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển, đảng bộ, chính quyền, nhân dân Kim Bảng đã và đang không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp.
Kế thừa những thành quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực của giai đoạn trước đây, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo “Chủ động, trách nhiệm, hiệu quả” trong thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, tầng lớp nhân dân Kim Bảng luôn nêu cao tinh thần quyết tâm, thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm an sinh, giữ vững quốc phòng- an ninh (QP-AN).
Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, cấp ủy, chính quyền Kim Bảng tập trung lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả các chương trình định hướng, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng những mô hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ phù hợp, hiệu quả, qua đó nâng cao giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản trên địa bàn với mức tăng bình quân 1,2%/năm. Trồng trọt chuyển trọng tâm từ nâng cao sản lượng sang coi trọng cải thiện chất lượng, hiệu quả; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, vùng liên kết sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm… cho hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi - thủy sản phát triển theo hướng nâng cao giá trị gắn với vệ sinh môi trường; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng; phòng chống lụt, bão; tu bổ công trình thủy lợi, nâng cấp đường trục chính nội đồng; nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ, kinh doanh...đạt kết quả toàn diện.
Phong trào xây dựng NTM theo hướng đô thị hóa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân và đạt kết quả tích cực. Trên cơ sở kết quả đạt được từ giai đoạn trước (với 100% số xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM), đến hết 2024, Kim Bảng có: 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 10 xã đạt tiêu chí lên phường; là 1 trong 3 đơn vị cấp huyện của cả nước được Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua “Chung sức xây dựng NTM”, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”.
Trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), cấp ủy, chính quyền Kim Bảng tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch, công nghiệp, trọng tâm là đáp ứng nguồn nhân lực cho Khu du lịch Tam Chúc và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao với giá trị tăng bình quân 16,87%/năm; thu hút nhiều nhà đầu tư lớn về công nghiệp, đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy cơ cấu kinh tế huyện phát triển theo hướng công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Bám sát quy hoạch phát triển chung đô thị Kim Bảng, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi, “mặt bằng sạch”... phục vụ việc hình thành mạng lưới khu, cụm công nghiệp đồng bộ, với 3 khu công nghiệp (Kim Bảng I, II, IV), 3 cụm công nghiệp (Lê Hồ, Đồng Hóa, Thi Sơn). Cùng với đó, duy trì tốt hoạt động 4 làng nghề truyền thống, 63 làng có nghề; giữ vững chỗ đứng các sản phẩm làng nghề trên thị trường. Lĩnh vực thương mại- dịch vụ (TM-DV), du lịch, tài chính... trên địa bàn Kim Bảng cũng có sự phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống nhân dân. TM-DV phát triển về quy mô, mạng lưới hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng (tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng bình quân 13,3%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12,69%/năm), góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Các điểm du lịch sinh thái, tâm linh (Tam Chúc, chùa Bà Đanh, Ngũ động Thi Sơn, chùa Ông, hồ Ba Hang...) từng bước được đầu tư, mở rộng, có sự kết nối. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, người dân về giữ gìn, bảo vệ môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững được nâng lên. Trên địa bàn Kim Bảng hiện có 3 nhà máy, 12 trạm cấp nước sạch tập trung, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đến năm 2024 đạt 99,7%. Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm đặc biệt, duy trì nền nếp, việc tổ chức vệ sinh môi trường thôn, tổ dân phố (vào các ngày 7, 17, 27 hằng tháng); tuyên truyền, vận động CBĐV, nhân dân phân loại, xử lý rác thải; tỷ lệ rác thải thu gom đến năm 2024 đạt 98%.
Hướng đến mục tiêu phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư có trọng điểm, hiệu quả, tạo động lực cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững (tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2024 tăng bình quân 15,6%/năm). Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng gắn với quy hoạch phát triển vùng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn Kim Bảng có 3 dự án nhà ở xã hội, công nhân, 52 dự án phát triển đô thị, nhà ở tập trung. Giai đoạn 2021-2024, đã đầu tư xây dựng, cải tạo trên 100 km đường theo tiêu chí đường cấp 5 đồng bằng trở lên; đồng bộ hóa hệ thống hè đường, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh đối với 90% tuyến đường chính; hoàn thiện 20 km kênh tưới, tiêu đồng bộ với hệ thống thoát nước đô thị; cải tạo các tuyến đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc… bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và tiêu chí đô thị hóa. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện đúng tiến độ, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Công tác quản lý trật tự xây dựng, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, di chuyển mồ mả phân tán về nghĩa trang tập trung theo quy hoạch, di chuyển cột điện, bó gọn cáp viễn thông... được đẩy mạnh, góp phần chỉnh trang hạ tầng và cảnh quan NTM, đô thị văn minh.
Lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục thể thao (TDTT)... được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể chăm lo phát triển toàn diện, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng NTM, đô thị văn minh phát triển rộng khắp với 91,5% gia đình, 85% thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; 34% dân số luyện tập TDTT thường xuyên; 100% thôn, tổ dân phố có điểm tập luyện TDTT; Hát Dậm Quyển Sơn, Lễ hội chùa Bà Đanh được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chủ trương đẩy mạnh phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương được coi trọng. Hằng năm, cán bộ, đảng viên, nhân dân Kim Bảng đều tham gia, phối hợp tổ chức thành công Lễ hội Chùa Tam Chúc và nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia, khu vực, được các cấp, ngành ghi nhận, đánh giá cao.
Sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện chính sách an sinh xã hội… được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Chất lượng dạy, học ngày càng được nâng cao; công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm; 54/54 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ I; 51/54 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ y, bác sỹ được nâng lên; 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và có bác sỹ. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT (đến năm 2024) đạt 93,5%. Giai đoạn 2010-2021 đã đào tạo nghề cho gần 21nghìn lao động, giải quyết việc làm mới đạt bình quân 3.200 lao động/năm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 81,5% (trong đó có chứng chỉ, bằng nghề đạt 65%); tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2024 giảm còn 1,31%.
Nhiệm vụ bảo đảm QP-AN được chú trọng trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết về nhiệm vụ quốc phòng địa phương, giữ gìn ANTT phục vụ định hướng phát triển đô thị văn minh. Công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng toàn dân được tiến hành đồng bộ. Phong trào ‘‘Thi đua quyết thắng’’ của LLVT được kết hợp toàn diện, có hiệu quả với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác diễn tập, huấn luyện, hội thi, hội thao, tuyển quân, thực hiện chính sách hậu phương quân đội… đạt kết quả toàn diện. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng, hướng về cơ sở, gắn với tăng cường hoạt động hòa giải, củng cố khối đoàn kết cộng đồng. Việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đạt kết quả toàn diện, là 1 trong 3 đơn vị đầu tiên trong toàn quốc hoàn thành phủ kín cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho 100% công dân trong độ tuổi.
Bộ máy chính quyền các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả quản lý, điều hành. Chất lượng các kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri, giám sát, chất vấn, trả lời chất vấn... của đại biểu Quốc hội, HĐND hiệu quả đúng luật. UBND các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy, HĐND. Chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp huyện, cấp xã, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành... đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, năng động, phục vụ; công tác sắp xếp đầu mối, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị, sáp nhập thôn, tổ phố theo tinh thần Nghị quyết 18 Ban chấp hành Trung ương khóa XII được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành các cấp ủy, chính quyền luôn thể hiện tinh thần quyết liệt, linh hoạt, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “hướng về cơ sở”; tăng cường quản lý nhà nước, chú trọng chỉ đạo xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện phù hợp. Trong chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới theo hướng giảm hội nghị; tăng cường giám sát cơ sở; phát huy trí tuệ tập thể, tính chủ động, trách nhiệm của cá nhân; thực hiện nghiêm quy chế hoạt động; nâng cao chất lượng tham mưu; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; phân cấp quản lý, xác định rõ trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân trong từng lĩnh vực, công việc. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội, tạo sự đồng thuận để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị. Trong từng giai đoạn, với từng nội dung, giải pháp cụ thể đều nhất quán với quan điểm "sát tình hình thực tế, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân", tạo sự thống nhất cao trong đảng bộ, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Với cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, chú trọng triển khai thực hiện nghiêm những quy định của Đảng liên quan đến trách nhiệm cá nhân, đề cao vai trò nêu gương của CBĐV; tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra nội bộ kết hợp với thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, góp phần xây dựng bộ máy hành chính lành mạnh, củng cố lòng tin trong nhân dân. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được coi trọng, có chuyển biến tích cực, trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Chỉ thị 05, Kết luận 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác dân vận, đặc biệt là công tác dân vận của chính quyền chuyển biến tích cực theo hướng trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng NTM, nâng cao chất lượng hoạt động của khối dân vận cơ sở, ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. MTTQ, các đoàn thể không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, đoàn viên làm nòng cốt trong các phong trào, cuộc vận động, tích cực tham gia xây dựng cấp ủy, chính quyền vững mạnh; nhiều năm liền được ghi nhận là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối huyện, thành phố. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Kim Bảng luôn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Từ quá trình nỗ lực phấn đấu kiên trì, bền bỉ, với kết quả và thành tích xuất sắc đạt được, năm 2021, cán bộ, đảng viên, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Kim Bảng vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ngày 14/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thị xã Kim Bảng và sắp xếp, thành lập các phường của thị xã, mở ra một giai đoạn phát triển mới, rất đáng phấn khởi của quê hương Kim Bảng. Sự ghi nhận cùng những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước sẽ là nguồn cổ vũ to lớn, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên, nhân dân, lực lượng vũ trang Kim Bảng thêm tự tin, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xây dựng quê hương phát triển nhanh, bền vững, trở thành đô thị giàu đẹp, văn minh.
Nguyễn Thành Thăng, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Kim Bảng