Khánh đá chùa Điều - Cổ vật quý hiếm

Khánh - biểu tượng cát tường, hiện diện trong nhiều ngôi chùa Phật giáo Đại thừa, chất liệu tạo tác có thể bằng đá, hay đồng. Ở chùa Điều, thôn Đông Tự, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục hiện có một chiếc khánh đá mà xét về giá trị thì khó có chiếc khánh nào còn lại ở Hà Nam có thể so được.

Theo dòng lạc khoản được khắc trên khánh cho biết: Khánh được tạo tác vào ngày tốt (cốc nhật) tháng 8, năm Nhâm Thân, niên hiệu Chính Hòa thứ 13 (1692) đời vua Lê Hy Tông. Khánh có hình cánh dơi, viền nổi xung quanh đuôi nheo, chiều cao nhất 95 cm, chiều rộng nhất 145 cm, dày 7 cm; cấu hình chia thành: Đỉnh khánh, cổ khánh, tay khánh, lòng khánh.

Ông Đặng Mạnh Dự - thủ từ chùa Điều đang chỉ về những chữ khắc trên chiếc khánh đá tại chùa. Ảnh: Thế Tân

Mặt trước của khánh có đỉnh cao 23 cm, dài 59 cm. Giữa đỉnh khánh khắc hình lá đề; bên trong lá đề là vòng tròn đường kính 9 cm, có một chấm to ở giữa và các đường cong cách quãng bao quanh. Diềm lá đề tạo các đao to, nhỏ, cao, thấp không đều nhau hướng lên trên. Hai bên lá đề là hai con rồng chầu vào, đầu có mào, mắt to và lồi, miệng rộng ngậm ngọc, thân uốn ba khúc, đùi mập, chân dài có 3 ngón. Đặc biệt, đuôi rồng uốn cong vút ngược tạo thế rồng giáng, hai bên đuôi các đao ngược như phát lửa xung quanh lá đề.

Cổ khánh được chia làm hai phần không đều nhau, ranh giới đóng khung bằng các đường chỉ chìm nhỏ. Phần một giữa hai đường chỉ khung cao 6 cm, dài 54 cm, chia đều 6 ô. Hai ô bên phải khắc chìm hai chữ "cửu thiên". Hai ô giữa để trống. Hai ô bên trái khắc chìm hai chữ "ứng nguyên" (cửu thiên ứng nguyên ứng vào bậc nhất thấu chín tầng trời). Bên phải chữ "cửu" tạo một núm khánh. Bên trái chữ "nguyên" tạo một núm khánh. Hai núm hình tròn lồi như hình mặt trời, đường kính 11 cm. Phía trên núm khánh, bên trái khắc hình một con bướm xòe rộng hai cánh. Giữa hai phần cổ khánh có một khoảng nhỏ để trống. Phần hai rộng hơn, tạo khung bằng các đường chỉ nhỏ, khắc chìm cao 10 cm, dài 79 cm. Phần này khắc 4 chữ Hán nổi: "Bảo khánh Điều tự" (Khánh quý chùa Điều). Mỗi chữ đều được khắc nổi trong lòng một hình lá đề biến thể trên nền của nửa tám bông hoa cúc mãn khai, trên dưới, trái phải đối xứng. Giữa phần cổ là lỗ tròn tra cán treo khánh có đường kính 7 cm.

Hai bên tay khánh tạo khắc mỗi bên một con phượng múa, cùng chầu hướng lên trên hướng vào lá đề ở đỉnh khánh. Đôi phượng có hai cánh sải rộng, cổ đầu và thân như ngỗng trời, chân dài bốn ngón, đuôi phượng xòe rộng ba dải thướt tha mềm mại. Dưới chân phượng, bên phải khắc chữ "xuân" (mùa xuân).

Bên trái khắc chìm chữ "thu" (mùa thu). Hai chữ "xuân", "thu" đều được khắc trong lòng một lá đề biến thể. Đuôi phượng phía trên trùm hai bên chữ. Dưới hai chữ "xuân", "thu" đều có họa tiết trang trí. Dưới chữ "hạ" bên trái tạo hình con rái cá trong nước có đầu, tai, đuôi đều to, bốn chân choãi ra, thân uốn cong vờn một con cá chép thân cuộn khúc đang bơi bên cạnh.

Phần giữa lòng khánh được đóng khung hình lục giác bằng đường chỉ chìm. Đường chỉ ngoài rộng 1,5cm, đường chỉ trong rộng 1cm. Hình lục giác: cạnh trên dài 86cm, cạnh dưới dài 106 cm, hai cạnh bên bằng nhau dài 31 cm, hai cạnh góc bằng nhau dài 8 cm. Lòng khung khắc chìm 46 chữ Hán, nội dung ghi lại chủ hưng công tạo khánh là Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Phù Nam vệ kiêm thầy thuốc Tri tế, sinh đường, cẩm đường bá Trần Viết Nho, thụy là Phúc Điền, hiệu đạo là Huyền uy Đại Pháp, vợ là Trần Thị Nhấn hiệu Từ Thông cùng con cháu nội ngoại và các chức sắc quan viên ở xã Quắc Thị, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường tiến cúng công đức tiền cổ, tính theo đơn vị trăm và văn, gạo (tính theo đấu) để tạo lập khánh, trong đó có 4 con trai con dâu, 3 con gái con rể và 37 gia đình (ghi họ tên vợ chồng và con). 

Đặc biệt dành riêng một phần ghi họ tên, đạo hiệu, học vị, chức sắc những người thân thích đã mất của chủ hưng công, trong đó có cha mẹ đẻ, ông bà nội, cụ ông cụ bà, bố mẹ vợ và hai anh trai vợ, ở gần phần cuối khắc ngày tháng năm, niên hiệu tạo khánh.

Chùa Điều, thôn Đông Tự, xã Vũ Bản (Bình Lục). Ảnh: Lương Trang

Mặt sau của khánh có sự khác biệt: đỉnh khánh để trơn không có trang trí. Giữa cổ khánh là lỗ tra cán treo, có hai hàng chữ Hán. Hàng trên chữ nhỏ hơn khắc chìm 6 chữ: "Lôi thanh phổ hóa thiên tôn" (như tiếng sấm trong trẻo báo hiệu, cảm hóa tới tận các bậc tôn kính ở trời). Hàng dưới khắc 10 chữ nổi mỗi chữ nằm trong một hình bát giác biến thể. Bên phải 5 chữ: "Niên niên tăng phú quý" (năm lại năm tăng thêm phú quý). Bên trái 5 chữ: "Nhật nhật thọ vinh hoa" (ngày nối ngày sống vinh hoa).

Tay khánh bên phải khắc chữ "thu" (mùa thu), bên trái khắc chữ "Đông" (mùa đông). Chữ mảnh khắc nổi và mỗi chữ đều nằm trong lòng chiếc lá đề cách điệu. Hai bên lòng khánh, bên phải dưới chữ "thu", bên trái dưới chữ "đông" đều được tạo khắc đôi rồng quấn quýt, hai mắt to lồi, miệng mở rộng, chân con nọ như quắp vào miệng con kia. Thân rồng được tạo bằng một đường cốt giữa, xung quanh là hai hàng chấm nhỏ. Đuôi rồng uốn cong vút ngược tạo thế rồng giáng. Chân rồng có bốn móng nhọn, bờm râu dữ tợn, hai bên đuôi tạo đao lớn nhỏ, cao thấp như phát lửa bốc cao nghi ngút. Lòng khánh cũng tạo khung chữ hình lục giác kích thước, như ở mặt trước. Mặt này khắc 36 dòng chữ Hán. Nội dung là một bài minh nêu rõ lý do, mục đích, ý nghĩa của việc tạo khánh, ca ngợi Phật pháp, cảnh chùa, ghi nhớ tấm lòng công đức, nhắn nhủ gửi gắm niềm tin hướng về đức Phật từ bi quảng đại, nỗi khát khao cho quê hương đất nước cùng với Phật pháp mãi mãi trường tồn. Phần dưới ghi thêm một số tín chủ tiến cúng và người soạn văn chữ khắc trên khánh là Nho sinh văn trường Nguyễn Trường Sinh, người trong xã.

Khánh, vốn là một trong "Bát bảo" của Nho giáo và Đạo giáo đã được dân gian đưa vào các ngôi chùa Phật giáo Đại thừa. Như ở trên đã miêu tả, có thể đánh giá: Khánh đá chùa Điều là một cổ vật quý nổi trội, độc nhất vô nhị so với các khánh hiện còn ở Hà Nam (và nhiều tỉnh): kích thước lớn nhất, niên đại cổ nhất, nghệ thuật, chạm khắc đặc sắc nhất, văn tự phong phú nhất và bao trùm là một minh triết sâu sắc quán thông giữa đạo và đời. Hy vọng thời gian không xa "Bảo khánh Điều tự" như danh xưng trên cổ khánh đã xác quyết sẽ được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia.

Tam Mai

Mai Khánh, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy