Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn

Tỉnh Hà Nam hiện có 5.720,1 ha cây ăn quả, trong số này chỉ có 1.673,8 ha được trồng tập trung. Về cơ cấu và diện tích cây trồng, diện tích chuối chiếm 30% tổng diện tích cây ăn quả, nhãn 27%, vải 4,7%, bưởi 10%, cam và quýt 4,8%. Còn lại là một số diện tích ổi, táo, mít, xoài...  

Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, một số xã đã xây dựng được vùng trồng bưởi, vải và ổi tập trung, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 4-8 lần so với trước khi chuyển đổi.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mô hình trồng bưởi từ năm thứ 5 trở đi năng suất quả đạt từ 8-16 tấn/ha, hiệu quả kinh tế thu đạt từ 120-150 triệu đồng. Cây ổi từ năm thứ 3 trở đi, cho năng suất từ 12-15 tấn/ha, hiệu quả thu được từ 150 - 200 triệu đồng. Đối với cây vải trồng sau 5 năm, năng suất quả đạt bình quân từ 16-18 tấn/ha, nông dân có thể thu nhập từ 240-260 triệu đồng.

Phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên)  có 13 ha chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, có 163 hộ làm đơn đăng ký chuyển đổi, với tổng diện tích 12,5 ha trồng bưởi Diễn và bưởi thồ. Vùng quy hoạch trồng vải Lai U trứng tại xã Nguyễn Úy (Kim Bảng) tổng diện tích 23,9 ha, trong đó, có diện tích cây cho năng suất từ 16-18 tấn/ha. Vùng quy hoạch trồng ổi Đài Loan tại xã Thanh Hương (Thanh Liêm) cho năng suất 12 tấn/ha, đạt hiệu quả kinh tế 140 triệu đồng. 

Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn
Diện tích chuyển đổi trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Xuân  Khê (Lý Nhân).

Các mô hình, vùng quy hoạch trồng cây ăn quả đã có là cơ sở để cơ quan chuyên môn và các địa phương đánh giá, xây dựng đề án về xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa trong giai đoạn tới. Khẳng định hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả đem lại cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, Sở NN&PTNT cũng nhận định, còn nhiều hạn chế trong việc sản xuất cây ăn quả ở các vùng chuyển đổi hiện nay.

Nhận thấy rõ nhất chính là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn hạn chế, chưa thực hiện đúng yêu cầu quy trình thâm canh, nhất là kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa tạo tán; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và đất ở mức cao; năng suất quả không ổn định, chất lượng, hình thức, mẫu mã quả chưa cao. Có diện tích trồng từ 4-5 năm chưa cho thu hoạch, hoặc năng suất quả rất thấp. Công tác quản lý đất đai ở một số địa phương chưa chặt chẽ nên còn tình trạng các hộ tự ý xây dựng nhà tạm, lều lán, phá vỡ mặt bằng khu vực chuyển đổi. Nhiều hộ chưa tuân thủ quy định về làm thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất...

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, mục tiêu xây dựng đề án về xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa nhằm hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả với khối lượng sản phẩm lớn, cho hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất gấp 4 lần so với cấy lúa truyền thống; đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng. Qua tham gia mô hình, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ thuật thực hành nông nghiệp tốt trên cây ăn quả cho người lao động, tiến tới xây dựng thương hiệu cho một số loại cây ăn quả tại vùng thực hiện đề án. 

Trước mắt, sẽ xây dựng một số vùng sản xuất cây ăn quả an toàn, tập trung trên diện tích chuyển đổi từ đất lúa. Lựa chọn vùng để quy hoạch bảo đảm đạt tối thiểu từ 5 ha trở lên, thực hiện theo các bước, lấy mẫu đất, mẫu nước tưới trong vùng được chọn để phân tích các chỉ số về hàm lượng kim loại nặng, vi sinh vật, hoàn thiện thủ tục chuyển đổi diện tích đất, tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật thâm canh cây ăn quả an toàn cho các hộ dân. Dự kiến xây dựng 4 mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn tại các địa phương: Phường Châu Giang (Duy Tiên), xã Nguyễn Úy (Kim Bảng), xã An Ninh (Bình Lục) và xã Thanh Hương (Thanh Liêm), với tổng diện tích 50,2 ha, trong đó, có 20,3 ha bưởi, 23,9 ha vải Lai U trứng, 5,9 ha ổi. 

Ông Ngô Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên nhận định: Việc xây dựng các mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn là rất cần thiết nhằm góp phần khắc phục hạn chế sản xuất cây ăn quả hiện nay, từng bước nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất cây ăn quả. Điểm khó hiện nay chính là nâng cao năng lực tổ chức sản xuất cho các HTX để hỗ trợ nông dân sản xuất theo đề án. Cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng, phải tiêu thụ được sản phẩm thì mới nâng cao giá trị sản xuất, bảo đảm được tính ổn định và bền vững của mô hình.

Khẳng định về vai trò HTX, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Vai trò của HTX trong tham gia đề án này là rất quan trọng vì có liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có việc chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm. Các địa phương tham gia đề án phải chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện và hỗ trợ việc thành lập các HTX, cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp tư vấn hỗ trợ thành lập HTX theo quy định của pháp luật. Các HTX có chức năng, nhiệm vụ liên kết trao đổi, hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm... 

Sở NN&PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh cơ chế hỗ trợ thực hiện đề án xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi. Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước được thực hiện dựa trên những căn cứ theo quy định hiện hành. Các mô hình trình diễn sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi sẽ được đánh giá kết quả trước khi nhân rộng. 

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy