Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, các cấp, ngành và hộ sản xuất ở thị xã Duy Tiên đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ ở từng khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Ngày 24/02/2023, UBND thị xã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND thị xã triển khai các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Năm 2023, các mô hình phát triển sản xuất trên địa bàn thị xã đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và hiện nay đang tiếp tục được duy trì, phát triển. Điển hình như mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay tại các xã, phường: Tiên Sơn, Mộc Bắc, Châu Giang, Tiên Nội với diện tích 385 ha; mô hình cấy lúa bằng máy với tổng diện tích 560 ha tại phường Châu Giang, Tiên Nội và ở xã: Tiên Sơn, Trác Văn, Mộc Bắc, Chuyên Ngoại… Vụ xuân 2023, thị xã thực hiện Đề án mạ khay cấy máy ở xã Tiên Sơn với diện tích 25 ha và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án phát triển cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tại phường Châu Giang quy mô 13,01 ha; mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 20 ha (Yên Nam 10 ha, Tiên Ngoại 10 ha). Triển khai 5 mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” (Châu Giang 1, Chuyên Ngoại 2, Mộc Bắc 2) diện tích 12,84ha. Cùng với đó, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng chất cấm, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, không xả thải chất thải, nước thải trực tiếp ra môi trường.
Cũng trong năm 2023, thị xã phối hợp với Viện Chăn nuôi triển khai Dự án “Lợi ích nguồn gen Gà Châu Á (AsCGG) cho 20 hộ với số lượng 1.800 con gà (mỗi hộ 90 con), trong đó, xã Chuyên Ngoại 8 hộ, xã Tiên Sơn 12 hộ. Các hộ tham gia được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc đàn gà theo quy trình kỹ thuật và hiện gà sinh trưởng phát triển tốt. Với Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, hiện thị xã có 3.500 con với sản lượng sữa năm 2023 đạt 10.390 tấn. Bên cạnh nguồn kinh phí của tỉnh, thị xã hỗ trợ cho một số hộ nuôi bò sữa mua máy ép phân, xây dựng hệ thống bể biogas để xử lý chất thải ở khu chăn nuôi tập trung xã Trác Văn. Đến nay, tất cả các hộ nuôi bò sữa ở Duy Tiên đều xây dựng bể biogas, nhiều hộ áp dụng biện pháp ngâm ủ chất thải bằng vi sinh, đệm lót sinh học, nuôi giun quế.
Bà Trần Thị Thanh Thoan ở thôn Đô Quan (Mộc Nam) cho biết: Trang trại nằm trong khu chăn nuôi bò sữa tập trung của Công ty Friesland Campina với diện tích 6 ha, phần chuồng trại 1.500 m2 và hiện gia đình nuôi 95 con bò, trong đó 45 con đang cho khai thác sữa. Những năm qua, gia đình đã đầu tư kinh phí, áp dụng các công nghệ mới xử lý chất thải đồng bộ đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn chuồng trại theo quy định của ngành chức năng. Vì thế, nơi đây không chỉ là khu chăn nuôi bò sữa bảo đảm môi trường sinh thái mà còn là điểm đến của nhiều đoàn du khách ngoại tỉnh tham quan, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, các sản phẩm sữa tươi thanh trùng, sữa chua, sữa chua uống, sữa chua nếp cẩm mang thương hiệu của trang trại (HANAMILK) đang cung cấp tại hơn 300 cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc.
Thực hiện việc xây dựng, bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường hiện nay trên địa bàn thị xã có 9 làng nghề được công nhận. Trong đó, 04 làng nghề đang phát triển tốt, sản phẩm của làng nghề ngày càng được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước. Điển hình như: làng nghề Dệt lụa Nha Xá (xã Mộc Nam), trống Đọi Tam (xã Tiên Sơn), rượu Bèo (xã Tiên Ngoại)... Hiện có 3 làng nghề đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường được UBND thị xã phê duyệt gồm: Dệt lụa Nha xá, trống Đọi Tam và nghề Mộc thôn Yên Mỹ (xã Chuyên Ngoại). Riêng làng nghề rượu Bèo đang hoàn thiện thủ tục để UBND thị xã phê duyệt.
Cùng với đó, thời gian qua, thị xã tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các hợp tác xã và các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên hệ thống đài truyền thanh từ thị xã đến các xã, phường; trên trang thông tin điện tử của thị xã. Từ năm 2018 đến nay, Duy Tiên đã có 32 sản phẩm được UBND tỉnh, thị xã đánh giá phân hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao. Trong đó, 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Tiếp đó, thị xã tích cực vận động các chủ thể tham gia các lớp tập huấn ứng dụng về chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm chủ lực của địa phương, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Năm 2023, HTX trồng cây ăn quả xã Mộc Nam và hộ ông Nguyễn Bá Mĩnh (xã Chuyên Ngoại); Trang trại Happy Farm được cấp mã số vùng trồng.
Bên cạnh đó, các cơ sở tích cực đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử: PostMart.vn, VoSo.vn và Santhuongmaihanam.com.vn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Thị xã phối hợp với Trung tâm tin học và công nghệ số - Cục thương mại điện tử- Bộ Công thương tư vấn, hỗ trợ xây dựng và áp dụng các giải pháp công nghệ số để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử cho các chủ thể sản xuất nông sản, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và các sản phẩm OCOP. Đồng thời, trao tặng 5.000 tem truy xuất hàng chính hãng cho chủ thể Nguyễn Thanh sản phẩm trà Sen Trưởng An phường Duy Minh.
Nhờ tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thị xã Duy Tiên đã nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các cấp, ngành và mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm với khả năng cạnh tranh cao.
Phùng Thống