Thương hiệu giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ giúp doanh nghiệp tự tin làm chủ trên “sân nhà”, các thương hiệu Việt còn thể hiện nội lực của quốc gia, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực xây dựng, lan tỏa thương hiệu Việt bằng nhiều giải pháp, cách làm thiết thực. Trọng tâm là đẩy mạnh hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xây dựng, nhân rộng các điểm bán hàng Việt; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm Việt chất lượng; tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4), Chương trình nhận diện hàng Việt Nam…
Nằm trong chuỗi các hoạt động do Sở Công thương triển khai thực hiện nhằm đẩy mạnh hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” đã khẳng định hiệu quả rõ nét, trở thành cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng trong nước. Với chủ đề “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam”, các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh ngay sau khi được xây dựng đã nhanh chóng trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của nhiều người dân, góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hàng Việt khi mua sắm.
Lãnh đạo Sở Công thương kiểm tra tình hình cung cầu hàng hóa tại siêu thị Lan Chi, thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân.
Theo Sở Công thương, đến thời điểm này, sở đã thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị, hộ kinh doanh thực hiện 4 mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam”. Với mục tiêu, khuyến khích tiêu dùng nội địa, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu Việt, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, các điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh được lựa chọn xây dựng ở khu vực đông dân cư, có lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm lớn. Qua triển khai điểm bán hàng Việt, đại diện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho rằng, việc triển khai mô hình là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, góp phần hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nội địa, tăng doanh thu bán hàng. Xây dựng điểm bán hàng Việt, các doanh nghiệp đều cam kết sẽ duy trì mô hình ít nhất trong thời gian 4 năm và sẽ lựa chọn nhập bán những mặt hàng Việt chất lượng, có giá cả cạnh tranh trên thị trường.
Đơn cử như tại siêu thị Phú Hoà (phường Hoà Mạc, thị xã Duy Tiên), gian hàng “Điểm bán hàng Việt Nam” luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người tiêu dùng mỗi khi đến tham quan, mua sắm. Hàng hoá tại đây được bày bán khá đa dạng, phong phú, bao gồm: lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm… Trong đó, có nhiều mặt hàng là sản phẩm OCOP của Hà Nam và các tỉnh, thành phố trên cả nước, như: sữa chua, sữa tươi thanh trùng Mục Đồng; phở, bún, miến chùm ngây Morice; bánh đa nem làng Chều; sữa tươi thanh trùng, sữa chua Hanamilk; chè khô Thái Nguyên; nấm, mật ong rừng Tây Bắc; bánh cáy Thái Bình; bánh cốm Hà Nội… Qua đó, góp phần phát triển hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm đặc sản nổi tiếng của các địa phương tới người tiêu dùng. Bà Trần Thị Minh Huệ, chủ siêu thị Phú Hoà khẳng định: Từ khi xây dựng mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam”, lượng khách đến mua sắm tại Phú Hòa tăng mạnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Để người tiêu dùng tiếp cận, sử dụng sản phẩm Việt chất lượng, siêu thị đã bố trí nhân viên thường xuyên túc trực tại điểm bán hàng để giới thiệu về những sản phẩm Việt được ưa chuộng tới khách hàng. Thời điểm này, hàng Việt đã chiếm khoảng 90% tổng số hàng hóa bày bán trong siêu thị.
Thực tế cho thấy, các điểm bán hàng Việt Nam do Sở Công thương hỗ trợ xây dựng hiện nay đều được đặt trong các siêu thị, cửa hàng kinh doanh tổng hợp có quy mô lớn và được bố trí thành khu riêng biệt để người tiêu dùng dễ dàng quan sát. Mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” được đưa vào khai thác đã khắc phục được những hạn chế trước đây khi hệ thống phân phối hàng Việt chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững và người tiêu dùng chưa phân biệt được giữa hàng Việt chất lượng với hàng hóa gắn mác Việt bán trôi nổi trên thị trường. Qua đó, không chỉ nâng cao ý thức của người tiêu dùng về ủng hộ hàng nội địa khi mua sắm mà còn giúp các doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế của mình. Thành công mà mô hình mang lại cũng chính là minh chứng cho thấy sự đúng đắn trong chính sách của Nhà nước đối với việc kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất nội địa và lan tỏa niềm tự hào thương hiệu Việt.
Trên cơ sở kết quả đạt được, ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ rà soát, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh xây dựng thêm nhiều điểm bán hàng Việt Nam, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng xa trung tâm các huyện, thị xã, thành phố nhằm giúp người dân nông thôn dễ dàng tiếp cận hàng Việt có chất lượng. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa, đưa hàng Việt vào các hệ thống phân phối lớn trong và ngoài tỉnh.
Năm 2025 là năm thứ 16 thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tại Hà Nam, sau nhiều năm tích cực hưởng ứng, cuộc vận động đã hình thành một phong trào mạnh mẽ, làm chuyển biến nhận thức, tâm lý mua sắm, tiêu dùng hàng Việt trong mọi tầng lớp nhân dân. Góp phần vào thành công đó, thời gian qua, Sở Công thương đã tích cực tuyên truyền, phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức có hiệu quả các chương trình kết nối giao thương, giao lưu, trao đổi, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các vùng, miền, góp phần lan toả, vận động người dân hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ông Lê Minh Ngọc, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: Riêng năm 2024, sở đã tổ chức nhiều chương trình tiêu biểu như hội nghị kết nối giao thương, hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp tỉnh Hà Nam với các doanh nghiệp tỉnh Kon Tum, hội chợ thương mại Festival Huế, phiên chợ hàng Việt về miền núi, hải đảo tại các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh… Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu, hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Gia Lai và các tỉnh vùng Tây Nguyên; hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc...
Thống kê sơ bộ của ngành chức năng cho thấy, hiện nay, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ từ 80-90% tổng cơ cấu hàng hóa trên các kênh phân phối hiện đại và khoảng 70% trên các kênh bán lẻ truyền thống. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh đã được đưa vào bày bán tại hệ thống các siêu thị lớn tại Hà Nam và trên cả nước như siêu thị GO!, Winmart, Co.opmart, Lan Chi mart… Cũng nhờ đẩy mạnh kết nối giao thương, xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh, đến nay, tỉnh đã xây dựng, phát triển được trên 20 chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP, nông sản sạch, an toàn vào thị trường Hà Nội.
Sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Phù Vân (thành phố Phủ Lý) đã có mặt tại nhiều kênh phân phối trong và ngoài tỉnh.
Nổi bật là các sản phẩm rau, củ an toàn của Hợp tác xã nông sản hữu cơ Phù Vân (thành phố Phủ Lý); sữa của Công ty cổ phần Sữa và Giống bò sữa Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên); bánh đa nem làng Chều (Lý Nhân); sản phẩm chế biến từ cá của Hợp tác xã Thủy sản sông trong ao Hải Đăng (Kim Bảng)… Điều này cho thấy, việc triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ góp phần tạo động lực, “tiếp sức” cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh yên tâm đầu tư, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đa dạng mẫu mã, giá cả cạnh tranh, bắt kịp xu thế mới của thị trường mà còn quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của Hà Nam đến đông đảo người tiêu dùng trên cả nước.
Tỉnh Hà Nam còn có hàng trăm sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, được người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước quan tâm, ưa chuộng như: ổi Trác Văn, rượu Vọc, kẹo Cham Cham, bánh đa nem làng Chều, chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, lụa Nha Xá, thêu ren Thanh Hà, trống Đọi Tam, sữa chế biến, bánh kẹo, mật ong, tỏi đen, ruốc cá… Theo đó, Hà Nam có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong thúc đẩy liên kết vùng. Với sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong tỉnh ngày càng quan tâm và chủ động hơn trong việc tham gia các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại để đẩy mạnh giao lưu, hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Bún phở khô Khánh Linh (xã Công Lý, Lý Nhân) cho hay: Sản phẩm bún, phở khô của Khánh Linh được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng và mẫu mã bắt mắt khi được làm từ nhiều nguyên liệu sạch, an toàn như củ dền tím, cà rốt, lá dứa… Nhờ tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do sở, ngành, địa phương tổ chức, sản phẩm của chúng tôi đã nhanh chóng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện, sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại các kênh phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh như siêu thị, cửa hàng tiện tích, siêu thị lớn trong tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của tỉnh, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tăng cường thông tin thị trường; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất đưa các sản phẩm thế mạnh của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử để tiếp cận nhanh hơn với khách hàng; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh xây dựng, hoàn thành cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại, các ngành hàng thương mại và xuất khẩu trọng điểm của tỉnh vào hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Nhằm mục đích tôn vinh, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu, Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được triển khai trên cả nước bắt đầu từ 15-21/4/2025 để chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4).

Theo kế hoạch, các hoạt động hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh được tổ chức từ ngày 1-23/4/2025. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá Ngày Thương hiệu Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện bài viết, phóng sự và đưa tin về các hoạt động của Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội; đăng thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công thương tới cộng đồng, doanh nghiệp nhân Ngày Thương hiệu Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công thương, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh, các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức tuyên truyền bằng hình thức lưu động, treo băng rôn, phướn, tờ rơi trên các tuyến đường chính, tại các khu vực chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn trên địa bàn tỉnh…
Thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam năm 2025 nhằm tuyên truyền đến người dân về hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua các thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Chương trình được triển khai còn có ý nghĩa động viên, khích lệ các doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, phát triển thương hiệu bền vững, góp phần xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia; tôn vinh, quảng bá thương hiệu Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp, tăng cường truyền thông cho công tác xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Sở Công thương cũng đã có công văn gửi một số sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đề nghị triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam năm 2025, trọng tâm là thực hiện treo băng rôn, phướn với nội dung “Ngày Thương hiệu Việt Nam năm 2025 - Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo”. Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại lớn như GO! Hà Nam, siêu thị Lan Chi, siêu thị Winmart, bên cạnh việc treo băng rôn tuyên truyền tại các vị trí trung tâm, các đơn vị còn đồng loạt triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, giới thiệu tới người tiêu dùng những sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, giá cả phải chăng trong thời gian diễn ra Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2025.
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhân Ngày Thương hiệu Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc siêu thị GO! Hà Nam cho biết: Năm nay, GO! Hà Nam triển khai đồng loạt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Ngày Thương hiệu Việt Nam năm 2025 kết hợp với hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025. Từ tháng 3, GO! Hà Nam treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền với các thông điệp như “Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo”; “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam” tại cửa ra, vào và các vị trí dễ quan sát trong siêu thị. Bên cạnh đó, nhiều phần quà có giá trị cùng chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn cũng được GO! Hà Nam áp dụng rộng rãi trong khoảng thời gian diễn ra Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Thông qua các hoạt động này, GO! Hà Nam mong muốn được góp phần lan tỏa, đưa thương hiệu Việt đến với gần hơn với người tiêu dùng.
Theo ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương, các hoạt động hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam năm 2025 được triển khai kéo dài trong tháng 4 với phương châm, các hoạt động phải phong phú, đa dạng, thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Với nhiều hoạt động thiết thực, Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và Ngày Thương hiệu Việt Nam năm 2025 đã và đang thu hút sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu Việt. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhiều sản phẩm rau, củ sạch của Hợp tác xã Nông sản sạch Bảo An (Lý Nhân) trưng bày tại hội nghị kết nối cung - cầu hàng Việt Nam do Sở Công thương tổ chức.
Hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam năm 2025 với thông điệp “Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo”, Sở Công thương Hà Nam cũng đang tích cực vận động, khuyến khích, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh phát huy tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.
Thực hiện: Nguyễn Oanh
Thiết kế: Đức Huy
www baohanam.com.vn