Là người được đào tạo bài bản lại ham khảo cứu, Ngô Vi Liễn đã biên soạn 8 công trình, đồng tác giả 3 cuốn sách khác. Đặc biệt khi được bổ nhiệm làm tri huyện, ông rất có ý thức khảo cứu toàn diện địa hạt mình trị nhậm, để lại 3 cuốn sách địa chí huyện, rất có giá trị cho đời sau, mà Địa dư Bình Lục là một trong số đó.
Ngô Vi Liễn sinh ngày 5 tháng 11 năm 1894, xuất thân từ một gia đình Nho học, quê ở xã Tả Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay là xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tốt nghiệp trung học ở Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An) Hà Nội, rồi Trường thông ngôn, ông thi vào Trường Cao đẳng, ban Luật học. Ra trường ông làm tham tá ở Sở Thư viện và Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội từ năm 1923 đến năm 1928.
Từ năm 1928 đến năm 1939, ông chuyển đi làm Tri huyện các huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), Quỳnh Côi (Thái Bình), Bình Lục (Hà Nam), Võ Giàng (Bắc Ninh).
Ông được tiếng là vị quan thanh liêm, cương trực biết lo cho dân, quan tâm đến dân sinh, dân nguyện. Giữa năm 1939, trong một cuộc tranh luận với viên công sứ Bắc Ninh, ông xin từ chức tri huyện và chuyển về làm việc ở Cục lưu trữ phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Năm 1941, ông bị xuất huyết não, liệt nửa người, vẫn luyện tập và tiếp tục biên soạn sách, dù phải viết bằng tay trái. Ông mất ngày 14 tháng 5 năm 1945.
Là người được đào tạo bài bản lại ham khảo cứu, Ngô Vi Liễn đã biên soạn 8 công trình, đồng tác giả 3 cuốn sách khác. Đặc biệt khi được bổ nhiệm làm tri huyện, ông rất có ý thức khảo cứu toàn diện địa hạt mình trị nhậm, để lại 3 cuốn sách địa chí huyện, rất có giá trị cho đời sau, mà Địa dư Bình Lục là một trong số đó. Ngô Vi Liễn đã thể hiện một quan niệm biên soạn địa chí theo tinh thần khách quan, khoa học. Địa dư huyện Bình Lục được nhà in Lê Văn Tân in thành sách ở Hà Nội, năm 1935.
Nội dung cuốn sách rất phong phú mà phạm vi một bài viết khó bao quát được hết. Có thể nói đó là một bức tranh toàn cảnh huyện Bình Lục được cô đọng cho đến thời điểm ấy. Mở đầu cuốn địa dư, tác giả Ngô Vi Liễn đã giới thiệu khái quát và chọn lọc những nét tiêu biểu của huyện Bình Lục theo một trình tự nội dung được sắp xếp hợp lý, đó là: Danh hiệu, hình thể, chính trị, kinh tế, phong thổ và danh nhân, danh lam thắng cảnh. Mỗi mục lớn lại gồm các mục nhỏ. Đặc biệt, trong phần phong thổ tác giả giới thiệu Bài ca Bình Lục phong thổ do ông Vũ Đăng Tiên ở xã Đồn Xá sáng tác vào năm 1900 dưới hình thức thơ lục bát. Bài thơ là sự khái quát cao về đặc điểm phong tục của tất cả 67 xã, mỗi xã chỉ gồm 4 câu thơ, kể cả phần mở đầu và kết luận bài thơ dài tới 280 câu.
Một góc phố Ngô Vi Liễn, phường Lam Hạ (TP. Phủ Lý). Ảnh: Thế Tân
Sau phần giới thiệu chung về huyện Bình Lục, Ngô Vi Liễn lần lượt giới thiệu về địa dư của 67 xã thuộc 8 tổng An Đổ, Bồ Xá, Cổ Viễn, Mai Động, Ngọc Lũ, Ngô Xá, Văn Mỹ, Vụ Bản. Các nội dung về từng xã tùy thuộc xã to, xã nhỏ và tùy đặc điểm về kinh tế, địa lý… mà số mục có thể nhiều ít khác nhau (9 – 14 mục). Chẳng hạn xã được giới thiệu đầy đủ các mục như xã An Đổ, tổng An Đổ gồm 14 mục: Vị trí, diện tích, sông ngòi, dân số, thôn giáp, canh phòng, ngạch thuế, canh nông, thương mại, việc học, đê đường, cầu cống, danh nhân, đình chùa.
Đặc điểm nổi bật, đáng chú ý nhất của cuốn Địa dư huyện Bình Lục là tác giả đã dành nhiều tâm huyết cho phần khảo cứu giới thiệu về di tích, làng nghề và kho vốn văn hóa dân gian về dung lượng cũng chiếm số trang nhiều nhất. Vì vậy, có thể nói thực chất sách này là cuốn Địa chí văn hóa huyện Bình Lục.
Tác giả khảo sát kỹ di tích của từng thôn xã, nêu đầy đủ số lượng di tích ở từng thôn, xóm như đình, chùa, miếu, phủ, giáo đường... nêu rõ vị thần được thờ với duệ hiệu mĩ tự của thần, còn thần tích hay không. Những di tích còn lưu giữ được thần phả, Ngô Vi Liễn đã công bố nguyên văn văn bản này. Đồng thời ông cũng giới thiệu phần tư liệu Hán nôm khác (chủ yếu là câu đối) ở các di tích. Trải qua biến thiên của lịch sử, do nhiều nguyên nhân, nhiều địa phương ở huyện Bình Lục đã bị mất mát thần phả, không rõ gốc tích công trạng các vị thành hoàng làng mình. Nay với Địa dư huyện Bình Lục đã có tư liệu xác thực đáng tin cậy để tôn vinh người có công với dân với nước. Chưa kể những giá trị khác góp phần nghiên cứu địa danh học lịch sử, văn thơ dân gian, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, mở đất lập làng... qua sưu tập thần phả của Ngô Vi Liễn trong sách này.
Trong Địa dư huyện Bình Lục có những tư liệu quí như chuyện Trạng Lợn ở xã Mạnh Chư (tổng An Đổ), nghề ấp vịt ở xã Đồng Du (tổng Ngô Xá), tục hý cầu ở thôn Cương, xã Ngô Khê (tổng Văn Mỹ). Chuyện Trạng Lợn chúng tôi sẽ giới thiệu vào một dịp khác, trong bài viết này xin dẫn phần khảo tả của Ngô Vi Liễn về nghề ấp vịt và tục hý cầu:
Nghề ấp vịt ở xã Đồng Du
"Mỗi năm hai mùa từ tháng Giêng đến cuối tháng 3 là vịt ăn lúa chiêm, từ tháng 7 đến tháng 8 là vịt ăn lúa mùa. Trong khi ấp vịt, mỗi tháng 6 phiên là ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 làm riêng một cái nhà đan khuôn bằng nứa, đan vợt bằng gai, bắt đầu vào mồng 3, bỏ mỗi vợt độ 50 quả trứng đặt vào khuôn, rang thóc ấm tay rải lên trên một lượt trứng một lượt thóc, một ngày phải một lượt giở. Ba ngày đem ra chiếu lần thứ nhất: quả nào có tia máu, thì sau nở được thành con, không có tia máu thì phải bỏ ra, 7 ngày nữa đem chiếu lần thứ nhì: quả trứng nào có hình con nhện thì bỏ ra. Chiếu lần thứ nhì xong, đem ra xếp thành đống, lấy chăn bông và chiếu đắp lên trên, nhưng cũng mỗi ngày phải một lượt giở lò rộng ra nhà, lúc nào cũng phải giữ ấm cho đều tay, không được để lúc nào nhạt hơi cả. Đến ngày mồng 3 sau thì nở thành con vịt. Một nghìn trứng nở được độ tám trăm con, đem bán buôn, bán ở chợ cầu Không, phủ Lý Nhân và chợ Đồng Bằng ở tỉnh Hà Đông. Trứng ấp mua ở Kim Sơn, tùy thời giá hai ba mươi đồng một nghìn quả trứng, khi bán cũng tùy thời giá bốn năm mươi đồng một nghìn con vịt. Lò này mỗi năm ấp được độ 40.000 quả trứng".
Tục hý cầu ở thôn Cương
“Tục truyền xưa ở làng Cương có hai người đi lính, đóng ở một tỉnh miền thượng du. Được ngày nghỉ Tết, vào ngày mồng 4, mồng 5 tháng Giêng, 2 người lính đến xem hý cầu ở một làng thuộc tỉnh ấy. Hai người cùng vào chơi cầu. Sang ngày mồng 5, một người cậy có sức mạnh, vồ lấy quả cầu thẳng đường chạy về làng Cương đem để vào trong đình. Người lính đem chuyện kể cho huynh thứ trong làng nghe. Tự bấy đến giờ trong làng cứ lấy ngày 4 và ngày mồng 5 tháng Giêng, bày ra cuộc hý cầu.
Trước sân đình đào 2 cái lò ở 2 đầu sân (đặt là lò trên, lò dưới), rồi chia trai làng làm 2 toán đều nhau, mình trần đóng khố, 4 người lò trên, giữ cửa lò dưới, 4 người lò dưới, giữ cửa lò trên. Làng cử một kỳ lão cao tuổi, có phẩm hạnh, lắm con nhiều cháu, ra bê quả cầu tung cho trai làng vồ, nếu trai bên lò nào giằng cầu ném vào lò được thời được thưởng tiền và pháo. Cuộc hý cầu năm nào cũng chỉ lò dưới đa phần thắng, vì hai người lính xưa, lấy được quả cầu là người giáp dưới. Quả cầu to bằng quả bưởi lớn, hai đầu dẹp có lỗ bấm để cầm cho vững tâm, nhưng rất rắn, dù người có sức khỏe cầm quả cầu ném vào tảng đá cũng không sẩy lõm".
Địa dư huyện Bình Lục cho đến nay vẫn là cuốn sách địa chí huyện duy nhất ở Hà Nam được xuất bản thành sách riêng gợi mở cho việc biên soạn sách địa chí huyện, xã.
Ngoài cuốn này, Ngô Vi Liễn còn là đồng tác giả cuốn sách “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ”. Cùng với bản đồ tỉnh Hà Nam được giới thiệu những nét cơ bản, tiêu biểu về vị trí, diện tích, địa thế, sông ngòi, khí hậu, dân cư, tỉnh lỵ và các phủ huyện, canh nông, thương mại, đường giao thông, cổ tích và thắng cảnh. Đây là tư liệu quí cho những nhà nghiên cứu. Ông cũng soạn danh mục làng xã Bắc Kỳ, trong đó có tỉnh Hà Nam, thống kê cụ thể tên các xã trong từng tổng, từng huyện.
Ngô Vi Liễn - quan chức, học giả đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong thời gian ông làm Tri huyện Bình Lục. Vinh danh ông, tỉnh Hà Nam vào tháng 7/2016 đã đặt tên phố Ngô Vi Liễn tại Khu đô thị sinh thái Lam Hạ, thành phố Phủ Lý.
Ngọc Hoa
Ngọc Hoa, Thế Trang