Khó khăn trong việc tìm địa điểm tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi

Theo hướng dẫn, với dịch tả lợn châu Phi ưu tiên chọn địa điểm tiêu hủy tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh, hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch để không phải phải vận chuyển lợn bệnh đi xa, tránh phát tán dịch ra diện rộng. Thực tế hiện nay, rất ít nơi có thể thực hiện được theo hướng dẫn.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan mạnh tại xã Phú Phúc (Lý Nhân). Mỗi ngày có đến cả chục hộ có lợn bệnh phải tiêu hủy. Ngày nhiều nhất xã tổ chức tiêu hủy gần 200 con lợn bệnh, với trọng lượng 14 tấn. Để tiêu hủy lợn bệnh, tại 4 miền của xã (Nhân Phúc, Phú Cốc, Thanh Nga, Duyên Hà), UBND xã Phú Phúc phải bố trí 5 điểm, chủ yếu là trên diện tích đất do xã quản lý. Đã có điểm phải đào đến 4 hố chôn do số lượng lợn phải tiêu hủy quá nhiều.

Được biết, trước khi bị dịch, tổng đàn lợn của xã Phú Phúc có gần 10 nghìn con. Sau gần 1 tháng dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đã có gần 2.000 con lợn bị tiêu hủy, chiếm 20% tổng đàn. 

Tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Phú Phúc (Lý Nhân).

Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Phú Phúc cho biết: Dịch tả lợn châu Phi lây lan mạnh không chỉ làm thiệt hại về kinh tế, quá tải nhân lực mà xã còn gặp khó khăn trong việc bố trí địa điểm để tiêu hủy. Nếu tiêu hủy quá nhiều tại 1 điểm dễ gây ô nhiễm môi trường dù đã thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật.

Khó khăn trong việc tìm điểm tiêu hủy lợn đang diễn ra ở nhiều địa phương. Xã Hưng Công (Bình Lục) lựa chọn giải pháp vận động người dân đổi từ đất sản xuất xa khu dân cư sang đất của UBND xã quản lý để có địa điểm chôn hủy lợn bệnh.

Xã Đại Cương (Kim Bảng) có KCN Đồng Văn IV và khu đô thị đang xây dựng trên địa bàn, theo đó nhiều diện tích đất của xã được thu hồi. Do vậy, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, xã gặp khó khăn trong tìm địa điểm tiêu hủy lợn bệnh. Tại thôn Thịnh Đại, phần lớn diện tích đất ngoài đồng đều đã thu hồi. Khi thôn xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, UBND xã đã rà soát toàn bộ địa bàn để lựa chọn, bố trí địa điểm chôn bảo đảm xa khu dân cư.

Tuy nhiên, với tình hình dịch như hiện nay, khả năng điểm chôn hủy này sẽ quá tải. Theo ông Chu Văn Muộn, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cương, việc tìm, bố trí thêm điểm chôn hủy lợn bị bệnh của xã đang gặp khó. Giải pháp vận chuyển ra khu vực khác đã được tính đến, nhưng như vậy rất dễ gặp sự phản đối của người dân gần khu vực chôn hủy.

Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh đã được hơn 2 tháng, có đến gần 70 xã, phường, thị trấn có dịch. Tổng số lợn bệnh phải tiêu hủy thời gian qua là trên 20 nghìn con. Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT), dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục phát sinh mạnh trong thời gian tới. Nguy hiểm hơn, dịch đã bắt đầu tấn công những trang trại có quy mô lớn. Cụ thể, tại xã Tiên Ngoại (Duy Tiên) có trang trại 600 lợn nái và hơn 1 nghìn con lợn thịt; xã Nhân Thịnh (Lý Nhân) trang trại nuôi 300 con lợn nái… đã bị dịch. Như vậy, lượng lợn phải tiêu hủy rất lớn, đòi hỏi có địa điểm tiêu hủy phù hợp.

Theo hướng dẫn, với dịch tả lợn châu Phi ưu tiên chọn địa điểm tiêu hủy tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh, hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch để không phải phải vận chuyển lợn bệnh đi xa, tránh phát tán dịch ra diện rộng. Thực tế hiện nay, rất ít nơi có thể thực hiện được theo hướng dẫn.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Lý Nhân, với tình hình dịch bệnh lan rộng như hiện nay, trên địa bàn huyện mỗi ngày có đến hàng chục tấn lợn bệnh phải tiêu hủy. Vì vậy, người dân cần phải cộng đồng trách nhiệm với chính quyền cơ sở; các hội đoàn thể cần vận động đoàn viên, hội viên chung sức trong việc tiêu hủy đúng kỹ thuật. Theo đó, những hộ nuôi nhỏ lẻ có thể cho chôn hủy lợn bệnh ngay tại khu vực chăn nuôi nếu phù hợp nhằm giảm tải cho địa phương trong việc tổ chức tiêu hủy tập trung, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy