Nhắc đến những địa danh, sự kiện lịch sử tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp trên quê hương Hà Nam không thể không nhắc đến gương hy sinh dũng cảm của 32 cụ già, thanh thiếu niên ở Đức Bản, Nhân Nghĩa, Lý Nhân. Đã tròn 70 năm trôi qua nhưng dấu ấn về sự kiện bi hùng này cùng những đóng góp, hy sinh lớn lao của mảnh đất anh hùng Nhân Nghĩa, Lý Nhân vẫn trường tồn trong niềm tự hào của bao thế hệ người dân vùng quê núi Đọi, sông Châu.
Thôn Đức Bản (gồm 3 xóm: Đức Bản Nội, Đức Bản Ngoại, Nhân Sơn) kề bên dòng sông Long Xuyên và trục đường 62 (nay là quốc lộ 38). Trong những năm kháng chiến chống Pháp, mặc dù bị chính quyền thực dân càn quét, kiểm soát gắt gao nhưng phong trào cách mạng ở Đức Bản vẫn không ngừng phát triển.
Giai đoạn 1950-1954, đình Đức Bản là điểm tập kết trung chuyển của đường dây bí mật đưa cán bộ, bộ đội, vũ khí từ vùng tự do Liên khu III sang vùng Tả Ngạn sông Hồng và ngược lại đưa lương thực, thực phẩm, thuốc men ra vùng tự do. Du kích, dân quân Đức Bản vừa tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa đào hầm bí mật và cùng với các gia đình trong làng cất giấu vũ khí, lương thực, nuôi giấu hàng nghìn lượt cán bộ, thương binh, bộ đội chủ lực của tỉnh, huyện, Liên khu III, Quân khu Tả Ngạn.
Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, nhân dân Đức Bản đã anh dũng chiến đấu, hy sinh nhiều xương máu, đóng góp sức người, sức của đánh đuổi thực dân xâm lược, đặc biệt là tấm gương dũng cảm hy sinh của 32 cụ già, thanh thiếu niên trong trận chống càn Ăm - phi - bi.
Sau thất bại ở Chiến dịch Biên giới (1950), quân Pháp tiếp tục ra sức thực hiện âm mưu “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” tập trung mở những cuộc càn quét lớn hòng triệt xóa các khu căn cứ du kích và vùng tự do tại các tỉnh đồng bằng. Tháng 4/1951 quân Pháp mở cuộc hành quân quy mô lớn “Chiến dịch quốc gia” phối hợp với binh lính đồn trú tại các đồn bốt trong vùng càn quét, bao vây, bình định vùng tự do ở Lý Nhân.
Tháng 5/1951, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Quang Trung trên địa bàn Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Ngày 28/5/1951, mở màn chiến dịch thì đến ngày 20/6/1951 chiến dịch kết thúc thắng lợi trong đó có sự góp sức của dân quân du kích Nhân Nghĩa. Sau Chiến dịch Quang Trung, Văn phòng Chi ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính xã Nhân Nghĩa chuyển từ Vạn Thọ (Nhân Bình) về Đức Bản đóng cùng cơ sở đảng, chính quyền xã Chung Lý (nay thuộc Bắc Lý) và các đơn vị bộ đội chủ lực huyện, tỉnh.
Tháng 11/1951, khi quân Pháp tấn công sang Hòa Bình hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ thì một lực lượng lớn quân chủ lực của ta luồn vào đồng bằng phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích đánh vào hậu phương địch để tiêu hao sinh lực, mở rộng khu du kích.
Thất bại thảm hại trong Chiến dịch Hòa Bình, quân Pháp vội vã rút về càn quét đồng bằng hòng đẩy bộ đội chủ lực của ta ra khỏi địa bàn, phá khu du kích để gỡ thế bị bao vây. Chúng liên tiếp mở 20 trận càn lớn nhỏ, trong đó có trận càn lớn mang tên Ăm phi bi (từ ngày 10 đến ngày 15/3/1952, do Tướng Bécsu chỉ huy) trên địa bàn Lý Nhân, Bình Lục. Trận càn này chúng huy động 15 tiểu đoàn bộ binh, dù, pháo cùng 168 xe cơ giới, xe lội nước và máy bay yểm trợ… triển khai vòng vây khép kín rồi tiến sâu vào những khu đã bao vây chia cắt để càn quét. Biết rõ âm mưu của địch, tổ Đảng thôn Đức Bản chuẩn bị các điều kiện bảo vệ, phát triển khu du kích, sau đó nhanh chóng chỉ đạo đoàn thanh niên, phụ nữ, phụ lão, nông hội cùng lực lượng vũ trang đào hầm bí mật tránh đại bác và chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các đội tiếp tế, tải thương, cứu thương…
Chiều 11/3/1952, địch càn tới Cống Vùa (Xuân Khê), Cống Nha (Nhân Bình). Ngày 12/3/1952, sau hàng giờ dội bom, bắn đại bác tàn phá nhà cửa, cây cối làng Vạn Thọ, binh đoàn cơ động do Tướng Bécsu chỉ huy kéo từ Đồng Chữ, Cống Vùa đánh vào Vạn Thọ. Hai lần địch tổ chức tấn công đều bị quân ta đẩy lùi, diệt nhiều tên. Đến chiều, địch tăng viện, có máy bay, xe lội nước yểm trợ từ Cống Nha lần thứ ba ồ ạt tiến quân và lọt vào trận địa mai phục của ta ở Vạn Thọ. Ròng rã một ngày đánh trả các mũi tiến quân của địch, một số bộ đội, du kích hy sinh nhưng quân ta đã làm quân địch thiệt hại nhiều binh lực.
Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân ta, bọn địch buộc phải rút chạy. Lập tức, pháo của ta phối hợp từ Đức Bản bắn chặn đường rút lui của địch, bộ đội, du kích từ Đức Bản đồng thời hành quân tiếp viện truy kích tiêu diệt địch. Bị đòn đau, địch gọi đại bác từ Phủ Lý, Vĩnh Trụ bắn tới tấp về Đức Bản. Trên đường hành quân tiếp viện truy kích địch ở Vạn Thọ, một số chiến sỹ bị pháo địch bắn bị thương, du kích phục vụ chiến đấu cùng bộ đội đã lập tức chuyển thương binh về Đức Bản băng bó, cứu chữa. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, du kích, bộ đội kết hợp chặt chẽ giành giật từng quãng đường, ngõ xóm, địch tháo chạy, ta truy kích trên cánh đồng Vạn Thọ, Hạ Nông, Cống Nha. Trong trận này ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 160 tên địch, bắt sống một số tên, thu nhiều vũ khí, gây thiệt hại nặng nề cho quân địch.
Sau trận đánh ngày 12/3, để tránh mũi nhọn tiến công của địch, bộ đội ta đã chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại hơn 200 thương binh, dân công của Duy Tiên, Bắc Lý Nhân, Tả Ngạn đang được nhân dân Đức Bản nuôi dưỡng, bảo vệ. Đêm 13/3/1952, dân công Đức Bản cùng dân công xã Nhân Nghĩa đã chuyển được một số thương binh vượt qua vòng vây sang Bình Lục ra vùng tự do. Sáng 14/3/1952, quân Pháp từ bốt Cống Nha chia thành hai mũi tiếp tục kéo lên Đức Bản. Trên đường đi, hai mũi càn quét của địch đã thẳng tay giết hại gần 30 dân thường vô tội trước khi hợp quân về chùa Đức Bản.
Tại Đức Bản, chúng bắt một cụ ông tra hỏi về Việt Minh nhưng cụ lắc đầu, trả lời “không biết”, chúng liền chặt đầu cụ bêu ra đầu làng để khủng bố tinh thần dân làng. Buổi tối, địch dồn các cụ già, em nhỏ lại để mua chuộc, dọa dẫm bắt khai ra vị trí hầm nuôi giấu Việt Minh nhưng không thu được kết quả gì. Sáng 15/3/1952, bọn địch tiếp tục dồn các cụ già, trẻ em dụ dỗ chỉ hầm bộ đội, thương binh nhưng không ai khai nên chúng đành rút quân về Cống Nha bắt đi 4 cụ già Đức Bản. Buổi chiều, quân Pháp lại từ Cống Nha kéo về chùa Đức Bản, tra hỏi dân làng nhưng mọi người đều một mực trả lời “không biết”.
Đánh đập, dụ dỗ không được, địch điên cuồng dồn các cụ già, em nhỏ ngồi thành hàng rồi điên cuồng dùng súng liên thanh bắn hết loạt đạn này đến loạt đạn khác trước mặt dân làng. 32 cụ già và thanh thiếu niên Đức Bản đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cách mạng, quyết không để một căn hầm bị lộ, không một cán bộ, bộ đội, một khẩu súng, viên đạn lọt vào tay giặc.
Ngày 16/3/1952, quân Pháp hậm hực rút khỏi Nhân Nghĩa. Trận càn Ăm - phi - bi với tham vọng “cất mẻ vó cuối cùng” chồng chất tội ác của thực dân Pháp đã thất bại thảm hại. Tội ác của chúng không những không làm nhân dân Đức Bản nhụt chí kháng chiến, ngược lại còn hun đúc thêm lòng căm thù, ý chí chiến đấu để tiếp tục chặng đường đấu tranh giải phóng quê hương. Tháng 7/1954 Bác Hồ viết bài báo “Không biết” (đăng trên Báo Cứu quốc số 8631, ngày 8/7/1954) bày tỏ sự cảm phục và ca ngợi các cụ già và thanh thiếu niên Đức Bản đã hy sinh anh dũng trong trận càn Ăm phi bi. Tiếp đó, Chính phủ đã truy tặng Huân chương Kháng chiến và suy tôn liệt sỹ đối với 32 cụ già, thanh thiếu niên Đức Bản.
70 năm đã qua, sự kiện bi hùng mang tên Đức Bản vẫn hằng năm được trân trọng, thành kính nhắc đến bằng ngày "giỗ trận" chung đầu xuân của hàng chục gia đình ở Đức Bản Nội, Đức Bản Ngoại, Nhân Sơn và bằng những bài viết, những dòng xúc cảm của các nhà báo, nhà văn, nhà viết sử, khách tham quan… Những đoàn đại biểu cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, thân nhân gia đình và phật tử xa gần tìm về nơi đây ngày càng nhiều hơn, thành kính thắp hương tưởng nhớ, cầu siêu, tri ân những liệt sĩ kiên trung đã quên mình vì dân, vì nước. Và trong sâu thẳm lòng mình, người dân Đức Bản cũng như du khách gần xa đều có chung niềm mong mỏi rằng nơi đây sẽ sớm hiện hữu một khu di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến xứng tầm, để góp phần ghi nhớ, tôn vinh, tri ân những người anh hùng của một vùng quê anh hùng.
Thế Vĩnh