Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm

Dịch Covid-19 bùng phát trong những năm vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như làm giảm đáng kể sức mua trên thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, thực trạng này đã được cải thiện đáng kể trong những tháng qua khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Những tháng cuối năm 2022 đang được xem là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, góp phần khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thị trường bán lẻ tăng tốc phát triển

Thị trường bán lẻ trong những tháng vừa qua đã cho thấy nhiều tín hiệu hồi phục tích cực sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19. Doanh thu bán lẻ có sự tăng trưởng khá trong 9 tháng năm 2022 khi tình hình sản xuất, kinh doanh dần đi vào hoạt động ổn định, phát triển. Theo đánh giá của Sở Công thương, trong 9 tháng năm 2022, nhất là trong quý III, tình hình thị trường diễn biến khá sôi động, hoạt động thương mại và dịch vụ có sự phục hồi ở hầu hết các ngành của nền kinh tế và ghi nhận mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm
Nhân viên cửa hàng sâm Ngọc Linh Kontum K5, Đường Lê Công Thanh, TP Phủ Lý tư vấn, giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Ảnh: Hân Hân

Nguyên nhân là do dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình của người dân tăng cao. Bên cạnh đó, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm liên tiếp từ đầu tháng 7/2022 cũng đã góp phần kích thích tăng tiêu dùng trở lại. Đây chính là tín hiệu lạc quan, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo đà cho nền kinh tế của tỉnh tăng tốc phát triển.

Trong quý III/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước đạt 11.069,6 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng quý năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh ước đạt 29.667,1 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có nhiều nhóm ngành hàng ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá, như: gỗ và vật liệu xây dựng tăng 49,5%; phương tiện đi lại tăng 34,9%; lương thực, thực phẩm tăng 32,6%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 27,1%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 27%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 25,8%...

Theo đại diện một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh, một trong những yếu tố giúp cho ngành bán lẻ giữ vững ổn định và có sức bật từ đầu năm đến nay chính là khả năng ứng biến và thích nghi với thị trường tốt. Các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ đã nhanh nhạy và kịp thời đầu tư ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hình thức mua bán trực tuyến, giữ vững sự liền mạch của nguồn lưu chuyển hàng hóa trên thị trường…

Bà Vũ Thị Liến, chủ cửa hàng mỹ phẩm Kiên Liến, đường Quy Lưu (TP Phủ Lý) cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, khi tình hình dịch bệnh Covid -19 được kiểm soát, hoạt động kinh doanh của cửa hàng cũng có nhiều khởi sắc với doanh số bán hàng tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, bên cạnh việc duy trì kênh bán hàng trực tiếp, chúng tôi đang đẩy mạnh bán hàng trực tuyến và giới thiệu sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook để mở rộng đối tượng khách hàng ra nhiều địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành khác trên cả nước. 

Ở các địa phương trong tỉnh, thị trường bán lẻ cũng đang phục hồi và phát triển khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô kinh doanh. Đơn cử như cửa hàng điện máy Nam Hiền (thôn Trung Sơn, xã La Sơn, Bình Lục), từ một cửa hàng chuyên về dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh và kinh doanh nhỏ lẻ một số mặt hàng: ti vi, loa, âm ly, đến nay đã phát triển thành cửa hàng điện máy với quy mô kinh doanh tăng gấp 3 lần so với trước. Các mặt hàng kinh doanh cũng đa dạng, phong phú hơn. Ngoài kinh doanh trực tiếp, cửa hàng cũng tăng cường kênh bán hàng online nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Ông Trần Văn Nam, chủ cửa hàng cho biết: Chúng tôi vẫn đang “nghe ngóng” sức bật của thị trường sau ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 để có hướng tiếp tục mở rộng quy mô cửa hàng, phát triển thành trung tâm điện tử, điện lạnh, đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng và tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động sau một thời gian dài khó khăn do dịch bệnh.

Toàn tỉnh hiện có 11 siêu thị, trung tâm thương mại, 110 chợ và hàng trăm cửa hàng tiện ích. Hệ thống thương mại này đang góp phần cùng các loại hình bán lẻ của tỉnh tạo ra các kênh lưu thông hàng hóa thông suốt từ thành thị đến nông thôn. Qua đó, thúc đẩy giao thương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bán lẻ nhanh chóng phục hồi và phát triển, thời gian qua, Sở Công thương đã quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm; tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp về thương mại điện tử, tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tạo sự liên kết giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng, giữa các đơn vị sản xuất với nhau; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa…

Tạo điều kiện để hàng hóa lưu thông thuận lợi

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm
Khách hàng tham quan, mua sắm tại Siêu thị Lan Chi, Đồng Văn, thị xã Duy Tiên.

Theo dự báo của các ngành chức năng, lượng hàng hóa lưu thông sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm. Song song với đó, hoạt động gian lận thương mại, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng sẽ có nhiều diễn biến phức tạp; hoạt động đầu cơ, găm hàng, tăng giá tùy tiện có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm được các ngành chức năng đề ra là, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nắm bắt tình hình diễn biến cung – cầu, giá cả các mặt hàng hóa. Trong đó, tập trung kiểm tra những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm, như: quần áo, giày dép, bánh kẹo, nước giải khát, bia rượu, lương thực, thực phẩm, hoa quả… Đồng thời, tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ các loại pháo cũng như đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em.

Ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh khẳng định: Kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ xuyên suốt của lực lượng QLTT, trong đó, tập trung cao điểm vào những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Năm nay, riêng trong quý III/2022, qua kiểm tra, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 195 vụ vi phạm, bằng 92,86% so với cùng kỳ năm 2021, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1,4 tỷ đồng. Trong 3 tháng cuối năm 2022, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ có những diễn biến phức tạp hơn với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện, xử lý dịp cuối năm là về đầu cơ, găm hàng, sai phạm trong lĩnh vực giá, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Do vậy, để góp phần ổn định thị trường, tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, Cục QLTT Hà Nam đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, nhận diện những phương thức, thủ đoạn vi phạm mới để đấu tranh ngăn chặn; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra vào thời gian cao điểm cuối năm; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; thực hiện tốt công tác tham mưu với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Cục yêu cầu các đội QLTT trên địa bàn tăng cường hơn nữa việc kiểm tra các kho bãi, nơi cất giữ hàng hóa để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt xử lý nghiêm các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Từ tháng 9/2022, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn tỉnh thực hiện báo cáo giá cả các mặt hàng hóa, đánh giá sức mua định kỳ vào cuối các tháng. Trên cơ sở đó, sở nắm bắt được tình hình giá cả, cung – cầu hàng hóa để có giải pháp bình ổn thị trường kịp thời trong những tháng cuối năm. Theo kế hoạch, trong quý IV, sở sẽ tăng cường kiểm soát giá, tránh việc kê giá cao để khuyến mại hạ giá nhằm trục lợi; kiểm soát hoạt động chuỗi cung ứng một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, thịt lợn, nhu yếu phẩm); theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã, nhất là các mặt hàng có sức tiêu dùng cao để chủ động có kế hoạch chuẩn bị bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường từ nay đến cuối năm 2022 và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2023.

Đa dạng các hình thức kích cầu tiêu dùng

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm
Nhiều học sinh đến tham quan, tìm hiểu chương trình khuyến mại đối với sản phẩm máy tính xách tay tại Siêu thị Điện máy Xanh, TP Phủ Lý.

9 tháng năm 2022, mặc dù hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã có sự phục hồi, khởi sắc nhưng doanh thu của nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh vẫn chưa đạt so với kỳ vọng và còn thấp hơn so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid -19 bùng phát. Do vậy, những tháng cuối năm 2022 được các siêu thị, cửa hàng bán lẻ xem là thời điểm thuận lợi, là cơ hội “vàng” để tăng tốc, tạo sự bứt phá sau hơn 2 năm liền kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh đang triển khai nhiều hình thức kích cầu tiêu dùng, như: áp dụng chương trình khuyến mại, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, tặng quà, nhân điểm tích lũy cho các thành viên, bán hàng đồng giá, tăng thời hạn bảo hành sản phẩm với các chính sách hậu mãi hấp dẫn...

Các cửa hàng trong hệ thống Siêu thị Vinmart+ là một ví dụ. Qua khảo sát cho thấy, tại mỗi cửa hàng Vinmart+ trên địa bàn TP Phủ Lý, hầu hết các mặt hàng từ đồ gia dụng, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống, sữa, dầu ăn, bánh kẹo… đều đang được áp dụng giá bán ưu đãi với mức giảm từ 10% đến 30%. Trong đó, để kích cầu mua sắm, Vinmart+ đặc biệt áp dụng mức giảm sâu đối với những sản phẩm hàng hóa có dung tích lớn từ 2-3 lít trở lên, như nước giặt, dầu ăn, nước lau sàn. Đồng thời, thực hiện ưu đãi mua 2 tặng 1 hay tặng kèm thêm sản phẩm khi mua với số lượng từ 2 gói giấy ăn, 2 lốc sữa… trở lên.

Ông Cao Minh Dương, Quản lý hệ thống cửa hàng Vinmart+ tại Hà Nam cho biết: Thời điểm “vàng” để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng là vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và một số dịp nghỉ lễ khác trong năm. Nắm bắt cơ hội này, từ nay đến cuối năm 2022, Vinmart+ sẽ tăng lượng dự trữ hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm… so với các nhóm hàng khác. Trong đó, tập trung vào những mặt hàng bình dân, hàng nội địa với giá cả phải chăng. Mỗi tháng Vinmart+ có kế hoạch triển khai 2 chương trình khuyến mại, giảm giá khác nhau đối với tất cả các mặt hàng được bày bán. Phấn đấu, doanh thu bán hàng trong quý IV sẽ tăng từ 30% so với quý III, góp phần đạt mục tiêu về doanh thu trong cả năm.

Tìm hiểu thực tế tại một số kênh phân phối khác, như cửa hàng thời trang, siêu thị điện máy, cửa hàng tiện ích… cho thấy, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid - 19, doanh thu bán hàng trong năm 2020 và 2021 giảm từ 20-50% so với những năm trước khi bùng phát dịch bệnh. Các đơn vị đều đặt mục tiêu tăng trưởng từ 30% trở lên trong năm 2022. Để đạt mục tiêu đề ra, các cửa hàng đang đẩy mạnh quảng cáo, áp dụng hình thức khuyến mại với mức giá giảm lên tới 50%.

Theo thống kê của Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9, sở đã tiếp nhận trên 14.000 thông báo thực hiện khuyến mại của các doanh nghiệp. Đồng thời, xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại cho 5 chương trình của 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dự báo trong 3 tháng cuối năm, số lượng chương trình khuyến mại sẽ còn tăng lên đáng kể. Điển hình như tại Siêu thị Điện máy Xanh (TP Phủ Lý), chương trình “Kích cầu mua sắm” đang thu hút sự quan tâm đối với người tiêu dùng. Trong đó, một số sản phẩm như: nồi chiên không dầu với mức giảm 45%; nồi cơm điện có giá bán giảm từ 20-40%; máy giặt, loa, ti vi giảm từ 10-35%; đồng hồ nữ giảm giá 35%; máy tính xách tay, điều hoà có mức giảm lên tới 30% cùng chính  sách mua trả góp lãi suất 0%... đang được siêu thị tiêu thụ với số lượng lớn.

Ông Vũ Quang Dũng, Quản lý Siêu thị Điện máy Xanh cho biết: Kích cầu mua sắm cuối năm, Điện máy Xanh không chỉ áp dụng chương trình khuyến mại, giảm giá lớn, mà chúng tôi còn quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ với việc thực hiện các chính sách hậu mãi tốt, như tăng thời hạn bảo hành cho sản phẩm, miễn phí lắp đặt, bảo dưỡng sản phẩm, áp dụng đổi sản phẩm mới trong 1 năm sử dụng nếu sản phẩm bị lỗi từ phía nhà cung cấp. Thấu hiểu tâm lý, nhu cầu của khách hàng, chuẩn bị cho mùa mưa cuối năm, năm nay, Điện máy Xanh còn chuẩn bị lượng máy sấy, máy giặt sấy với số lượng lớn và áp dụng giảm giá trực tiếp là 4 triệu đồng/sản phẩm; đồng thời, bố trí tăng cường đội ngũ nhân viên giao hàng, bảo đảm sản phẩm được giao và lắp đặt nhanh chóng.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh kích cầu tiêu dùng, từ nay đến cuối năm, Sở Công thương có kế hoạch tổ chức các hội chợ, triển lãm, nhất là các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Cùng với đó, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tăng nguồn dự trữ hàng hoá, tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng sẽ tích cực rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm thu hút người tiêu dùng mua sắm. Cùng với đó, tổ chức sắp xếp trật tự kinh doanh, văn minh, an toàn mua bán tại các chợ nhằm thu hút, tăng sức mua bán tại hệ thống chợ; tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành lân cận và doanh nghiệp các tỉnh nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, tìm cơ hội hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong tỉnh; tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản đặc trưng của tỉnh trên các website, sàn thương mại điện tử của tỉnh; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới phương thức kinh doanh, tăng cường hoạt động bán hàng đa kênh, mở rộng kênh phân phối để đa dạng đối tượng khách hàng; khuyến khích các đơn vị kinh doanh áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy