Đây là khẳng định của các đại biểu trong đoàn công tác Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh sáng 3/8.
Các đại biểu dự hội nghị.
Chương trình làm việc là bước xúc tiến đầu tư sau khi Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ khảo sát độc lập về các điều kiện phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh trong tháng 5 vừa qua.
Tiếp và chủ trì buổi làm việc với Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Tham dự buổi làm việc còn có ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ; Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đang hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.
Hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ theo mô hình “Chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao” đối với ngành rau, củ, quả (RCQ) tại Hà Nam và khu vực đồng bằng sông Hồng, các đại biểu đã tìm hiểu về thực trạng, xu hướng sản xuất ngành RCQ ở Việt Nam trong 2 năm trở lại đây và những yếu tố cấu thành, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến RCQ.
Sau khi khảo sát độc lập thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp, tìm hiểu môi trường đầu tư tại Hà Nam, đại diện Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, Liên minh HTX Việt Nam và các doanh nghiệp đánh giá cao về lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ theo mô hình chuỗi giá trị tại tỉnh, đặc biệt các yếu tố về thổ nhưỡng, vị trí địa lý, nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư của Hà Nam.
Mô hình “Chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao” là xu hướng phát triển tất yếu để nông nghiệp phát triển, tăng trưởng bền vững và thực tế mô hình đã phát huy hiệu quả cao ở một số tỉnh.
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Lavifood cho biết: Dựa trên nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới cho thấy, ngành sản xuất RCQ ngày càng phát triển. Hà Nam có thế mạnh về phát triển RCQ, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để xây dựng hệ thống Logistics. Công ty đang nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư sản xuất, chế biến RCQ tại huyện Lý Nhân.
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ trao đổi về mục đích xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao.
Tháng 8/2018, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ sẽ thành lập phân viện đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, tập trung các nguồn lực để xúc tiến đầu tư. Viện mong muốn Hà Nam sẽ trở thành vùng điểm trong khu vực đồng bằng sông Hồng về xây dựng “Chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao”.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Hà Nam có chính sách, cơ chế thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong các lĩnh vực (dồn đổi, tích tụ ruộng đất, chăn nuôi bò sữa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao). Hà Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu nhằm cụ thể hóa cơ chế chính sách mới của Trung ương về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ sự tâm đắc với chiến lược xây dựng "Chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao" của Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ và mô hình hoạt động của Công ty Lavifood. Nếu xây dựng thành công chuỗi giá trị này sẽ là động lực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn sau hội nghị này, các bên tham gia sẽ bắt tay ngay vào triển khai thực hiện kế hoạch. Hà Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư tại tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận tại buổi làm việc.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí với mục tiêu của chương trình làm việc. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp muốn đầu tư tại Hà Nam về sản xuất RCQ sớm xây dựng dự án, kế hoạch cụ thể về nhu cầu quỹ đất, sử dụng nhân lực, dự kiến thời gian khởi động, vốn đầu tư, công suất…
Bích Huệ
Bích Huệ