Từng làm nhiều nghề để kiếm sống nhưng thu nhập khá bấp bênh, anh Trần Đại Thế, thôn Lý Nhân, xã Phú Phúc (Lý Nhân) quyết định trở về địa phương phát triển mô hình trồng nấm trứng. Đến nay, mô hình không chỉ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, trồng nấm còn giúp tận dụng lượng lớn nguồn phế phẩm bông sợi sau khi dệt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do đốt bông sợi.
Anh Thế trồng nấm trứng từ năm 2019. Trước đó, qua một người cháu từng làm công nhân sản xuất nấm trứng cho một doanh nghiệp tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), biết được nguyên liệu sản xuất nấm trứng là phế phẩm bông sợi dư thừa sau khi dệt. Sau khi đi thực tế tham quan, anh nhận thấy trong khu vực có xã Hòa Hậu vốn nổi tiếng với nghề dệt truyền thống, phế phẩm bông sợi sau khi dệt rất nhiều và nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể chủ yếu xử lý bằng hình thức đốt, gây ô nhiễm môi trường. Nhận thấy có thể tận dụng được lượng phế phẩm bông sợi dư thừa sau khi dệt này làm nguyên liệu để sản xuất nấm tại địa phương, năm 2019 anh đã bàn với người cháu ruột quyết định về quê đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nấm trứng. Từ số vốn 300 triệu đồng có sẵn, gia đình anh đã mạnh dạn vay thêm 500 triệu đồng của ngân hàng để xây dựng khu nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị và tận dụng diện tích đất bãi của gia đình sau chuyển đổi để sản xuất nấm.
Cụ thể, anh Thế đã xây dựng khu nhà xưởng sơ chế rộng 500m2, khu nhà nuôi trồng rộng 1.200 m2 được chia thành 10 phòng, lắp đặt hệ thống lò sưởi bằng ga tự động để điều chỉnh nhiệt độ, máy phun tưới bán tự động thuận tiện cho việc điều chỉnh độ ẩm, hệ thống ánh sáng nhân tạo bằng bóng đèn tiết kiệm điện và hệ thống giàn giá nuôi trồng hiện đại.
Mặc dù đã có kiến thức cơ bản nhưng khi bước vào sản xuất thực tế, anh Thế đã gặp phải không ít khó khăn và thất bại ngay lần đầu tiên khi một số giàn giá nấm bị mốc, hỏng, thị trường tiêu thụ khó khăn. Không nản chí, anh quyết tâm tìm hiểu thêm kinh nghiệm từ một số mô hình trong và ngoài tỉnh, kiến thức trên mạng và áp dụng một cách bài bản vào thực tiễn. Kiên trì theo dõi, thay đổi quy trình sản xuất, những mẻ nấm tiếp theo thành công.
Sau thành công bước đầu, anh Thế tiếp tục mở rộng khu nuôi trồng nấm lên 56 phòng, diện tích gần 7 nghìn m2 với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm, anh Thế cho biết: Trồng nấm trứng trên phế phẩm bông sợi giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận bởi hiện nay nguồn rơm rạ rất khan hiếm, người dân thường đốt rơm rạ sau thu hoạch. Trong khi đó, nguồn phế phẩm bông sợi tại xã Hòa Hậu sẵn có, giá rẻ.
Về quy trình xử lý nguyên liệu để trồng nấm khá đơn giản: Tôi vôi củ ra bể, sau đó rắc phế phẩm bông sợi vào và dùng máy làm đất bừa đều, ngâm 2-3 ngày, sau đó dùng máy gạt thành đống. Sau 1 tuần, đưa lên giàn giá, dùng nhiệt độ 1000C để diệt vi khuẩn. Khi nhiệt độ hạ xuống khoảng 300C thì rắc giống. Ở nhiệt độ này, khoảng 12-15 ngày nấm sẽ cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch nấm xong tiến hành vệ sinh giàn giá bằng nước vôi, toàn bộ phụ phẩm được đưa ra tập kết làm phân bón hữu cơ bán cho các mô hình trồng cây ăn quả, rau sạch.
Với quy trình như vậy, trung bình mỗi năm mô hình của anh cung cấp ra thị trường từ 120 - 150 tấn nấm. Với giá trung bình từ 80 - 100 nghìn đồng/kg, năm 2020, doanh thu từ trồng nấm trứng của gia đình anh Thế đạt trên 3 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi từ 700 - 800 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 17-20 lao động địa phương với mức thu nhập 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Do nắm bắt nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm nấm trứng còn rất lớn, hiện tại, anh Thế đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng nấm trứng. Và để tạo điều kiện về vốn phát triển sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm, qua thẩm định tính khả thi của dự án phát triển kinh tế đối với thanh niên khởi nghiệp, vừa qua, mô hình trồng nấm trứng của anh Trần Đại Thế đã được Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh trao vốn hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp 3 tỷ đồng tại Ngày hội đầu tư khởi nghiệp cho thanh niên tỉnh Hà Nam năm 2020.
Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Phú Phúc cho biết: Anh Trần Đại Thế là một thanh niên trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, mô hình trồng nấm trứng của anh Thế là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được địa phương lựa chọn để tuyên truyền, vận động người dân học tập và mở rộng.
Trần Ích