Thời gian gần đây, tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) liên quan đến lứa tuổi học sinh diễn biến khá phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT). Đáng chú ý, một bộ phận phụ huynh, học sinh không chấp hành nghiêm các quy định về ATGT khi điều khiển phương tiện. Để phòng ngừa TNGT trong lứa tuổi học sinh, cần hơn nữa sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông cho các em.
Ngày 22/3/2024, tại đoạn gầm cầu Nút giao Vực Vòng trên tuyến quốc lộ 38 (thuộc phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên) xảy ra vụ TNGT giữa xe mô tô biển kiểm soát (BKS) 89B-239.xxx do anh H.V.T (trú tại Kim Động, Hưng Yên) điều khiển di chuyển theo hướng Hòa Mạc - Đồng Văn va chạm với xe máy điện (XMĐ) 90M1-962xx do cháu N.V.H (sinh năm 2008, trú tại Tiên Ngoại, Duy Tiên) điều khiển theo hướng ngược lại. Hậu quả, anh H.V.T và cháu N.V.H bị thương nặng, phải vào bệnh viện điều trị. Nguyên nhân được xác định là do cháu N.V.H điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường.
Mới đây, ngày 16/4/2024, tại ngã tư Dốc Mỹ trên tuyến đường bộ nối hai cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình với Hà Nội-Hải Phòng (thuộc địa phận xã Tràng An, Bình Lục) xảy ra vụ va chạm giao thông giữa xe ô tô BKS 34B-834xx do anh L.V.P (trú tại Thanh Miện, Hải Dương) điều khiển với xe mô tô (XMT) BKS 90AB- 319xxx do 2 cháu học sinh một trường THPT trên địa bàn là N.T.V, Đ.T.H (trú tại Bình Nghĩa, Bình Lục). Hậu quả 2 cháu học sinh bị thương, phải vào bệnh viện điều trị. Nguyên nhân được xác định là do 2 học sinh chở nhau trên chiếc xe 49cm3 không chấp hành quy định về đèn tín hiệu giao thông, vượt đèn đỏ, dẫn tới va chạm với xe ô tô đang lưu thông trên đường. Đây chỉ là 2 trong hàng chục vụ TNGT xảy ra từ đầu năm đến nay, cho thấy nguy cơ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến học sinh trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 3 nghìn thanh, thiếu niên, trong đó không ít học sinh, sinh viên tử vong do TNGT, chiếm khoảng 40% tổng số vụ TNGT trên cả nước. Bộ Công an cũng đưa ra số liệu thống kê về các vụ liên quan đến học sinh (16-18 tuổi). Theo đó, năm 2023 cả nước xảy ra 881 vụ TNGT liên quan đến học sinh, làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội. Điều đáng lo ngại hơn, quý I/2024, tình hình TNGT liên quan đến học sinh vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Tại Hà Nam, từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 38 vụ TNGT liên quan đến học sinh, làm chết 6 em, 45 em bị thương; riêng 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xảy ra 11 vụ TNGT làm 14 em bị thương và một số vụ va chạm gây thương tích ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 618 trường hợp, phạt tiền trên 250 triệu đồng.
Kết quả phân tích nguyên nhân dẫn đến TNGT liên quan đến học sinh cho thấy: tai nạn xảy ra chủ yếu là do các em thiếu quan sát, không nhường đường khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, một số em thiếu ý thức và thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) nên dẫn đến tai nạn, va chạm. Mặt khác, cơ sở hạ tầng tại một số địa phương còn hạn chế (thiếu biển báo, thiếu đèn tín hiệu giao thông, gờ giảm tốc…), tạo nên những “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” nguy cơ xảy ra TNGT. Các hành vi vi phạm ATGT đối với lứa tuổi học sinh thường xảy ra phổ biến, như: chưa đủ tuổi điều khiển XMT, xe gắn máy (XGM), XMĐ, không có giấy phép lái xe (GPLX), không đội mũ bảo hiểm (MBH); đi dàn hàng ngang, chở người vượt quá số lượng cho phép. Đáng chú ý có nhiều học sinh tụ tập phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, rú ga, nẹt pô, độ chế xe. Từ năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 12 vụ thanh thiếu niên, học sinh tụ tập gây rối trật tự công cộng (TTCC); trong đó, điều tra, khởi tố 9 vụ, 126 đối tượng.
Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, nhận thức pháp luật của một bộ phận học sinh còn hạn chế nhưng chưa được gia đình, nhà trường, đoàn thể quan tâm giáo dục; chưa tổ chức các hoạt động thiết thực tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để thu hút, lôi cuốn đoàn viên tham gia. Điều lo lắng hơn, còn nhiều phụ huynh nuông chiều con cái, giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện, cho rằng vì nhà xa, đi lại khó khăn, công việc bận không thể đưa đón con đi học nên mua xe, giao xe cho con, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Bên cạnh đó, việc tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT của một số sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp còn hạn chế, đôi khi giao phó cho lực lượng công an và ngành giao thông vận tải.
Trước những diễn biến phức tạp về TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, Ủy ban ATGT quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện những giải pháp cấp bách để bảo đảm TTATGT. Theo đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng, huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, ký cam kết giữa học sinh, nhà trường, cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT, đẩy mạnh tuần tra, xử lý vi phạm đối với học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên sử dụng XMT XGM, XMĐ. Nâng cao trách nhiệm của nhà trường, ngành giáo dục, lực lượng công an, đặc biệt đối với lực lượng công an cấp cơ sở và cả hệ thống chính trị. Chỉ đạo tổng rà soát những điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT tại các cổng trường học, điểm dừng đỗ, đưa đón học sinh, xe đưa đón học sinh. Xử lý triệt để những điểm bán hàng, bãi đỗ xe… gây mất ATGT tại các cổng trường học. Bên cạnh đó, tuyên truyền, khuyến cáo phụ huynh học sinh mua, sử dụng loại xe cho con em đến trường bảo đảm đúng quy định. Công an các địa phương tăng cường xử lý nghiêm đối với phụ huynh học sinh khi giao xe cho con đến trường không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, nếu đủ điều kiện phải xử lý bằng pháp luật hình sự để răn đe, phòng ngừa chung.
Tình hình vi phạm TTATGT liên quan đến học sinh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT. Để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ TNGT liên quan đến học sinh cần phải có sự quyết liệt, cùng sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành, lực lượng chức năng. Theo đó, các cấp, ngành, lực lượng chức năng cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế tốc độ gia tăng phương tiện giao thông hiện nay. Với Sở Giáo dục và Đào tạo, cần ban hành văn bản quy định thống nhất, phù hợp về việc xử lý học sinh vi phạm trong lĩnh vực này, qua đó giúp các nhà trường có thêm cơ sở pháp lý đồng bộ trong thực hiện công tác quản lý, xử lý vi phạm; tiếp tục phối hợp với ngành chức năng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ huynh, giáo viên, học sinh trong việc chủ động, tự giác phòng, tránh TNGT.Lực lượng công an tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục, các nhà trường đẩy mạnh TTPBGDPL về TTATGT; hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với học sinh vi phạm điều khiển XMT, XGM, XMĐ khi chưa đủ điều kiện, chưa có GPLX, không đội MBH, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, tụ tập gây rối TTCC. Đặc biệt, chú trọng duy trì, trao đổi thông tin về vi phạm TTATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường, từ nhà trường tới gia đình để cùng quản lý, giáo dục, nhằm phát huy tính hiệu quả cao nhất trong bảo đảm TTATGT đối với học sinh.
Bên cạnh công tác quản lý của nhà trường và những biện pháp xử lý đồng bộ, kiên quyết từ lực lượng chức năng, điều quan trọng nhất là mỗi phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giao thông, đặc biệt là phụ huynh không giao XMT, XGM khi các em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và cơ quan chức năng là giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông đối với các em học sinh, góp phần giảm thiểu TNGT.
Thực hiện: Trần Ích
Thiết kế: Đức Huy
www.baohanam.com.vn