Trong hàng trăm tấm bia đá từ thời Lý đến thời Nguyễn hiện còn trên vùng đất Hà Nam, có một tấm “bia chợ” duy nhất. Bia mang tên “Kim Lũ thị bi ký” nói về việc mở chợ, hai mặt đều được khắc chữ Hán, tạo tác vào niên hiệu Chính Hòa năm thứ 2 (1681) đời vua Lê Hy Tông.
Đây là một tấm bia quý, hiện đặt tại chợ Chủ, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục. Bia cung cấp nhiều tư liệu có giá trị. Văn bia tao nhã theo thể biền ngẫu. Mở đầu văn bia nói đến mục đích dựng bia: “Cho nên sự vui vẻ của mọi người chả lẽ chỉ viết vào giấy, ghi vào vải mà không dựng bia, khắc sâu vào đá để lại muôn đời sau”.
Cũng theo văn bia nơi đây từ lâu đã có chợ phiên kẻ bán người mua đông đúc. Với lối tán thán khoa trương văn bia cũng cho biết sự tu sửa quán chợ: “Vươn lên quán các vững vàng, hình rồng chạm khắc vào xà, hàng cột chống trời đồ sộ, gác phượng đắp nền xây móng phúc, tường hiên kè đá vững vàng, quy mô hơn hẳn ngày xưa”. Quán này hẳn là mang ý nghĩa tâm linh, chứ không phải để bán hàng.
Nội dung văn bia được kết lại trong bài minh bằng thể thơ bốn chữ gồm 45 câu, tạm dịch: “Vận mở triều Vua/ Trời sinh thánh Chúa/ Vua thời Đường Ngu/ Quân dấy thăng võ/ Khôi phục kinh đô/ Thu về đất cũ/ Mọi người về chầu/ Phương xa khoản phụ/ Trìu mến Việt Nam/ Có làng Kim Lũ/ Tả dòng Thanh Long/ Hữu gò Bạch Hổ/ Đất ứng mười toàn/ Thế gồm bốn thứ/ Đất ấy linh thiêng/ Sinh người tuấn tú/ Võ chức Tam Công/ Văn gồm sáu bộ/ Vui nghiệp tứ dân/ Tiếng thơm muôn thuở/ Tục tốt nết hay/ Lắm người nhiều của/ Chợ họp thêm đông/ Chọc trời quán mở/ Ổn định chế độ/ Buôn bán vui mừng/ Của cải tích tụ/ Hội mở rộng ra/ Công to rộng mở/ Phật tổ chứng minh/ Trời xanh bảo hộ/ Người thỏa đền xuân/ Nền xây cõi thọ/ Nền được yên vui/ Nước dài phúc lộc/ Đạo vua rộng xa/ Cơ đồ củng cố/ Tuổi vua không cùng/ Hiền tài giúp đỡ/ Xã được lâu dài/ Làng vui giàu có/ Công sáng đất trời/ Tên nêu vũ trụ/ Bia đá khắc vào/ Đời sau ghi nhớ!”.
Tấm bia Kim Lũ thị bi ký được khắc bằng chữ Hán được đặt trang trọng giữa chợ Chủ. Ảnh: Thế Trang
Từ việc nghiên cứu văn bia, bước đầu có thể nhận định: Đây là một tấm bia rất có giá trị ở nhiều mặt về văn hóa, lịch sử, về tính chất hiếm quý.
Trong văn bia danh xưng “Việt Nam” xuất hiện. Như chúng ta biết, quốc hiệu “Việt Nam” chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh (Trung Quốc) công nhận quốc hiệu Nam Việt. Tuy nhiên, tên Nam Việt trùng với quốc hiệu của quốc gia cổ Nam Việt thời nhà Triệu, gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc. Nhà Thanh yêu cầu nhà Nguyễn đổi ngược lại thành Việt Nam để tránh nhầm lẫn. Quốc hiệu này được tuyên phong vào năm 1804. Như vậy, từ 123 năm trước tên gọi Việt Nam đã được khắc vào bia chợ Chủ cho thấy ý thức về cội nguồn “Bách Việt” của người Việt rất mạnh mẽ (Việt Nam có nghĩa là người/ tộc Việt ở phương Nam) không đợi đến khi ra đời quốc hiệu chính thức.
Chợ Chủ, xã Ngọc Lũ (Bình Lục) - nơi đặt tấm bia “Kim Lũ thị bi ký”. Ảnh: Thế Trang
Bia cũng cho biết sự thay đổi tên gọi của làng/ xã địa phương. Từ tên bia, kết hợp với các tư liệu khác cho thấy sự biến đổi ấy diễn ra theo một quá trình lâu dài: Kẻ Lủ - Chủ - Kim Lũ – Ngọc Lũ. Xã Ngọc Lũ hiện nay được hình thành trên cơ sở một làng cổ gồm 12 thôn, xóm: Đông Khu, Tân Trung 1, Tân Trung 2, Xóm Bến, Cầu Giang, Xóm Chợ, Giang Đông, Sốc Đông, Thái Bình, Thượng, Trung Lang, Thượng Châu. Riêng tên chợ vẫn bảo lưu tên làng Chủ cổ xưa đến tận ngày nay.
Văn bia cho biết thời Lê Trung Hưng và trước đó, chợ Chủ (Kim Lũ) đã là một chợ lớn buôn bán sầm uất, có quán chợ hoành tráng mang tính chất tâm linh, hàng hóa trong vùng đổ về chợ tạo nên cảnh mua bán đông vui, tấp nập.
Văn bia nhắc đến mảnh đất Địa linh/ Nhân kiệt Chủ/ Kim Lũ xưa: “Đất ấy linh thiêng/ Sinh người tuấn tú”, “Các họ nối nhiều quan quý”. Quả vậy, nơi đây đã sinh ra nhiều vị quan to tài cao, đức trọng dưới thời phong kiến, tiêu biểu là họ Trần Như: Lương Quận Công Trần Như Lân, Uy Lỗ Hầu Trần Như Huy, Nhuệ Trung Hầu Trần Như Hiến, Thuận Nghĩa Hầu Trần Như Vinh…
Bia chợ Kim Lũ (Chủ) xứng đáng là cổ vật quý hiếm/ tiêu biểu của tỉnh Hà Nam.
Mai Khánh
Mai Khánh, Thế Trang