kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tháo gỡ khó khăn cho phát triển trạm thu phát sóng di động

Tháo gỡ khó khăn cho phát triển trạm thu phát sóng di động

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thoại di động, truy cập internet (4G, 5G) ngày càng cao của người dân, các doanh nghiệp viễn thông đang tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng, lắp đặt, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do người dân nhận thức chưa đầy đủ đã khiếu kiện, phản đối việc lắp đặt trạm BTS trên địa bàn.

Để bảo đảm chất lượng phủ sóng thông tin di động, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của ngành chức năng và chính quyền địa phương, doanh nghiệp viễn thông đang rất cần sự ủng hộ từ phía người dân.

Phát triển trạm BTS góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số đã và đang là xu thế tất yếu, có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Để đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chuyển đổi số, yêu cầu đặt ra là cần phải phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và các nền tảng số, trong đó bao gồm hệ thống trạm BTS. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu, đến năm 2025, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và đến năm 2030, phổ cập  dịch vụ mạng di động 5G. Với quan điểm, người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số, Quyết định số 749 cũng xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng số, trong đó nêu rõ: Quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G.

Tại Hà Nam, chuyển đổi số cũng đang được tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Về phát triển xã hội số, đến nay, 100% dân số trong tỉnh được phủ sóng thông tin di động 2G; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Để đạt các mục tiêu mà Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, nhất là chỉ tiêu đến năm 2025, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh, việc phát triển hạ tầng viễn thông, trong đó có trạm BTS là hết sức cần thiết. 

Thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đã kịp thời khảo sát, lắp đặt bổ sung các vị trí trạm BTS phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống trạm BTS, nhất là trạm BTS 5G để bảo đảm vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp viễn thông phát triển trạm BTS, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1686/UBND-VXNV ngày 29/8/2023 về việc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng. Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Công văn số 1686/UBND-VXNV của UBND tỉnh. Trong đó, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn, không gây phiền hà, phát sinh thêm quy định, thủ tục trái với quy định của pháp luật.

Sở cũng chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý xây dựng trạm BTS nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân; quan tâm, đầu tư xây dựng trạm BTS phủ sóng thông tin di động 4G, 5G nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời phục vụ đắc lực nhiệm vụ phòng chống thiên tai và an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh đang có 5 doanh nghiệp viễn thông hoạt động. Số lượng người dùng internet truy nhập bằng thiết bị di động (smartphone) hiện chiếm khoảng 80% dân số của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 900 vị trí trạm BTS được các nhà mạng xây dựng, lắp đặt. Trong thời gian tới, số lượng trạm BTS sẽ tiếp tục tăng do doanh nghiệp triển khai dịch vụ 5G để bảo đảm chất lượng sóng. Ở khu vực đô thị có nhiều công trình, nhà ở cao tầng gần nhau, phạm vi phủ sóng của trạm BTS thường khoảng 200 -300m; ở vùng nông thôn, mật độ công trình, nhà ở cao tầng ít và thưa, phạm vi phủ sóng của trạm BTS rộng hơn, thường khoảng 400-800m. Vì vậy, nếu không xây dựng trạm BTS với mật độ phù hợp sẽ hình thành vùng lõm sóng, không đáp ứng nhu cầu sử dụng mạng di động của người dân, ảnh hưởng đến tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn.

Trạm thu phát sóng di động của Viettel Hà Nam được xây dựng, lắp đặt tại KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Hân Hân

Trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều vùng lõm sóng di động. Nguyên dân là do các nhà mạng gặp nhiều khó khăn trong triển khai xây dựng trạm BTS. Tại một số địa phương vẫn phổ biến tình trạng người dân kiến nghị, phản đối việc doanh nghiệp xây dựng, lắp đặt trạm BTS trong khu vực dân cư. Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã còn e ngại, chưa thực sự quyết liệt ủng hộ doanh nghiệp, dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xây dựng trạm BTS.

Ông Kiều Đạt Hùng, Phụ trách tổng hợp Viettel Hà Nam cho biết: Khu vực nào không có trạm BTS thì khu vực đó chất lượng dịch vụ thông tin liên lạc, truy cập mạng internet 3G, 4G sẽ không bảo đảm. Đến nay, Viettel Hà Nam đã lắp đặt 409 trạm BTS. Mục tiêu từ nay đến hết năm 2024, doanh nghiệp sẽ phát triển thêm 60 trạm BTS tại các địa bàn dân cư. Trong quá trình triển khai xây dựng, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, tại nhiều điểm phải dừng thi công, nhất là tại các khu vực dân cư trên địa bàn thành phố Phủ Lý và huyện Lý Nhân do người dân phản đối việc xây dựng trạm BTS trên địa bàn.

Mới đây, việc người dân ở tổ dân phố số 8, phường Lương Khánh Thiện (thành phố Phủ Lý) phản đối Viettel Hà Nam lắp đặt trạm BTS trên tầng thượng của một hộ gia đình trong tổ và kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn việc xây dựng trạm BTS tại đây đã khiến Viettel Hà Nam phải tạm dừng thi công xây dựng mặc dù doanh nghiệp đã hợp đồng thuê mặt bằng căn nhà của gia đình để đặt trạm BTS. Đơn vị cũng có đầy đủ giấy tờ pháp lý do các cơ quan chức năng cấp để xây dựng trạm BTS. Qua tìm hiểu được biết, người dân nơi đây phản đối việc lắp đặt trạm BTS là bởi họ lo ngại trong quá trình hoạt động, sóng điện từ từ trạm BTS sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe các gia đình ở xung quanh. Ngoài ra, trạm BTS đặt ở vị trí cao, có nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão, gây mất an toàn cho các hộ dân.

Trước thực tế này, UBND phường Lương Khánh Thiện đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức hội nghị đối thoại, làm việc với các hộ dân tổ 8 và mời các bên liên quan, các ngành chức năng của thành phố Phủ Lý, các sở, ngành của tỉnh tham gia giải thích, phổ biến, tuyên truyền để người dân hiểu việc lắp đặt trạm BTS là hoàn toàn an toàn về mặt kỹ thuật xây dựng, sóng điện từ từ trạm BTS không hề ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Cụ thể, kết luận của Tổ chức Y tế thế giới (được đưa ra trong tài liệu “WHO Fact sheet N0304 May 2006: Electromagnetic fields and public health – Base stations and wireless technologies”) là: Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập tới nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến điện từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe con người.

Đầu năm 2020, Ủy ban quốc tế về bảo vệ bức xạ không ion hóa (ICNIRP), đã phát hành phiên bản cập nhật của tài liệu hướng dẫn giới hạn phơi nhiễm trường điện từ dải tần từ 100kHz đến 300GHz (dải tần này bao phủ các dải tần dành cho tất cả các công nghệ di động hiện nay). Theo đó, ICNIRP khẳng định các giới hạn phơi nhiễm quốc tế vẫn bảo đảm sự an toàn đối với mọi người (kể cả trẻ em). Còn tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Công văn số 616/BKHCN-KHCN ngày 20/3/2006 gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học cho thấy sóng điện từ của các trạm thu phát sóng gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành quy chuẩn quốc gia QCVN 08:2010/BTTTT - Trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng - Phương pháp đo mức phơi nhiễm trường điện từ. Ngày 29/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 21/2022/TT-BTTTT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8:2022/BTTTT về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất (thay thế QCVN 08:2010/BTTTT). Đây là cơ sở để phục vụ việc kiểm định kỹ thuật các công trình trạm BTS nhằm bảo đảm an toàn về bức xạ điện từ.

Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Huệ, Quyền Chủ tịch UBND phường Lương Khánh Thiện, thông qua hội nghị đối thoại, được các ngành chức năng trực tiếp phổ biến, tuyên truyền, giải thích nhưng người dân tổ dân phố số 8 vẫn không đồng ý, kiên quyết đề nghị dừng xây dựng trạm BTS trên địa bàn. Trước tình hình này, UBND phường đã báo cáo UBND thành phố và các ngành chức năng có liên quan để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc. Trước mắt, phường đề nghị đơn vị thi công tạm dừng lắp đặt trạm BTS tại tổ 8 để bảo đảm an ninh trật tự.

Trước những lo ngại của người dân về việc trạm BTS đặt ở vị trí cao, có nguy cơ gãy đổ, gây mất an toàn cho các hộ dân xung quanh, bà Lã Thị Huyền, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông - Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông giải thích rõ, khi xây dựng trạm BTS, các nhà mạng phải thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý và được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng ở những vị trí phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh và của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt trong từng giai đoạn. Cột ăng ten trạm BTS được lắp đặt theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn về kết cấu, chịu lực, chịu được gió bão và được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Ngoài ra, trạm BTS trước khi đưa vào sử dụng cũng đã được kiểm định tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn về phơi nhiễm sóng điện từ trường và cấp giấy chứng nhận kiểm định để bảo đảm an toàn cho người dân. Đặc biệt, để bảo đảm bức xạ điện từ, bảo đảm về chống sét và an toàn theo quy định. Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đều chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện kiểm định trạm BTS của các doanh nghiệp.

Cũng theo đánh giá của ngành chức năng, tại hơn 900 vị trí trạm BTS đã xây dựng và đang hoạt động, cho đến nay chưa ghi nhận hiện tượng cột sóng bị gãy đổ gây mất an toàn cho người dân, đồng thời không có cơ sở nào cho thấy sóng điện từ từ trạm BTS làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu vực. Trước sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các trạm BTS phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã cùng doanh nghiệp viễn thông tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, phát triển trạm BTS, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ sóng điện từ của các trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy