Bánh chưng làng Đầm

Nếu Thái Nguyên có bánh chưng Bờ Đậu, Hà Nội có bánh chưng Tranh Khúc mang đậm dấu ấn tự hào thì vùng quê Hà Nam cũng có một “thương hiệu” bánh chưng nổi tiếng, đó là bánh chưng làng Đầm (Bích Trì, xã Liêm Tuyền, TP. Phủ Lý).

Giữ lửa nghề

Bích Trì với tên gọi dân dã: làng Đầm từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều người trong và ngoài tỉnh. Nếu về làng Đầm những ngày cuối năm, ngay từ đầu ngõ mỗi nhà, du khách đã có thể cảm nhận rất rõ hương vị đặc trưng từ những nồi bánh đang đỏ lửa, từ khói bếp nghi ngút trong ráng chiều muộn, từ khung cảnh làng quê thân thuộc nhưng đã rõ hơn những dịch vụ của cuộc sống hiện đại.

Không chỉ bánh chưng, với bàn tay khéo léo của người dân đất đa nghề, làng Đầm còn được biết đến bởi vô số những sản phẩm truyền thống: miến, bánh đa, bánh giầy, đậu phụ… đã nhiều năm nổi tiếng trên thị trường, có mức tiêu thụ khá trong tỉnh và một số vùng lân cận.

Theo các bậc cao niên trong làng, nghề làm bánh chưng ở đây đã tồn tại từ lâu đời, chẳng ai biết có từ khi nào vì ngay cả đến các cụ đã được dạy làm bánh chưng, mang bánh ra chợ bán từ khi mới lên năm, lên bảy. Thuở ban đầu, người dân làm bánh chưng chủ yếu dành để biếu người thân, hay phục vụ công việc các gia đình trong làng. Sau đó, buôn bán phát triển, bà con gồng gánh mang bánh đi khắp các chợ vùng lân cận để bán, được ưa chuộng nên mới dần phát triển thành nghề, trở thành nguồn thu nhập chính của một số gia đình hiện nay.

Gia đình chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Bích Trì, xã Liêm Tuyền, TP. Phủ Lý) gói bánh chưng theo đơn đặt hàng của khách dịp Tết.

Gia đình bác Phạm Văn Luân gói bánh chưng có tiếng ở làng Đầm. Vào dịp cuối năm cả nhà bác 5-6 người làm không hết việc, liên tục từ tinh mơ đến tối mịt, phải nhờ thêm anh em họ hàng đến làm giúp mới kịp giao bánh cho khách. Bác Luân chia sẻ: Làm bánh chưng quan trọng là khâu lựa chọn và chế biến nguyên liệu. Thổi đỗ như thổi cơm, khi nặn đỗ phải nặn lúc nóng và chắc tay. Gạo nếp phải lựa loại ngon, có khi phải đặt mua tận Hải Hậu (Nam Định), lá dong thì phải chọn loại bánh tẻ, vừa lứa (chủ yếu mua từ Duy Tiên), như vậy mới tạo được màu xanh non đẹp mắt cho chiếc bánh. Cũng theo bác Luân và nhiều bậc cao niên trong làng thì bánh chưng làng Đầm có được hương vị riêng có lẽ do bánh luộc bằng nước mưa.

Ở làng Đầm, nhà nào làm bánh chưng cũng đều có bể lớn chứa nước mưa, đủ cung cấp cho việc luộc bánh quanh năm. Bánh chưng luộc bằng nước mưa khi chín có màu xanh của lá dong, giữ được mùi thơm của gạo nếp, nhân đỗ, có thể để được cả chục ngày mà không hỏng. Một điều thú vị nữa là từ người già đến người trẻ trong làng đều không dùng khuôn mà “gói vo” bằng tay, ai cũng có kỹ thuật điêu luyện, chỉ 2-3 phút đã tạo hình được chiếc bánh vuông vức, đều chằn chặn.

Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ một “lò bánh” trong làng tâm sự: Để gói bánh vừa nhanh, vừa đẹp cần sự tỉ mỉ và luyện tập thường xuyên. Như gia đình chị, bốn đời gắn bó với nghề này, con cháu trong nhà lên năm, lên bảy đã bắt đầu tập tành rửa lá dong, thổi đỗ, luộc thịt, tiếp cận với nghề của cha ông. Cứ thế, nghề bánh chưng trong làng được giữ vững, tiếp lửa từ đời này sang đời khác.

Đắt hàng dịp Tết

Không chỉ dịp Tết mới “đỏ lửa”, người dân làng Đầm làm bánh chưng quanh năm theo đơn đặt hàng từ vô vàn những “mối” quen nhưng tấp nập nhất vẫn là thời điểm từ tháng 12 dương lịch. Bí thư Chi bộ Bích Trì Nguyễn Thị Lan cho biết: Từ tháng 11 âm lịch bắt đầu “mùa cưới”, các gia đình đã hối hả suốt ngày đêm với hàng trăm đơn đặt hàng, cao điểm có những hộ làm hơn 1.000 chiếc bánh/ngày, vừa thuê thêm người, vừa huy động cả anh em họ hàng cũng làm không xuể. Không khí trong làng tất bật, sôi động, vui mừng vì đắt khách.

Trở lại câu chuyện của chị Nguyễn Thị Phượng, một trong những gia đình làm bánh chưng quy mô nhất làng: làm bánh quanh năm nhưng thời gian cao điểm là từ rằm tháng chạp đến tận 30 Tết. Bếp “đỏ lửa” cả ngày, các hộ huy động cả nhà làm không ngơi tay mà cũng không xuể. Con trai và con dâu chị Phượng cũng phải luôn túc trực bên lò để bảo đảm lửa đều, nồi bánh chín đúng độ. Thức trắng vài ba đêm làm bánh chưng Tết, bảo đảm cung ứng đủ đơn đặt hàng đã trở thành chuyện quen thuộc với gia đình chị Phượng cũng như các hộ làm nghề trong làng nhiều năm nay.

Bánh chưng làng Đầm được chuyển đi khắp tỉnh và một số tỉnh lân cận. Một số khách quen còn đến tận nơi đặt hàng theo yêu cầu. Ngày thường, bánh chưng ở đây có giá 20 - 25 nghìn đồng/chiếc. Ngày Tết giá nhỉnh hơn, 30 - 35 nghìn đồng/chiếc; tùy theo yêu cầu của khách thêm nguyên liệu, tăng kích cỡ nên đôi khi cũng có loại 50 - 60 nghìn đồng/chiếc. Tính ra thu nhập mỗi gia đình mùa Tết cũng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Phạm Văn Chi, một hộ làm bánh trong làng vui vẻ kể: Mới rồi gia đình tôi nhận đơn hàng đặt hơn trăm chiếc để chuyển đi Đài Loan (Trung Quốc), gửi tới bà con làm ăn xa xứ không thể về hưởng không khí Tết tại quê nhà. Tôi thấy rất vui mừng, không chỉ vì đây là đơn hàng lớn, mà còn mừng vì thương hiệu bánh chưng làng Đầm đang dần được nhiều người đón nhận, bên cạnh sản phẩm miến, bánh đa nem đã có tiếng trên thị trường từ trước.

Với sự khéo léo, chăm chỉ, năng động thích ứng với thị trường của người dân nơi đây, nghiệp xưa của làng đang ngày một phát triển, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, hứa hẹn tương lai tươi sáng của một làng nghề truyền thống.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.