Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng phức tạp, khó lường. Hà Nam chịu tác động trực tiếp từ lũ trên các tuyến sông lớn, nhất là sông Đáy lũ hằng năm đều lên trên báo động 2 đến báo động 3. Bên cạnh đó, thời gian qua, những trận mưa có cường độ lớn, trong thời gian ngắn (kể cả trái mùa) lên đến trên 200 mm xuất hiện với mật độ dày gây ngập úng cục bộ cho một số khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp và nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp… Vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong mùa mưa, bão, lũ.
Hà Nam tuy nằm sâu trong đất liền nhưng thường xuyên chịu nhiều hình thái thiên tai xảy ra. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số hiện tượng thiên tai nguy hiểm. Điển hình, cuối tháng 10 năm 2017 xảy ra mưa lớn diện rộng trên toàn miền Bắc, lượng mưa đo được đạt kỷ lục trên 600 mm trong cả đợt; năm 2022, lượng mưa cả năm bằng 150% trung bình nhiều năm; mùa mưa, bão, lũ năm 2023 đợt mưa lớn trên diện rộng kéo dài từ ngày 25 – 29/9 có lượng mưa từ 366 – 395,6 mm… Sau các đợt mưa lớn, lũ trên các sông thường lên cao. Liên tiếp những năm gần đây, lũ tại sông Đáy đều lên trên báo động 2 đến báo động 3, cao nhất vào đợt mưa lớn năm 2017 vượt báo động 3 đến 60 cm (vượt mức lũ lịch sử).
Mưa, lũ và tác động của các hình thái thiên tai đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. Nhiều đợt mưa lớn xảy ra đúng giai đoạn quan trọng trong quá trình lao động sản xuất đã làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Cụ thể, với cây lúa, có những đợt mưa gây ngập úng ảnh hưởng đến lúa mới cấy dẫn đến phải gieo cấy lại làm tăng chi phí, chậm thời vụ. Với diện tích lúa chuẩn bị cho thu hoạch mưa lớn gây ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất.
Điển hình, đợt mưa lớn năm 2017 đúng vào thời điểm lúa mùa chuẩn bị thu hoạch, hàng nghìn ha lúa của các địa phương bị ngập sâu. Khi đó, lực lượng quân đội, công an được huy động hỗ trợ thu hoạch lúa cho người dân. Tuy nhiên, nhiều diện tích do bị ngâm lâu trong nước làm hạt thóc nảy mầm (chỉ sử dụng được làm thức ăn cho cá, gia súc), thiệt hại 70 – 80% năng suất, giá trị. Với vụ đông, có trận mưa lớn gây ngập úng đã làm thiệt hại 50 – 60% diện tích, trong đó có cả diện tích cây trồng đang cho thu hoạch.
Mưa lớn gây ngập úng tại các khu đô thị làm xáo trộn sinh hoạt, đi lại của người dân. Với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, mưa lớn gây ngập úng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ngay cả các doanh nghiệp thủy lợi cũng bị ảnh hưởng do chi phí tiền điện tiêu úng tăng cao. Năm 2022, lượng mưa trên địa bàn gấp 1,5 lần trung bình nhiều năm dẫn đến chi phí tiêu úng tăng cao. Chỉ tính riêng địa bàn huyện Kim Bảng và thị xã Duy Tiên, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam thâm hụt 13 tỷ đồng từ tiền bơm tiêu cho các khu công nghiệp, đô thị.
Lũ trên các sông lên cao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống người dân và diện tích sản xuất ven sông. Năm 2017, lũ trên sông Đáy lên cao gây ngập úng toàn bộ các khu dân cư phía ngoài sông. Với sông Châu, lũ lên đã làm vỡ nhiều điểm tại tuyến đê bối Đinh Xá (xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý) làm hàng trăm hộ dân trong vùng bị ngập, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và thiệt hại một phần tài sản của nhân dân (do bị ngâm trong nước).
Gần nhất, ngày 1/1/2023 tuyến đê bối sông Nhuệ, thuộc địa bàn Thôn 3 (đoạn đường Nguyễn Thiện, phía bắc cầu Phù Vân, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý) xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng. Có 7 hộ trực tiếp bị ảnh hưởng, trong đó 5 hộ bị sạt lở toàn bộ các công trình phụ, vị trí sạt lở vào phần móng của các công trình nhà ở, 2 hộ liền kề bị lún nứt có nguy cơ sạt trượt. Chiều dài sạt lở khoảng 41 m, rộng 7 m, đoạn gần nhất cách mặt đường Nguyễn Thiện khoảng 7 m. Rất may, sự cố không gây thiệt hại về người, nhưng những hộ có công trình bị sạt lở thiệt hại khá lớn về kinh tế.
Ông Vũ Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) cho biết: Có thể thấy, thiên tai tác động không nhỏ đến đời sống của người dân và các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn. Do vậy, cần thiết phải chủ động triển khai các biện pháp chuẩn bị kịp thời ứng phó khi xảy ra mưa, bão, lũ và các hình thái thiên tai cực đoan khác.
Theo ông Khương Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, để thực hiện tốt việc ứng phó với thiên tai, tỉnh luôn xác định nhiệm vụ phòng là trọng tâm số một. Trong đó, chú trọng đến nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống các công trình đê điều, thủy lợi. Đồng thời chủ động trong công tác chuẩn bị, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Hiện, hệ thống đê điều của tỉnh có tổng chiều dài gần 281 km. Trong đó, đê từ cấp III trở lên có tổng chiều dài 112,489 km, gồm: Đê hữu Hồng (cấp I) chiều dài 38,973 km, đê tả Đáy (đê cấp III) dài 73,516 km; đê dưới cấp III có tổng chiều dài 168,505 km (đê sông Nhuệ, đê Hoành Uyển, đê sông Châu, đê sông Duy Tiên). Do yêu cầu của công tác PCTT, những năm gần đây, hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư tu bổ, nâng cấp. Điển hình, chiều dài tuyến đê hữu Hồng cơ bản đã được đầu tư cứng hóa bằng bê tông, láng nhựa và asphalt nhựa, với bề rộng 5 – 6 m. Cùng với đó, các địa phương tăng cường xử lý, giải tỏa các vi phạm hành lang bảo vệ đê.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng các tuyến đê trên địa bàn vẫn còn nhiều khuyết tật, mặt cắt chưa hoàn thiện đủ, mái đê dốc, một số đoạn đê sát sông, chưa có cơ và ao hồ sát chân đê; hệ thống mỏ kè chưa đủ số lượng, nhiều mỏ thiếu chiều dài, còn nhiều vị trí bị sạt lở. Trên đê tả Đáy đã xảy ra một số sự cố nứt, sạt trượt thân, mái cơ đê nhưng đã và đang được xử lý. Như vậy, nguy cơ xảy ra sự cố trên hệ thống đê điều rất lớn nếu gặp tổ hợp bão, lũ và mưa lớn hoặc mưa lớn kết hợp lũ cao trên các sông.
Về hệ thống công trình thủy lợi, trên địa bàn tỉnh hiện có 52 trạm bơm, với 272 máy bơm công suất từ 1.000 – 27.000 m3/h do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Hà Nam quản lý; 4 trạm bơm, có 37 máy bơm công suất từ 1.000 – 4.000 m3/h do Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị quản lý; 5 trạm bơm, với 32 máy bơm công suất từ 4.000 – 30.600 m3/h do Công ty KTCTTL Bắc Nam Hà (Bộ NN&PTNT) quản lý. Đồng thời, các HTX dịch vụ nông nghiệp, tổ hợp tác quản lý, vận hành 390 trạm bơm nhỏ và vừa nội đồng. Toàn tỉnh có 4.000 km kênh mương tưới, tiêu các loại, 1.700 cống, đập, xi phông, cầu máng.
Các công trình thủy lợi trước đây phục vụ chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp chỉ đòi hỏi hệ số tiêu từ 4,5 – 6,5 l/s/ha. Hiện nay, tỉnh ta đang phát triển mạnh theo hướng công nghiệp và phát triển đô thị nên yêu cầu năng lực tiêu úng được nâng lên gấp 3 lần, đạt 18 l/s/ha. Xu hướng thời gian tới tiêu cho sản xuất nông nghiệp đạt 7 – 8 l/s/ha, cho công nghiệp và đô thị 22 l/s/ha. Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, những năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi. Trong đó, nhiều tuyến kênh chính được kiên cố hóa, nạo vét… Các trạm bơm đầu mối cơ bản được nâng cấp, xây dựng đáp ứng năng lực phục vụ. Các trạm bơm tiêu đều được nâng công suất với hệ thống máy móc hiện đại, như: Trạm bơm Triệu Xá, Kinh Thanh II, trạm bơm Thịnh Châu, trạm bơm Ngòi Ruột (tiêu nước chính cho Khu Công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý), Quế II… Để tiêu nước cho các Khu Công nghiệp Đồng Văn (I, II, III) tỉnh đã đầu tư xây dựng mới trạm bơm Hoành Uyển II, Bùi I, Bùi II, đều có công suất gấp khoảng 2,5 - 3 lần trước đây. Hệ thống kênh dẫn tiêu thoát nước nội khu trong các Khu công nghiệp cũng được đầu tư xây dựng kiên cố, nạo vét bảo đảm năng lực phục vụ…
Theo ông Trương Đức Thiện, Trưởng phòng quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam, năng lực phục vụ của hệ thống thủy lợi hiện nay đã được nâng lên rất nhiều, nhất là các công trình đầu mối (trạm bơm). Với sản xuất nông nghiệp, đơn vị bảo đảm tiêu nước tốt khi lượng mưa khoảng 150 mm trong thời gian 3 ngày. Riêng các khu công nghiệp khi có mưa lớn xảy ra, đơn vị sẽ phục vụ mức cao nhất có thể, cố gắng hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp…
Để bảo đảm nhiệm vụ PCTT, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh luôn nỗ lực thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” giúp chủ động ứng phó khi có bão, lũ, mưa úng và các sự cố khác xảy ra. Các cấp kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Từ 1/7/2024, Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực, các cấp thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định kịp thời đáp ứng nhiệm vụ đề ra; xây dựng kế hoạch, phương án PCTT theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kiến thức cộng đồng về PCTT; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực của lực lượng làm công tác PCTT các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều… Đặc biệt, các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư để có thể ứng phó ngay giờ đầu khi có sự cố thiên tai xảy ra.
Mục tiêu đặt ra trong công tác PCTT của tỉnh là bảo đảm giữ an toàn hệ thống đê điều, tuyến đê hữu Hồng, tả Đáy ở mức thiết kế quy định, phấn đấu giữ được mực nước lũ cao hơn; bảo đảm tưới, tiêu cho hơn 65 nghìn ha diện tích các vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong năm; không để ngập úng cho các khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dân sinh.
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh xác định rõ nhiệm vụ cụ thể từng lĩnh vực, đối tượng; từ đó chủ động, lường trước những sự cố có thể xảy ra. Ngay khi chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão, lũ, các cấp, ngành chức năng đã tiến hành đánh giá lại toàn bộ năng lực phục vụ của các công trình đê điều, thủy lợi bảo đảm hoạt động tốt nhất. Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và các trọng điểm trong PCTT.
Trong mùa mưa bão năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xác định được 3 trọng điểm PCTT cấp tỉnh, gồm: Cống Mộc Nam tại K123+050 đê hữu Hồng thuộc địa phận xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên); cụm công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang tại K129+420 – K129+530 đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Nguyên Lý (Lý Nhân) và Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên); đoạn đê xung yếu từ K117+810 – K129+000 đê tả Đáy, huyện Thanh Liêm. Ngoài ra, có 7 trọng điểm PCTT cấp huyện được xác định. Những trọng điểm này đều được giả định xây dựng các tình huống có thể xảy ra theo hiện trạng công trình để có biện pháp chủ động ứng phó.
Trọng điểm Cụm công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang tại K129+420 – K129+530 đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Nguyên Lý (Lý Nhân) và Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) được xác định tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra sự cố. Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm cụm công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang.
Theo đó, trọng điểm được giả định 2 tình huống: Tình huống 1, các cửa cống, âu bị sự cố đóng không hết do vật cản hoặc cánh cửa cống bị kênh; tình huống 2, khi có lũ, chênh lệch mực nước thượng, hạ lưu lớn, hạ lưu xuất hiện đùn, sủi mạnh hoặc khi có lũ cao trên báo động III, vượt tần suất thiết kế, cống xảy ra tổ hợp nhiều sự cố, cống, âu thuyền có nguy cơ mất an toàn. Để chủ động ứng phó với các tình huống đặt ra, các biện pháp xử lý cũng được xây dựng tương ứng.
Trong tình huống 2 tiến hành đắp đập ngang thượng lưu cống và tiếp tục đánh giá để đưa ra phương án xử lý triệt để, bảo đảm an toàn cho công trình. Trọng điểm được chuẩn bị đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ”, giao cho đơn vị quản lý, vận hành công trình (Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam) và các địa phương có công trình (huyện Lý Nhân và thị xã Duy Tiên) bố trí nhân lực, phương tiện, vật tư.
Bên cạnh đó, việc chống úng cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong PCTT. Với các công trình thủy lợi trong vùng (trạm bơm, cống, kênh mương) phải bảo đảm sẵn sàng hoạt động ở mức cao nhất. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam đã xây dựng phương án PCTT cho các khu công nghiệp. Tại Khu Công nghiệp Đồng Văn I và II thường xuyên bị ngập cục bộ khi có lượng mưa từ 100mm trở lên trong thời gian ngắn, toàn bộ hệ thống kênh mương nội khu được nạo vét, khơi thông dòng chảy. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi phục vụ khu công nghiệp. Đồng thời, có phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Ông Trịnh Thế Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão, lũ, đơn vị đã kiểm tra, rà soát, đánh giá lại toàn bộ những công trình tiêu thoát nước trong các khu công nghiệp bảo đảm năng lực phục vụ tốt nhất. Ban đã xây dựng và có phương án tiêu nước cục bộ trong nội khu ra các tuyến kênh chính.
Mùa mưa, bão, lũ năm nay đã bắt đầu và được dự báo tiếp tục có những diễn biến bất thuận. Việc chủ động triển khai những biện pháp ứng phó phù hợp trong PCTT giúp bảo đảm an toàn cho hệ thống các công trình đê điều, thủy lợi. Qua đó, góp phần bảo đảm an toàn đời sống, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện: Mạnh Hùng
Thiết kế: Đức Huy
www.baohanam.com.vn