Vụ lúa xuân 2019, anh Vũ Anh Tuấn, thôn Ô Mễ, HTX Liên An (xã Tràng An, Bình Lục) thực hiện liên kết với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương sản xuất 17 ha lúa Phúc Thọ. Đây là giống lúa mới, năng suất, chất lượng cao. Thực hiện liên kết, anh Tuấn được doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Được biết, đây là năm thứ 2 anh Tuấn thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa Phúc Thọ cho Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương. Vụ xuân 2018, anh Tuấn ký hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất trên diện tích 12 ha.
Theo đó, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương cung cấp lúa giống, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc. Đặc biệt, thóc được mua tươi ngay sau khi thu hoạch với giá 8 nghìn đồng/kg (tương đương 10 nghìn đồng/kg thóc khô, cao hơn 20% so với lúa Bắc thơm số 7). Không những vậy, năng suất lúa Phúc Thọ đạt bình quân 2,5 – 3 tạ/sào, cao hơn 20% so với lúa Bắc thơm số 7. Năng suất và giá bán đó, đem lại giá trị vượt trội trên cùng diện tích gieo cấy.
Nói về mô hình tích tụ ruộng đất cấy lúa liên kết với doanh nghiệp, anh Vũ Anh Tuấn tâm sự: Liên kết với doanh nghiệp sẽ tạo được vùng sản xuất hàng hóa lớn; giá trị và hiệu quả tăng lên rất nhiều so với tự sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ. Đây là nền tảng, động lực để người nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng.
Diện tích mạ lúa ĐS1 của ông Trịnh Quốc Toản, thôn 2, Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) cấy trong mô hình tích tụ ruộng đất liên kết với doanh nghiệp.
Ông Trịnh Quốc Toản, thôn 2 – Lạc Nhuế (xã Đồng Hóa, Kim Bảng) tích tụ được 9 ha đất cấy. Vụ xuân 2019, ông dành 5 ha sản xuất giống lúa ĐS1 liên kết với Viện cây lương thực – thực phẩm Việt Nam thông qua HTXDVNN Đồng Hóa. Thóc tươi khi thu hoạch được thu mua với giá cố định 6 nghìn đồng/kg (tương đương 8 nghìn đồng/kg thóc khô).
Với diện tích đó, ông Toản đã đầu tư mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp. Do vậy, 5 lao động trong gia đình ông đảm nhiệm được toàn bộ diện tích sản xuất. Theo ông Toản, liên kết sẽ tạo sự yên tâm cho người nông dân trong phát triển sản xuất bởi sau thu hoạch nông dân không phải lo giá cả khi có lượng sản phẩm lên đến hàng chục tấn. Đây là hướng đi mới, đem lại lợi nhuận cho cây lúa vốn trước đây chỉ lấy công làm lãi.
Không chỉ có 2 mô hình nói trên, vụ lúa xuân 2019 tỉnh ta có khá nhiều mô hình liên kết với doanh nghiệp. Cụ thể, tại xã Yên Bắc (Duy Tiên) - vùng sản xuất lúa giống truyền thống cho các công ty giống cây trồng có không ít hộ gia đình duy trì việc thuê, mượn lại đất với diện tích từ 1 – 3 ha. Mỗi vụ các hộ này nhập cả chục tấn giống lúa thuần nguyên chủng, giống lúa xác nhận cho các doanh nghiệp liên kết. Qua trao đổi, người dân Yên Bắc đều có chung nhận xét: Nếu không thực hiện tích tụ ruộng đất và liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất lúa giống thì rất dễ có diện tích đất cấy bị bỏ không do hiệu quả thấp.
Với hơn 30 nghìn ha lúa xuân 2019 được kỳ vọng giúp nâng cao năng suất, giá trị, góp phần vào tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp. Những mô hình tích tụ ruộng đất, thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp được mở rộng chính là điểm nhấn, tạo bước đột phá mới. Đây được coi là giải pháp để sản xuất lúa của tỉnh phát triển trong những năm tới. Cách làm này còn góp phần giải quyết được tình trạng người dân không còn thiết tha với đồng ruộng (thời gian qua đã có hộ dân bỏ ruộng không sản xuất ở một số địa phương trong tỉnh).
Ông Bạch Văn Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật (Sở NN & PTNT) cho biết: Hướng tới ngành nông nghiệp sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa những giống lúa mới có tiềm năng năng suất, giá trị vào liên kết sản xuất với người dân trong tỉnh.
Mạnh Hùng
Mạnh Hùng