Người Hà Nam trên đất Thái Nguyên

Rời quê hương với hai bàn tay trắng, nhưng với tính cần cù, chăm chỉ, không ngại khó khăn, gian khổ, những người con Chính Lý, huyện Lý Nhân trên đất Phú Xuyên, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đã thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương thứ hai ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ông Đỗ Thanh Du, thôn Chính Phú, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) kể về những ngày đầu đặt chân tới vùng kinh tế mới.

Ký ức những ngày đầu lập nghiệp

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, chúng tôi có dịp về thăm, tìm hiểu cuộc sống cũng như tình hình phát triển kinh tế của bà con xã Chính Lý tham gia vùng kinh tế mới. Từ thành phố Thái Nguyên, dọc theo quốc lộ 37 khoảng 40 km, chúng tôi tìm về thôn Chính Phú, xã Phú Xuyên. Dừng lại tại dốc núi Boon, chúng tôi hỏi thăm vào nhà ông Đỗ Thanh Du, sinh năm 1940 (ông Du lúc đó là Bí thư Đoàn xã Chính Lý và là một trong 4 đảng viên được Ban Thường vụ Huyện ủy Lý Nhân cử làm trưởng đoàn dẫn bà con đi xây dựng vùng kinh tế mới).

Sau một hồi hỏi thăm sức khỏe, trò chuyện, ông Du cho biết: Ngày 3/3 (âm lịch) năm 1965, thực hiện sự phân công của cấp ủy cấp trên, tôi dẫn 67 hộ, với 178 nhân khẩu xã Chính Lý tới đây lập nghiệp. Toàn bộ thôn Chính Phú hiện nay lúc đó người dân địa phương thường gọi là khu “rừng dế”, bởi nó rất hoang sơ, toàn cây rừng, tranh, tre, nứa, thời tiết khắc nghiệt nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với suy nghĩ, đã ra đi thì phải thành công, dù khó khăn cũng không lùi bước, những người dân Chính Lý bắt tay nhau đoàn kết, quyết tâm khai phá vùng đất mới này và hứa hẹn cùng nhau làm giàu. Thời gian đầu, các hộ lên đây làm lán trại ở sát nhau, ngày ngày cùng nhau khai phá, cải tạo rừng hoang để dựng lán, làm nhà và trồng lúa, sắn, khoai lang, vượt qua gian khó ban đầu. Đến năm 1968, khi cây chè được đưa về trồng, người dân nơi đây mới có thu nhập kinh tế cao nhờ cây chè mang lại.

Cùng đi với ông Du thời điểm đó còn có gia đình đảng viên Lê Văn Cầu, sinh năm 1935 (lúc đó là Chính trị viên xã đội xã Chính Lý). Ông Cầu kể lại: Năm 1965 khi mới lên đây, đời sống thiếu thốn đủ bề. Khi ấy chưa có máy móc gì nên việc khai hoang, trồng trọt chủ yếu là bằng sức người. Việc trồng lúa, trồng khoai thời điểm đó hầu như không có thu hoạch, bởi  lẽ thời tiết khắc nghiệt cộng thêm chuột bọ phá hoại nên cũng chỉ gọi là đủ ăn qua ngày. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của mỗi gia đình, khó khăn rồi cũng trôi qua, đất không phụ công người nên được đền đáp xứng đáng với những vụ lúa, vụ sắn bội thu, níu kéo người dân ở lại với vùng đất sinh sống và tham gia phát triển kinh tế…

Người Chính Lý ở thôn Chính Phú, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) mạnh dạn đưa giống cây chè mới có hiệu quả vào canh tác.

Và khát vọng làm giàu

Tới thôn Chính Phú hôm nay, dễ dàng cảm nhận được sức sống mới của vùng quê này. Các tuyến đường trong thôn đều được bê tông hóa, dọc theo hai bên đường là những cánh đồng chè xanh mơn mởn. Những ngôi nhà cao tầng nằm ngay lưng chừng đồi tạo nên một bức tranh trù phú. Chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Tiến Tuất, Giám đốc Công ty TNHH chè Tuất Thoi và được coi là một trong những người con quê hương Chính Lý thành đạt nhất hiện nay. Ông Tuất chia sẻ: Tôi theo gia đình lên đây khi mới tròn một tuổi. Chính nhờ vùng đất mới này mà anh em tôi hôm nay đã có cuộc sống khá giả. Được biết, hiện nay ngoài việc trồng, chăm sóc hơn 2ha chè của gia đình, ông Tuất còn liên kết với 80 hộ trong thôn trồng khoảng 120 ha chè theo tiêu chuẩn VietGap. Từ sự đầu tư máy móc hiện đại, trung bình mỗi năm công ty thu mua khoảng trên 300 tấn chè tươi, sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn chè khô với doanh thu đạt khoảng 10 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi từ 1,5-2 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn thường xuyên giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. 

Rời gia đình ông Tuất, chúng tôi tìm đến gia đình anh Lương Văn Mạnh, là một trong những hộ còn giữ lại diện tích đất lớn để canh tác. Với trên 3ha, ngoài việc trồng chè, những năm gần đây anh còn về xã Chính Lý đưa một số giống bưởi lên trồng thử nghiệm. Với trên 2ha chè, trung bình 8 lứa/năm, sau khi trừ chi phí cho lãi từ 200 - 250 triệu đồng. Hiện nay, trên 200 gốc bưởi Diễn, da xanh của gia đình anh đã ra quả và hướng tới một vụ bội thu.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng thôn Chính Phú cũng là một người con quê Chính Lý theo gia đình từ những ngày đầu lên đây lập nghiệp cho biết: Thôn Chính Phú có 260 hộ, với trên 900 nhân khẩu. 100% người dân trong thôn gốc là người xã Chính Lý. Đời sống của nhân dân trong thôn chủ yếu phụ thuộc vào việc trồng và chế biến chè. Thôn có diện tích đất canh tác khoảng trên 300 ha. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2019 đạt 62 triệu đồng/người/năm; thôn không còn hộ nghèo, cận nghèo. Khoảng 80% số hộ dân trong thôn có nhà cao tầng, 100% hộ có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, trong đó 10% số hộ có ô tô. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân trong thôn đã hiến 28.016m2 đất để hoàn thành 12,6km đường giao thông nông thôn; đóng góp trên 3 tỷ đồng xây dựng khu trung tâm văn hóa của thôn (gồm nhà văn hóa, khu thể thao). Hằng năm, 96% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa.

Thắm tình quê hương

Xa quê lập nghiệp vùng đất mới đã tròn 55 năm, khoảng thời gian đó đã giúp cho người Chính Lý ở thôn Chính Phú, xã Phú Xuyên quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và phát triển kinh tế. Ông Đỗ Thanh Du, Chủ tịch Hội đồng hương Chính Lý tại Chính Phú kể: Khi còn ở địa phương, tôi là Bí thư Đoàn xã, là đảng viên lên khi lên vùng kinh tế mới tôi được bầu giữ chức Phó bí thư Đoàn xã Phú Xuyên. Sau này làm  Phó Chủ tịch, rồi Bí thư Đảng ủy xã đến khi nghỉ hưu. Dù còn công tác hay nghỉ hưu tôi vẫn nói với bà con thôn Chính Phú là: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, mà láng giềng gần ở đây cũng đều là người Chính Lý, cùng nơi “chôn nhau cắt rốn”. 

Còn ông Lê Văn Cầu cho biết: “Dù đi đâu, làm gì, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau mình là con cháu quê hương Chính Lý”. Vì vậy, hằng năm cứ vào ngày mùng 3/3 âm lịch (ngày bà con đi lên vùng kinh tế mới), bà con nhân dân lại tụ họp về nhà văn hóa thôn để tổ chức gặp mặt, ôn lại truyền thống quê hương, thông tin tình hình quê hương đổi mới, chia sẻ và nhắc nhở nhau phấn đấu vượt qua khó khăn để trở thành những người năng động, làm ăn giỏi và là những công dân tốt, gương mẫu. Cũng theo thông lệ, cứ 5 năm (theo nhiệm kỳ đại hội Đảng), Hội đồng hương lại mời Ban Chấp hành Đảng bộ xã Chính Lý, một số ban, ngành, đoàn thể của huyện lên dự họp đồng hương và thăm hỏi, động viên bà con nhân dân. 

Đồng chí Nhâm Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chính Phú là thôn điển hình của xã trong phát triển kinh tế nhiều năm qua. Bà con nhân dân trong thôn rất cần cù, chịu khó, giúp đỡ nhau trong sản xuất, nhờ đó số hộ khá, giàu chiếm tỷ lệ lớn tại địa phương. Không những làm kinh tế giỏi, các hộ còn rất tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp nhiều tiền của, ngày công lao động cùng địa phương hoàn thành về đích nông thôn mới năm 2018…

Chia tay bà con thôn Chính Phú với những cái ôm, cái nắm tay thật chặt, kèm theo đó là những gói chè xanh mang thương hiệu Thái Nguyên để làm quà khiến chúng tôi không khỏi bịn rịn, xúc động. Một mùa Xuân nữa lại về, chúng tôi thấy luôn tự hào về các thế hệ người Chính Lý nơi đây, không chỉ góp phần gây dựng được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương thứ hai ngày càng giàu mạnh, những người con Chính Lý còn luôn hướng về quê hương nặng nghĩa, nặng tình.

Trần Ích

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy