kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Di tích lịch sử - văn hóa đền Lăng

Di tích lịch sử - văn hóa đền Lăng

Chúng tôi về thăm di tích lịch sử văn hóa đền Lăng, xã Liêm Cần (Thanh Liêm) đúng dịp ngôi đền đang được trùng tu, tôn tạo. Ông Nguyễn Mạnh Dư, Phó Chủ tịch HĐND xã cho biết: Di tích đền Lăng xưa kia thuộc xã Bảo Thái, tổng Hòa Ngãi, phủ Lý Nhân, nay thuộc thôn Cõi, xã Liêm Cần.

Khu mộ cụ Lê Lộc.

Theo những tư liệu được sưu tầm, lưu giữ: Thời cổ xưa, trên đỉnh núi Lăng có đền Thượng là sinh từ của vua Đinh thiết lập năm 972, là nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Giữa thân núi là sinh từ, thời Lê Hoàn làm Thập đạo Tướng quân, vinh quy bái tổ về đây xây dựng năm 971, sau trở thành từ đường nhà Tiền Lê, nhân dân địa phương gọi là đền Trung.

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đền Thượng, đền Trung  nay chỉ còn dấu tích. Hiện chỉ còn đền Hạ, dưới chân núi Lăng, còn gọi là đền Lăng được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1999. Đền Lăng, cung trong thờ tứ vị Hoàng đế (đó là: Vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, vua Lê Trung Tôn và vua Lê Ngọa Triều), cung ngoài thờ tam vị Đại vương (đó là: Tướng Nguyễn Minh, Phó thập đạo Tướng quân cùng với Lê Hoàn phò nhà Đinh dẹp loạn 12 sứ quân; bà Nhữ Hoàng đế với sắc phong “Gia tặng quốc sắc thiên tài chung đẳng thần”; thần Thiên Cương đã báo mộng cho ông Nguyễn Minh, ở thôn Vực đi phù nhà Đinh trừ loạn nước cùng Lê Hoàn).

Đền Lăng được nhân dân tôn lập thời hậu Lê, đầu Nguyễn theo truyền chỉ trước đây của vua Lý Thái Tổ (nhà Lý lên ngôi, khi dời đô ra Thăng Long đã ban chiếu cho Bảo Thái phụng sự lập đền để thờ tứ vị Hoàng đế. Các triều đại kế tiếp đều y lệ cũ ban sắc và xuân thu nhị kỳ tổ chức quốc tế). Dưới thời Pháp thuộc, đền Lăng là di tích sớm được nhà nước chú ý. Ngày 16/5/1925, toàn quyền Đông Dương ra thông báo liệt hạng là di tích được bảo vệ.

Ông Nguyễn Văn Họp, Thủ từ đền Lăng, thành viên Ban quản lý di tích chia sẻ: Một năm đền Lăng có 4 kỳ lễ chính (người dân còn gọi là ngày Đại Kỳ phúc), gồm mùng 10 tháng Giêng, 8/3, 15/8 và 21/11 tính theo lịch âm (đây là những ngày liên quan đến ngày sinh, ngày mất của các vị được tôn thờ trong đền). Theo các cụ kể lại, trước kia, vào những ngày Đại Kỳ phúc, dân làng mổ trâu, mổ lợn, làm lễ to lắm. Ngoài phần lễ trọng, làng còn mời các gánh hát chèo, tổ chức các trò chơi dân gian... hết sức vui tươi, phấn khởi.

Ngày nay, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, vào những ngày Đại Kỳ phúc, Ban quản lý di tích tổ chức dâng hương, tế lễ. Văn tế ca ngợi công ơn to lớn của các vị vua, vị tướng với dân, với nước; đồng thời cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, làng xóm bình yên.

Nói về sự linh thiêng và uy nghiêm của đền Lăng, Phó Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Mạnh Dư chia sẻ thêm: Theo lời các cụ kể lại, trước kia, khi đi qua con đường trước cửa đền Lăng, người làm quan thì phải xuống ngựa dắt qua, người dân thì ngả mũ nón ... để tỏ lòng thành kính với tứ vị Hoàng đế, tam vị Đại vương. Phát huy truyền thống của cha ông, người dân Liêm Cần hôm nay luôn giáo dục các thế hệ con cháu ghi nhớ công lao to lớn của các vị tiền nhân trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; từ đó vận động mọi người chung tay, chung sức bảo vệ, gìn giữ di tích quý trên mảnh đất quê hương. Được biết, vào dịp lễ, Tết, người dân tới đền Lăng lễ rất đông. Đặc biệt, vào đêm 30 Tết hằng năm, nhiều người ở lại đón giao thừa tại đền sau đó mới về nhà xông đất để lấy lộc Vua.

Ngoài đền Lăng, trên đất Bảo Thái xưa, Liêm Cần nay hiện còn khu mộ cụ Lê Lộc, ông nội vua Lê Hoàn được xây dựng bề thế, uy nghiêm. Theo tương truyền, vào cuối thế kỷ thứ X, ở quê hương Trường An Thượng có ông bà Lê Lộc đến xã Bảo Thái làm nghề kéo lưới, đơm lờ, đó bắt cá sinh sống. Cụ lập ngôi nhà tranh ở đầu núi Bảo Cái sinh cơ lập nghiệp lâu dài... Thường ngày có một con hổ hay qua lại, cụ nuôi hổ, cho làm “con nuôi”, đặt tên là Sơn Trưởng, giao nhiệm vụ trông coi lờ đó ... Một hôm vào giờ tý canh ba cụ Lê Lộc đi thăm lờ đó thấy bờ vỡ, cụ xuống be lại. Sơn Trưởng nhầm tưởng là người đổ trộm đó bất ngờ tát cụ Lê Lộc chết. Sau biết là bố nuôi, hổ cõng cụ vào núi an táng. Sau này nhân dân thường gọi mộ cụ Lê Lộc là mả giấu, hay mộ hổ táng. Con trai cụ Lê Lộc trông nom phần mộ 3 năm rồi lấy bà Đặng Thị, sinh ra Lê Hoàn, sau này làm tướng, rồi lên ngôi vua.

Hiện khu mả giấu nơi hổ táng cụ Lê Lộc, ông nội vua Lê Đại Hành nằm ở vị trí hàm rồng, hai bên là núi Lăng và núi Bông. Sau mộ là núi Bảo Cái (thân con rồng). Theo lưu truyền, mộ cụ Lê Lộc đặt vào vị trí đất phát đế vương, vì vậy đất Bảo Thái được xem là quê hương "Tiền Lê phát tích". Hiện nay trong đền Lăng vẫn còn vì kèo chạm khắc ông hổ để đó nhắc mọi người khi tới lễ, tới tham quan nhớ về tích xưa …

Di tích lịch sử đền Lăng liên quan tới nhiều nhân vật lịch sử có đóng góp to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Di tích được trùng tu, tôn tạo góp phần bảo tồn, tạo nền tảng phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. 

Phạm Hiền

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy