Sáng 25/5, UBND thành phố Phủ Lý tổ chức hội nghị triển khai quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) và tập huấn ứng dụng phần mềm xử lý vi phạm hành chính cho gần 100 cán bộ là đại diện lãnh đạo UBND và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; chuyên viên các cơ quan (phòng quản lý đô thị, tư pháp, kinh tế, y tế, tài nguyên – môi trường...); lãnh đạo các đội nghiệp vụ công an thành phố liên quan đến lĩnh vực xủ lý vi phạm hành chính...
Thông qua hội nghị, giúp các đại biểu, nhất là đội ngũ công chức, người được phân công thực hiện nhiệm vụ theo dõi, triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL nắm bắt đầy đủ, kịp thời các nội dung của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL; các quy định của Thủ tướng Chính phủ về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai các hoạt động xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL trên địa bàn.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH phát triển và chuyển giao phần mềm (đơn vị được lựa chọn để thực hiện phần mềm) giới thiệu và hướng dẫn việc cập nhật, khai thác, sử dụng phần mềm xử lý vi phạm hành chính. Đây là phần mềm giúp xây dựng, cập nhật dữ liệu kịp thời, chính xác, dễ quản lý và trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị.
Được biết, trong năm 2020, Phòng Tư pháp thành phố đã tham mưu UBND thành phố Phủ Lý triển khai ứng dụng phần mềm xử lý vi phạm hành chính và cấp 26 tài khoản cho 26 phòng, ban, đơn vị. Tuy nhiên, do công tác cán bộ, nhiều đồng chí được tiếp cận phần mềm đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác, nên việc ứng dụng phần mềm bị gián đoạn.
Đến thời điểm hiện tại, Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND thành phố tiếp tục nâng cấp các tài khoản cũ và chuyển giao 2 tài khoản mới cho 2 đơn vị là Công an thành phố và Phòng Y tế. Thông qua tập huấn, không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực thi pháp luật trên địa bàn, trọng tâm là chuyển đổi số trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, mà còn giúp đội ngũ cán bộ công chức nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để tham mưu tốt công tác xử lý vi phạm hành chính ở địa phương, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính trong thời gian tới.
Thanh Vân