Những năm qua, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công (NCC) luôn được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể người dân quan tâm đầy đủ, toàn diện. Qua đó, giúp NCC, gia đình chính sách (GĐCS) ngày càng có cuộc sống tốt hơn. Việc quan tâm đến NCC, GĐCS, lan tỏa sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái trong cộng đồng.
Những ngày tháng 7 này, cũng như bao địa phương khác, tại xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên diễn ra nhiều hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ 27/7.
Bà Chu Thị Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" luôn được địa phương quan tâm, nhất là vào dịp lễ, Tết, 27/7. Năm nay, hiện tại địa phương đã tổ chức trao quà của Trung ương, của tỉnh, thị xã cho 327 NCC, GĐCS trên địa bàn. Dù ngân sách còn mức độ nhưng xã Chuyên Ngoại đã vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" và tặng quà nhân dịp này với mức từ 100-500 nghìn đồng/NCC, GĐCS.
Đoàn thanh niên xã tổ chức dọn vệ sinh nghĩa trang liệt sỹ và chuẩn bị tổ chức thắp nến tri ân vào tối 26/7, đồng thời phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức bữa cơm tri ân ấm áp nghĩa tình tại một gia đình NCC. Cũng theo bà Điệp, hiện các GĐCS ở địa phương không còn hộ nào thuộc diện hộ nghèo.
Về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng những ngày này thấy rõ không khí nhộn nhịp, vui tươi. Đồng chí Phạm Ngọc Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết, mỗi dịp lễ, Tết hay ngày 27/7 Trung tâm luôn đón nhiều đoàn đến thăm, tặng quà và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, mang đến một không khí vui tươi, phấn khởi, đầm ấm cho các thương, bệnh binh (TBB) đang được chăm sóc tại đây.
Năm nay, ngay từ đầu tháng 7, đã có các đoàn của các công ty, doanh nghiệp, nhóm từ thiện đến thăm, tặng quà, động viên các TBB. Đoàn thanh niên Học viện Kỹ thuật Mật mã với 20 sinh viên đã về trung tâm tổ chức các hoạt động tình nguyện. Trong thời gian ở đây các bạn trẻ đã dọn vệ sinh, cùng cán bộ, nhân viên trung tâm chăm sóc, trò chuyện với các TBB. Cán bộ, nhân viên và các TBB tại đơn vị còn được đón Đoàn Kịch nói Quân đội về biểu diễn. Một nhóm thiện nguyện ở Hà Nội về trung tâm tặng quà, đồ dùng sinh hoạt cho các TBB, đồng thời mời 2 diễn viên về biểu diễn cho các TBB xem.
Và vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 do Thiếu tướng Bùi Công Chức, Phó Chính ủy Quân khu 3 làm trưởng đoàn và Đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh do đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã tới thăm, tặng quà các TBB, cán bộ, nhân viên trung tâm. Đồng chí Phạm Ngọc Thắng chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp 27/7 Trung tâm như có hội. Các TBB vô cùng vui vẻ, phấn khởi khi nhận được sự quan tâm mọi mặt về vật chất, tinh thần của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Từ nhiều năm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động sâu rộng các cấp hội và hội viên hưởng ứng tích cực phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Ngoài nhận phụng dưỡng một Mẹ Việt Nam Anh hùng, năm nào Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng tổ chức thăm, tặng quà một số GĐCS nhân dịp 27/7.
Chăm sóc sức khỏe cho NCC, GĐCS là một nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy thế mạnh chuyên môn, năm nào các cơ sở y tế trong tỉnh cũng tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí tại cơ sở cho các GĐCS, NCC chính sách. Ngày thứ 7 (20/7) vừa qua, dù là ngày nghỉ nhưng 24 y, bác sỹ, nhân viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã dành thời gian để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho khoảng 200 NCC, GĐCS của phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý. Khi nghe tin có Đoàn cán bộ, y, bác sỹ của bệnh viện tỉnh về, NCC và các GĐCS đã đến rất đông. Đo huyết áp, khám tổng quát, siêu âm, điện tim,… các y, bác sỹ, nhân viên căng sức làm việc nhưng ai cũng cảm thấy vui bởi đã đóng góp sức mình tri ân người có công với nước.
Đã từ lâu phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" phát triển sâu rộng, được cả xã hội quan tâm, trở thành một nét văn hóa đẹp ở mỗi cơ quan, đơn vị, khu dân cư và người dân. NCC và thân nhân NCC được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và toàn thể người dân quan tâm chăm sóc toàn diện về vật chất, tinh thần bằng những việc làm đầy nghĩa tình, qua đó thể hiện văn hóa tri ân với những người, những gia đình đã có công với dân với nước.
Công tác huy động nguồn lực chăm sóc, ưu đãi NCC, việc xã hội hoá công tác chăm sóc NCC và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Qua đó đời sống của NCC được cải thiện. Giai đoạn 2022-2023, thông qua xã hội hóa, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã vận động, hỗ trợ xây mới 69 nhà tình nghĩa, sửa chữa 32 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 5,3 tỷ đồng; tặng 93 sổ tiết kiệm với kinh phí gần 347 triệu đồng. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh có 20.049 NCC và thân nhân NCC đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Các chế độ chính sách với NCC, thân nhân NCC theo quy định được thực hiện đầy đủ. Công tác chi trả trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng cho NCC và thân nhân NCC được thực hiện đúng, đủ, kịp thời bảo đảm theo quy định của Nhà nước. Việc cấp phát và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế bảo đảm quyền lợi NCC và thân nhân NCC khi đi khám, chữa bệnh.
Hằng năm cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch điều dưỡng và thực hiện việc rà soát, lập danh sách NCC điều dưỡng (tại gia đình và điều dưỡng tập trung) bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ. Năm 2022, tổng số NCC toàn tỉnh được điều dưỡng là 7.265 người. Năm 2023 số NCC được điều dưỡng là 8.088 người. NCC được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình theo quy định. Trong 2 năm: 2022, 2023 toàn tỉnh có 1.243 NCC được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng.
Việc thực hiện ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm đối với NCC và thân nhân NCC được quan tâm. Chế độ ưu đãi trong giáo dục cho học sinh, sinh viên con của NCC được triển khai kịp thời, bảo đảm quy định. Năm học 2021-2022, đã có 345 trường hợp, năm học 2022-2023 có 279 trường hợp học sinh, sinh viên là con NCC được hưởng ưu đãi. NCC, thân nhân thân nhân liệt sĩ khó khăn về nhà ở cũng được hỗ trợ cải thiện nhà ở. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách ưu đãi khác liên quan đến NCC trên địa bàn tỉnh được giải quyết đầy đủ, kịp thời.
Hằng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7, Quốc khánh 2/9, NCC và thân nhân NCC luôn được quan tâm thăm hỏi, tặng quà. Năm 2023 tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán của Chủ tịch nước cho 27.383 người với số tiền 8 tỷ 429,7 triệu đồng, quà của tỉnh cho 27.427 người với số tiền 16 tỷ 603,8 triệu đồng; tặng quà của Chủ tịch nước nhân dịp 76 năm ngày Thương binh- Liệt sỹ cho 26.967 người với tổng số tiền 8 tỷ 312,1 triệu đồng, quà của tỉnh cho 27.150 người với số tiền 16 tỷ 433,4 triệu đồng. Năm 2024, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Dần tặng quà của Chủ tịch nước cho 26.726 người với số tiền 8 tỷ 237,5 triệu đồng, quà của tỉnh cho 26.741 người với số tiền 16 tỷ 174,920 triệu đồng. Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ, UBND tỉnh đã duyệt tờ trình về việc tặng quà NCC với cách mạng, thân nhân NCC trên địa bàn tỉnh, các trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh trong, ngoài tỉnh với tổng kinh phí trên 16,4 tỷ đồng.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 01/2004/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế quản lý công trình ghi công liệt sỹ, mộ liệt sỹ trên địa bàn. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố thống nhất trong công tác quản lý công trình ghi công liệt sỹ và mộ liệt sỹ tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 111 nghĩa trang liệt sỹ với 13.117 mộ liệt sỹ, trong đó có 5.217 mộ chờ. Số công trình ghi công liệt sỹ có: 23 Đài tưởng niệm liệt sỹ, 4 đền thờ liệt sỹ, 30 nhà bia ghi tên liệt sỹ.
Được quan tâm, chăm lo mọi mặt, NCC, GĐCS phấn khởi, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Cựu chiến binh Trần Văn Tuynh (phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) chia sẻ, ông nhập ngũ tháng 4/1968, chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi, Quảng Trị và bị nhiễm chất độc da cam. Cuối năm 1974 ông xuất ngũ. Cả 3 người con của ông đều bị di chứng chất độc da cam, trong đó người con thứ 3 nặng nhất, hiện đã ngoài 40 tuổi nhưng bố mẹ vẫn phải chăm sóc. Với chế độ chính sách từ Nhà nước, sự quan tâm của địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, cuộc sống gia đình ông trước đây khó khăn nhưng giờ đã ổn định. Đáp lại sự quan tâm của các cấp, ngành, gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Ông cũng luôn giáo dục các con về truyền thống, những hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước để có cuộc sống bình yên hôm nay. Hai người con lớn của ông đã xây dựng gia đình riêng, chịu khó làm ăn, nuôi dạy các con nên người và luôn trân trọng, lan tỏa những tình cảm, việc làm thiết thực, sự quan tâm giúp đỡ của mọi người đã hỗ trợ gia đình ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Thái Nam, Chủ tịch UBND xã Vũ Bản, huyện Bình Lục cho biết, địa phương hiện có 365 NCC, GĐCS. Những năm qua với sự quan tâm chu đáo, toàn diện của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân, NCC, GĐCS rất phấn khởi, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Nhiều NCC, GĐCS được giúp đỡ vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, con em được hỗ trợ học tập. Rất nhiều con em NCC nhờ các chính sách ưu đãi trong giáo dục đã có điều kiện học lên cao và thành đạt. Điều đó thực sự mang lại niềm vui, hạnh phúc cho các gia đình cũng như địa phương. Nếu không có những ưu đãi đối với gia đình cũng như trong quá trình học tập chắc chắn các cháu khó có thể đạt được những thành quả tự hào như vậy.
Còn biết bao NCC, GĐCS được hỗ trợ về nhà ở, sinh kế làm ăn, phát triển kinh tế, hoặc được chăm sóc từ những điều nhỏ nhất. Ví dụ, từ mấy năm nay ở nhiều địa phương, Đoàn thanh niên không chỉ tu sửa, dọn vệ sinh ở nghĩa trang liệt sỹ, thắp nến tri ân, mà còn tổ chức đến các gia đình NCC neo đơn giúp đỡ dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa cơm tri ân và cùng ăn với gia đình. Việc làm ý nghĩa đầy tình cảm của các bạn trẻ khiến các thương, bệnh binh, GĐCS vô cùng cảm động.
Hoặc hoạt động tặng ảnh phục dựng chân dung liệt sỹ cho các gia đình liệt sỹ tại xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm gần đây cũng đã mang lại cảm xúc dâng trào cho biết bao thân nhân liệt sỹ. Những người cha, người con, anh, chị em của họ hy sinh không để lại một tấm ảnh, hoặc có thì bị ố, mờ bởi thời gian. Phát huy lợi thế thông thạo về công nghệ, các bạn trẻ đã làm một việc vô cùng ý nghĩa là phục dựng lại chân dung liệt sỹ từ lời miêu tả của người thân, từ các tấm ảnh cũ ố mờ, đã mang lại niềm vui, sự xúc động nghẹn ngào cho các thân nhân liệt sỹ.
Không chỉ với các GĐCS, ngay bản thân những NCC, TBB cũng luôn tích cực tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thiện Tỉnh (ở Phù Vân, Phủ Lý) dù tuổi cao nhưng nhiều năm nay vẫn bền bỉ trở lại chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội. Ông cũng vận động con cháu, họ hàng có những việc làm thiết thực hưởng ứng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Ông Tỉnh chia sẻ, rất cảm động khi nhận được sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân. Điều này đã tiếp thêm động lực để ông cũng như các đồng đội còn sống tiếp tục cống hiến, làm việc, làm thay cả phần những đồng đội đã ngã xuống.
Những điều tốt đẹp tiếp tục được nhân lên. Các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cộng đồng, xã hội đối với NCC, GĐCS, lan tỏa sâu rộng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã giúp NCC, GĐCS có cuộc sống tốt hơn, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp, lan tỏa mạnh mẽ những giá trị nhân ái trong cộng đồng.
Nội dung: Đỗ Hồng.
Ảnh: Nhóm PV
Thiết kế: Đức Huy
www.baohanam.com.vn