Khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh được triển khai kịp thời, các cấp chính quyền luôn quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp... đã tháo gỡ, giải quyết cơ bản những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, mặc dù tình hình thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát tăng cao; nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động, ứng phó linh hoạt, tìm kiếm thị trường mới, bảo đảm nguồn nguyên liệu, phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới.
Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa trong trạng thái bình thường mới, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế. Đã gần hết thời gian của năm 2022, một điều đáng mừng là sản xuất công nghiệp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; thu hút đầu tư đạt kết quả cao so với cùng kỳ. 10 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 46 dự án (trong đó 12 dự án FDI và 34 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt 413,8 triệu USD và 12.615,9 tỷ đồng, tăng 75,9% và 187,5% so với cùng kỳ. Kết quả thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng, với giá trị sản xuất và Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) liên tục tăng. Nếu như chỉ số IIP tháng 9 tăng 12,4% so với tháng 8 và 23,3% so với cùng kỳ năm 2021 thì đến tháng 10, IIP tăng 2,7% so với tháng trước và 26,0% so với cùng kỳ năm 2021. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng cao như: Linh kiện điện tử, đồ chơi trẻ em, xi măng và clinker...
Tại Công ty TNHH Samsin Vina (KCN Châu Sơn) chuyên sản xuất sản phẩm từ plastic, linh kiện điện tử, tuy chịu tác động trực tiếp từ những diễn biến kinh tế toàn cầu, nhưng doanh nghiệp vẫn sản xuất kinh doanh có lãi dù không được như kỳ vọng. Năm 2022, ước các sản phẩm xuất khẩu của Samsin đạt 80% kế hoạch.
Thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới, các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, mạnh dạn chuyển đổi số và hướng đến sản xuất xanh. Chẳng hạn như ở Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành, sau thành công từ việc sử dụng dây chuyền - thiết bị - công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường của Tập đoàn FLSmidth A/S (Đan Mạch), mới đây Xuân Thành đã tiếp tục ký biên bản ghi nhớ hợp tác áp dụng công nghệ sản xuất “ Xi măng xanh” với FLSmidth. Ông Vũ Quang Bắc, Tổng Giám đốc Xi măng Xuân Thành cho biết: Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Xi măng Xuân Thành và FLSmidth được ký kết tại Diễn đàn Thượng đỉnh Năng lượng bền vững Đan Mạch - Việt Nam với sự chứng kiến của Thái tử và Công nương Đan Mạch cùng lãnh đạo các bộ ngành Việt Nam. Cụ thể, Xi măng Xuân Thành và FLSmidth A/S tiếp tục hợp tác và tăng cường hơn nữa những nỗ lực giảm thiểu tác hại tới môi trường trong quá trình sản xuất xi măng. Hai bên sẽ cùng nhau đánh giá tính khả thi, triển khai các công nghệ mới và bền vững. Ngoài ra, hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực Nghiên cứu & Phát triển (R&D) để đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ cũng như thực hành sản xuất “Xi măng xanh”.
Trong các KCN, các cấp, ngành, đặc biệt là Ban Quản lý các KCN tỉnh đã luôn bám sát hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ giải quyết kịp thời những khó khăn về xuất nhập cảnh, việc hưởng trợ cấp; phối hợp với đơn vị liên quan nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp và người lao động đã giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, tập trung đầu tư theo kế hoạch cam kết với tỉnh. Vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp KCN đến nay ước đạt hơn 7.800 tỷ đồng (trong đó bao gồm 283 triệu USD của các dự án FDI), đạt trên 70,75% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 104.000 tỷ đồng (đạt gần 80% chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước). Giá trị xuất khẩu ước đạt 2.950 triệu USD (đạt 84,3% chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước).
Ông Đỗ Văn Huynh, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Tính đến hết tháng 9, thu ngân sách của các doanh nghiệp trong KCN đạt 4.650 tỷ đồng (chiếm 49,1% ngân sách toàn tỉnh). Một số doanh nghiệp có số đóng ngân sách lớn như: Công ty Honda Việt Nam nộp ngân sách nhà nước 2.274 tỷ đồng, chiếm 49% tổng thu ngân sách toàn KCN; Công ty Number One 130 tỷ đồng, Công ty TNHH YKK 78 tỷ đồng, Công ty Finetek130 tỷ đồng, Công ty FrieslandCampina 60 tỷ đồng...
Sản xuất công nghiệp ổn định, chỉ số lao động tháng 9 tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ; trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8%. Tính chung từ đầu năm đến nay, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,3%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,2%.
Khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2022 đề ra, hiện nay tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung xây dựng, khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, công nghệ cao theo đúng định hướng.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy, thời gian qua, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các KCN đồng bộ, hiện đại tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư. Nhờ vậy các KCN của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Minh chứng là diện tích đất công nghiệp ở các KCN đã nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư. Hiện nay, KCN Đồng Văn I đã lấp đầy 100% diện tích; KCN Đồng Văn II đạt tỷ lệ lấp đầy 96,07%; KCN Đồng Văn IV đạt 95,27%; KCN Châu Sơn đạt 88,19%; KCN Hòa Mạc đạt 87,50%; KCN Hỗ trợ Đồng Văn III đã triển khai đầu tư hạ tầng trên diện tích 300ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp là 227,7 ha và đã cho thuê 147,79 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 64,9%.
Trong bối cảnh các KCN trên địa bàn tỉnh đã được lấp đầy và cơ bản đã hết diện tích đất thuê, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương, Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ động chuẩn bị quỹ đất để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư mới. Tại KCN Thái Hà (giai đoạn I) có diện tích 100 ha, trong đó, đất công nghiệp là 72,5 ha, hiện nay chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng (GPMB) xong và đầu tư cơ bản đồng bộ hạ tầng khung, trạm xử lý nước thải đã xây dựng hoàn thiện. Ông Ngô Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư KCN và Đô thị Thái Hà cho biết: KCN Thái Hà nằm trên trục đường vành đai 5 thủ đô qua 8 tỉnh, gần các sân bay, cảng thủy nội địa, quốc tế và trong khu vực có nguồn lao động dồi dào rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Hiện nay, hạ tầng KCN Thái Hà đã xây dựng hoàn thiện 97%. Các dịch vụ phục vụ sản xuất của doanh nghiệp như điện, cấp nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải đã được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ sẵn sàng chào đón nhà đầu tư.
Ở KCN Thanh Liêm, đối với phần diện tích 150 ha được nâng cấp từ Cụm Công nghiệp (CCN) Kiện Khê chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng khung, trong đó đất công nghiệp là 98,6 ha. Đối với diện tích 143 ha giai đoạn II, chủ đầu tư GPMB và đầu tư hạ tầng khung khoảng 135 ha, đã xây dựng xong trạm xử lý nước thải và đang đưa vào vận hành thử nghiệm. Đối với diện tích mở rộng 150 ha KCN Đồng Văn I đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 27/5/2022, hiện nay, chủ đầu tư đã GPMB được 99,2 ha, đang tiến hành san lấp và đầu tư hạ tầng.
Hiện nay, hạ tầng các KCN đã từng bước được đầu tư mở rộng, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư. Các KCN mới, mở rộng đã đẩy nhanh công tác GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng có đất sạch giao cho nhà đầu tư. Quá trình xây dựng tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ưu tiên bố trí quỹ đất, mặt bằng sạch trong các khu, CCN để thu hút và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; đồng thời tăng cường quản lý quỹ đất phát triển công nghiệp gắn với nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất công nghiệp để thu hút, phát triển các ngành công nghiệp theo đúng định hướng.
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Cùng với đôn đốc các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đẩy nhanh công tác GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng để có đất sạch giao cho nhà đầu tư thứ cấp, ban phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường hỗ trợ các công ty kinh doanh hạ tầng giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB KCN, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm tạo mặt bằng sẵn có để tiếp nhận dự án đầu tư.
Để đón làn sóng đầu tư mới, hiện nay tỉnh đã hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các khu công nghệ cao, KCN mới. Cụ thể, tỉnh giữ nguyên diện tích đối với 8 KCN hiện trạng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 469/TTg-CN ngày 03/4/2017 là 2.534 ha. Giai đoạn 2021- 2030, thành lập mới 10 KCN với quy mô tổng diện tích khoảng 2.111ha gồm: 2.093 ha đất KCN phát triển mới và 18 ha đất mở rộng KCN Đồng Văn II chuyển sang KCN Bình Lục (giai đoạn 1), tuân thủ theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời kỳ quy hoạch, trên cơ sở dư địa đất để phát triển các KCN, nghiên cứu mở rộng, bổ sung các KCN tiềm năng khi có điều kiện. Đối với các CCN, trong số 15 CCN hiện trạng, giữ nguyên diện tích 13 CCN, 1 CCN mở rộng diện tích, 01 CCN rút khỏi phương án phát triển; theo đó, tổng diện tích các CCN hiện trạng là 390,21 ha. Giai đoạn 2021-2030, thành lập mới 15 CCN với tổng diện tích là 874,74 ha.
Như vậy, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 29 CCN với tổng diện tích khoảng 1.264,95 ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hình thành và phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam với trọng tâm ưu tiên phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử - bán dẫn, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Định hướng phát triển các KCN theo nhu cầu thực tế trong thời kỳ quy hoạch khi có điều kiện được chỉnh sửa, bổ sung và xem xét điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2026-2030) nhằm tạo mặt bằng, mở rộng quỹ đất, thu hút đầu tư phát triển các KCN, CCN để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao.
Nhất quán chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, các cấp chính quyền của tỉnh luôn quan tâm, tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Cụ thể, duy trì thực hiện hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư trên cơ sở kế thừa và có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói chính sách, tăng cường xúc tiến thương mại với các đối tác trong và ngoài nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi nhanh trong bối cảnh bình thường mới.
Khắc phục tình trạng ngập úng khi có mưa to kéo dài, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thành lập Ban phòng chống thiên tai và chỉ đạo các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng định kỳ kiểm tra, duy tu, sửa chữa, nạo vét cống rãnh, kênh mương bảo đảm tiêu thoát nước hiệu quả; phối hợp với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hà Nam thực hiện bơm nước đệm trước khi trời mưa và triển khai các giải pháp xử lý khi xảy ra ngập úng một cách nhanh nhất. Hiện KCN Đồng Văn II đã đầu tư hệ thống tiêu thoát nước nội khu (kênh nội bộ, trạm bơm) với tổng công suất trạm bơm 25.000m3/h, cơ bản đáp ứng tiêu thoát nước khi trời mưa to.
Ông Ngô Trung Hiếu, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch xây dựng, Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Để khắc phục tình trạng ngập úng khi có mưa lớn kéo dài xảy ra, Ban Quản lý các KCN đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh tiêu thoát nước và các trạm bơm đầu mối trong khu vực. Ngày 08/11/2022, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3007/UBND-NNTNMT về việc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo kênh A4-8 đoạn từ cầu vượt Đồng Văn đến trạm bơm Hoành Uyển, kênh A4-6, kênh A4-8-29 bảo đảm tiêu thoát nước cho KCN Đồng Văn I, Đồng Văn II, khu dân cư và phục vụ sản xuất nông nghiệp thị xã Duy Tiên và giao cho Ban Quản lý các KCN làm chủ đầu tư dự án. Khi dự án hoàn thành cơ bản sẽ giải quyết tình trạng ngập lụt khi có mưa to, kéo dài tại KCN Đồng Văn I, KCN Đồng Văn II. Ngoài ra ban tích cực phối hợp, đôn đốc các đơn vị có liên quan sớm đưa dự án đầu tư xây dựng 02 trạm bơm đầu mối (Thịnh Châu, Ngòi Ruột) đi vào sử dụng, bảo đảm tiêu thoát nước, tránh ngập úng KCN Châu Sơn khi trời mưa to kéo dài.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang tổ chức khai thác 06 tuyến xe buýt liên tỉnh. Một số tuyến xe buýt có lộ trình đi qua các KCN tạo thuận lợi cho công nhân đi lại, giảm chi phí và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ngoài phương tiện vận tải công cộng, thời gian qua, ở các KCN đã hình thành nhiều tuyến xe chuyên phục vụ công nhân, người lao động bằng hình thức hợp đồng theo ca làm việc. Để hỗ trợ công nhân đi lại thuận tiện và các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tuyển dụng lao động, Ban Quản lý các KCN đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải khảo sát, lập Đề án đầu tư xây dựng tuyến xe buýt trợ giá cho công nhân đang làm việc trong các KCN. Hiện nay, đề án đang trong quá trình hoàn chỉnh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Trên đây chỉ là 2 trong số các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp được các cấp, ngành quan tâm giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Bởi có nhiều doanh nghiệp trong KCN cho rằng, ngập úng khi có mưa to kéo dài gây khó khăn cho việc di chuyển của công nhân và ảnh hưởng tới việc xuất, nhập khẩu hàng hóa; hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, người lao động gặp khó khăn khi di chuyển từ nơi xa đến công ty.
Cùng với khắc phục ý kiến, kiến nghị trên, các khó khăn về: Tuyển dụng lao động; tài chính, nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; hạ tầng kỹ thuật; giải quyết thủ tục hành chính; lưu trú của người nước ngoài… đã và đang được UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng giải quyết dứt điểm.
Ông Đỗ Hoàng Hải, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Đồng hành tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức cụ thể, hiệu quả; nghiên cứu khởi động chương trình “Cà phê doanh nhân” để thống nhất quan điểm, giải quyết nhanh, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; kịp thời chia sẻ thông tin về kinh tế - xã hội, các chính sách mới. Đồng thời, lắng nghe ý kiến góp ý của doanh nghiệp về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, chia sẻ với nhau.
Cùng với việc thực hiện tốt công tác cải thiện chỉ số PAPI, SIPAS, PCI, Par Index, tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối toàn cầu, tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa quảng bá, kết nối, tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng phục vụ sản xuất và kinh doanh. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu, ban hành các chính sách giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong trạng thái bình thường mới. Cụ thể, ban hành các gói vay với lãi suất ưu đãi theo từng cấp độ doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, bao gồm: Gói mức nhỏ và vừa, có thời gian hoàn trả dài cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thiệt hại nặng nề nhất trong thời gian dịch bệnh (các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lưu trú, vận tải…) nhằm duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp; gói vay lớn, nhanh, thời gian hoàn trả ngắn cho các doanh nghiệp sản xuất lớn, đang gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao hoặc thiếu nguồn lao động để giúp doanh nghiệp có ngay vốn lưu động để phục vụ việc trả lương, tuyển dụng lao động, thanh toán nguyên vật liệu…
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tỉnh cũng giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KCN và các đơn vị liên quan thu hút doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao về đầu tư tại Hà Nam để tạo động lực và những chuỗi phát triển, giúp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển ổn định, bền vững; khẩn trương xây dựng Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; nâng cao năng lực khởi nghiệp cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, triển khai các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh; thực hiện đầy đủ các cam kết của tỉnh…
Nội dung: Tiến Đoàn
Ảnh: Tiến Đoàn
Thiết kế: Quốc Khánh
www.baohanam.com.vn