Đón hội làng năm 2019, trong những ngày thu Tháng Tám, người dân thôn Thọ Cầu Ấp lại náo nức treo cờ, chuẩn bị luyện tập tham gia phần hội. Năm nay, hội làng chắc sẽ vui hơn, đông hơn khi hai thôn đã sáp nhập thành một.
Chúng tôi về thôn Thọ Cầu Ấp, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng đúng dịp cả nước hướng tới kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2019) và Quốc khánh 2/9. Trò chuyện với chúng tôi trong nhà văn hóa thôn, ông Phan Ngọc Lưỡng, 81 tuổi, con trai lão thành cách mạng Phan Văn Hạnh, gia đình ngày trước từng nuôi giấu cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ, bồi hồi nhớ lại: Như bao làng quê khác ở Việt Nam, ngày trước làng Ấp nghèo lắm. Dân làng Ấp đều là dân tứ xứ tới làm thuê, cấy rẽ, nộp tô cho bọn địa chủ; trong tay không một tấc đất cắm dùi. Đường làng nhỏ, lầy lội, nhà nhà đều mái gianh, tường trát bùn trộn rơm, mưa dột, nắng dọi, mùa mưa bão đến là nỗi lo thắt ruột nhà đổ, mái tốc... Quanh năm, nông dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lam lũ mò cua, bắt ốc, ăn củ chuối, rau tầu bay… qua ngày.
Người dân thôn Thọ Cầu Ấp treo cờ đón ngày hội làng.
Giờ thì khác lắm rồi – ánh mắt cụ Lưỡng sáng niềm vui: Cả thôn Thọ Cầu Ấp hiện chỉ còn 12 hộ nghèo; đường làng được bê tông rộng rãi, phẳng nhẵn; hộ khá giàu tới 25%. Nông dân giờ không còn đun bếp rác như trước mà nấu bếp ga; phần lớn các hộ trong thôn đều mua sắm được tivi, tủ lạnh, xe máy… Đời sống kinh tế được nâng lên, nông dân không còn lo chuyện “đủ ăn” mà đã tính đến chuyện ăn gì cho ngon miệng.
Giải đáp băn khoăn của chúng tôi “Vì sao thôn Thọ Cầu Ấp lại lấy ngày 19/8 là ngày hội làng, trong khi hội làng ở các thôn khác thường tổ chức vào dịp ngày sinh, hoặc ngày mất của vị thành hoàng làng được thờ trong đình?”.
Ông Lưỡng vui vẻ giải thích: Chịu ách đô hộ thống khổ của bọn thực dân, phong kiến nên người dân thôn Ấp một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng. Chính vì vậy, sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 thành công, từ năm 1946, nhân dân thôn Ấp quyết định lấy ngày 19/8 là ngày hội làng, ngày hội của quê hương hòa chung với ngày hội của đất nước.
Nói về việc tổ chức hội làng, đồng chí Phan Văn Quốc, Phó Bí thư Chi bộ thôn Thọ Cầu Ấp cho biết: Tháng 10/2018, thôn Ấp và thôn Thọ Cầu sáp nhập thành thôn Thọ Cầu Ấp. Trước kia, hội làng ngày 19/8 do người dân thôn Ấp tổ chức. Năm nay, hai thôn đã sáp nhập thành một, hội làng Thọ Cầu Ấp chắc sẽ đông vui hơn.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm trước, đón ngày hội làng, từ ngày 15 tháng Tám, nhà nào ở thôn Ấp cũng treo cờ đỏ sao vàng. Trên các trục đường chính của thôn cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay phấp phới. Trong ngày 18, thôn tổ chức phần hội sôi động với các trò chơi: leo cầu khỉ, bịt mắt đánh trống, kéo co; mời các thôn trong xã tới giao lưu bóng chuyền hơi, bóng chuyền da; các cụ cao tuổi biểu diễn thể dục dưỡng sinh...
Tối ngày 18, sau lễ dâng hương tại đình làng Ấp, tại sân nhà văn hóa, người dân trong thôn cùng nhau ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương; tổng kết hoạt động trong một năm (đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được), đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong năm tới. Tiếp đến là phần trao quà cho các cháu học sinh đạt thành tích cao trong học tập, các cháu học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập; động viên các cháu tiếp nối truyền thống cha anh, thi đua học tốt, rèn luyện tốt, sau này góp sức, góp công xây dựng và đổi mới quê hương. Cuối cùng là phần giao lưu văn hóa văn nghệ. Với chủ đề ca ngợi Đảng, quê hương, đất nước, các tiết mục “cây nhà lá vườn” - phần lớn do đội văn nghệ của thôn biểu diễn nhận được sự ủng hộ, cổ vũ rất nhiệt tình của đông đảo nhân dân tới dự.
Hội làng Ấp, 5 năm (vào các năm chẵn) mới tổ chức lễ rước. Khác với hội làng các thôn xóm khác, người dân thôn Ấp không rước kiệu thần, kiệu thánh mà rước ảnh Bác Hồ, sau ảnh Bác là “Bằng có công với nước”, tiếp đến là Bằng công nhận “Làng văn hóa”. Sáng ngày 19, đoàn rước đi một vòng quanh làng rồi trở lại treo ảnh Bác, “Bằng có công với nước”, Bằng công nhận “Làng văn hóa” tại nhà văn hóa.
Đón hội làng năm 2019, trong những ngày thu Tháng Tám, người dân thôn Thọ Cầu Ấp lại náo nức treo cờ, chuẩn bị luyện tập tham gia phần hội. Năm nay, hội làng chắc sẽ vui hơn, đông hơn khi hai thôn đã sáp nhập thành một. Nói như ông Lưỡng: Hội làng đặc biệt ở Thọ Cầu Ấp không chỉ thể hiện được nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn thể hiện sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, thể hiện được đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Hội làng hòa cùng ngày hội non sông khơi dậy niềm tự hào của mỗi người dân đối với truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, đất nước, từ đó, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp mà cha ông phải đổ biết bao xương máu giành lại cho muôn đời sau.
Phạm Hiền
Phạm Hiền