Chuyện vui lính đảo tăng gia

Ở những nơi có điều kiện khí hậu, địa hình đặc thù như quần đảo Trường Sa, chuyện tăng gia sản xuất vô cùng khó khăn, vất vả. Ấy vậy mà những vườn rau vẫn xanh tốt, giàn mướp, giàn bí, cây đu đủ trĩu quả, đàn lợn, đàn gà béo khỏe… và những chàng lính đảo ngày ngày vẫn có nhiều chuyện vui tăng gia để kể cho những vị khách đến thăm đảo.

Chăm sóc rau xanh trên đảo Nam Yết.

Nhân bánh chưng di động

Bữa cơm thường nhật của lính đảo Trường Sa có toàn đồ hộp (mà lính đảo gọi vui là “cá bọc thép”, “gà bọc thép”, “thịt heo 2 lát”…) thường gồm 2 món thịt, 1 món rau, 1 món canh. Ví dụ bữa ăn có thịt heo 2 lát đóng hộp, thịt hộp xào măng hộp, măng hộp luộc và canh từ nước luộc măng. Những năm gần đây, chủ trương đẩy mạnh tăng gia sản xuất cùng với sự kỳ công, nỗ lực, cần mẫn của chiến sĩ hải quân đã phần nào cải thiện đời sống, chất lượng bữa ăn. Giờ đây, bữa cơm lính đảo có thêm khẩu phần thịt tươi thay vì toàn thịt hộp, rau xanh thay vì măng, dứa, dưa hộp. Tết có thịt heo làm nhân bánh chưng và nhiều thức món tươi tươm tất. Bởi vậy, những chú heo trên đảo mà lính đảo gọi vui là “nhân bánh chưng di động” luôn được chăm sóc tỉ mẩn, cẩn trọng như chăm con mọn.

Thăm khu chăn nuôi heo trên đảo Sơn Ca, chúng tôi bắt gặp chiến sỹ Phạm Đức Hiền đang xắn tay với công việc tắm heo. Thấy có khách tới thăm, chiến sỹ Hiền hồ hởi khoe: “Mấy chú heo này vừa theo tàu lên đảo chiều qua, đi mươi ngày trên biển nên con nào con nấy lử đử cả, phải có chế độ chăm sóc đặc biệt... Vào những ngày mưa bão hay đợt biển động, chúng tôi còn phải bê heo lên tận phòng ngủ để tránh gió, nước biển tràn”. Không rõ việc bê heo lên phòng ngủ có thật hay là câu chuyện vui của lính đảo nhưng nhìn cách các anh chăm heo đã đủ thấy có chế độ riêng thật. Trên đảo, khu vực nuôi heo luôn được “ưu tiên” ở nơi kín gió và lúc nào cũng được che chắn cẩn thận, vệ sinh sạch sẽ.

Thượng úy Đặng Minh Tiến, Trợ lý hậu cần đảo Sơn Ca cho biết: “Điều kiện chăn nuôi ở biển đảo gặp rất nhiều khó khăn về nước ngọt, con giống. Do vậy, chúng tôi rất coi trọng việc thuần chủng các giống heo thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên đảo; tận dụng nguồn thức ăn dư thừa; tăng cường che chắn, củng cố hệ thống chuồng trại. Thời kỳ heo sinh sản, các đơn vị đều có giải pháp chăm sóc riêng. Tổ chăn nuôi thường xuyên lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho heo theo mùa vụ. Nhờ vậy, đảo Sơn Ca luôn bảo đảm điều kiện chăn nuôi tốt, duy trì sản lượng thịt ở mức 17kg/người/năm, tổng sản lượng tăng gia đạt hơn 160 triệu đồng/năm”. Mới thấy việc nuôi heo ở đảo nổi đã khó, ở đảo chìm việc chăn nuôi còn gian nan gấp bội, bởi lượng nước ngọt quá hiếm mà heo lại phải thường xuyên uống nước, ăn đổi bữa bằng rau xanh và cám mới chóng lớn. 

Không chỉ vậy, diện tích đảo chìm nhỏ hẹp, để nuôi heo, chiến sĩ phải làm chuồng nhỏ, dựng sát mép nước, che chắn kỹ lưỡng. Đôi khi heo cuồng chân tông sập chuồng, thì “nhân bánh chưng di động” trôi cả ra biển. Không chỉ có heo, chăn nuôi ở quần đảo Trường Sa còn có thêm gà, vịt chịu mặn, ngan… Đây là nguồn thực phẩm tươi, góp phần thay thế thịt hộp trong mỗi bữa ăn của bộ đội.

Tăng gia trên đảo Đá Thị.

Lá mồng tơi to bằng hai bàn tay

Nếu có dịp đến thăm quần đảo Trường Sa, chắc hẳn ai cũng phải ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến những vườn rau xanh mướt nổi bật lên giữa ngàn trùng sóng to, nắng gắt, gió lớn. Rau xanh trên đảo phù hợp với điều kiện khí hậu, phát triển tốt nhất là: muống, cải, đặc biệt là mồng tơi, có chiếc lá mồng tơi to tới 2 bàn tay, mỗi bữa chỉ cần cắt vài ba lá là đủ nồi canh. Tại đảo chìm Đá Nam có 2 vườn rau được quây kín bằng những tấm nhựa lợp. 

Thượng úy Phan Văn Anh, Chính trị viên đảo Đá Nam chia sẻ: Rau xanh trên đảo chìm rất quý bởi việc chăm sóc vô cùng khó khăn. Khi có mưa gió to, bộ đội phải che đậy cẩn thận, không để nước muối từ biển theo nước mưa gây cháy lá, chết cây. Ban ngày che nắng gắt nhưng phải lựa thời điểm bỏ lưới ra để rau có ánh sáng mặt trời. Ban đêm sử dụng lưới che cho vườn rau tránh hơi sương mặn. Để rau sinh trưởng, phát triển tốt ngoài sử dụng phân vi sinh chuyển từ đất liền ra, cán bộ, chiến sĩ còn tận dụng lá cây, lá khô trên đảo ủ thành phân bón cho rau, cải tạo đất. Việc tưới nước cho rau cũng được thực hiện rất khoa học, cẩn trọng. Sáng sớm phải tưới nước cho sương muối bám trên rau trôi đi, buổi chiều tưới đậm hơn cho rau bảo đảm đủ nước để phát triển. Nước tưới rau tận dụng từ nước sinh hoạt hằng ngày của bộ đội. Từ nước rửa mặt, nước tắm, nước nấu ăn… đều được xử lý, tận dụng để tưới rau. Kể tới đây, có chiến sỹ hóm hỉnh nói: “Vậy là phóng viên đã biết vì sao lá mồng tơi ở đây to bằng hai bàn tay rồi đấy”.

Trồng rau xanh ở đảo chìm vô cùng khó khăn. Những tưởng ở đảo nổi, với điều kiện diện tích, đất đai, nước ngọt tốt hơn, việc trồng rau, cây ăn quả sẽ thuận tiện hơn nhưng chuyện trồng rau ở đảo nổi Sơn Ca cũng không kém phần gian truân, vất vả, minh chứng cho sức mạnh, ý chí của người chiến sỹ hải quân. Vốn có bề mặt là nền cát trắng và san hô nên Sơn Ca tuy là đảo nổi nhưng còn được gọi là đảo cát. Do đặc thù của điều kiện tự nhiên, chất đất trên đảo là cát, san hô vụn, không có đất màu, không có giếng nước ngọt tự nhiên nên việc trồng rau xanh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với khối óc và bàn tay khéo léo, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ đảo Sơn Ca đã tích cực lao động, cải tạo đảo cát năm xưa trở thành một hòn đảo xanh tươi, xinh đẹp, căng đầy sức sống. Đảo cát năm nào đã được thuần dưỡng thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều cây, củ, quả, rau xanh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Sản lượng rau xanh của đảo Sơn Ca thường xuyên đạt khoảng 13.000 kg/năm, góp phần đáng kể cho việc cải thiện đời sống, tăng cường sức khỏe cán bộ, chiến sỹ.

Những năm gần đây, việc trồng rau, cây trái và chăn nuôi ở Trường Sa không chỉ bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng cho bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ trên đảo mà còn cung cấp cho ngư dân và các đoàn công tác dài ngày trên biển khi đến đảo. Giữa cái nắng, cái gió, cái mặn mòi vị biển quanh năm, những vườn rau xanh tốt, cây trái trĩu quả hay những đàn lợn, gà, vịt béo khỏe đã trở thành những hình ảnh bình dị, gần gũi, thân quen, tạo nguồn vui, vơi bớt nỗi nhớ nhà cho lính đảo.

Nguyễn Khánh

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy