Khu tập thể nằm ở giữa cánh đồng, biệt lập với xóm làng. Không gian xanh mát và sự im vắng đem lại cảm giác dễ chịu.
Mẹ tôi là giáo viên cấp ba, được phân một gian nhà nhỏ trong khu tập thể trường. Đây là nơi tôi lớn lên, gắn bó trong nhiều năm cho đến khi học đại học rồi đi làm.
Từ cổng chính của trường, đi xuyên qua những dãy lớp học hình chữ U thì bắt vào con đường đất nhỏ dẫn vào khu tập thể. Có hết thảy hai mươi bốn gia đình, chia thành hai dãy nhà thẳng hàng. Trước hai dãy nhà là khu vườn rộng, đất vượt lên từ chính cái ao phía trước. Ra khỏi cái ao vuông vức là cánh đồng lúa rộng mênh mông.
Khu tập thể đã cũ, mái ngói dốc thoải về sau, cửa ra vào và cửa sổ làm bằng gỗ đều đã xuống màu, mép cửa có chỗ đã mủn ra. Hiên nhà chỉ đủ trải chiếc chiếu đơn cho những buổi tối mùa hè ngồi ăn cơm hóng gió mát từ cánh đồng thổi vào.
Nhà tôi ở là căn đầu tiên của dãy tập thể, cửa sổ quay ra đường. Cũng từ cửa sổ này có thể nhìn ra ruộng rau muống. Mỗi thầy cô giáo có một khoảnh ruộng để trồng rau. Ai cũng nuôi gà, nuôi lợn, có nhà còn cấy lúa. Thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày đều là tự nuôi trồng.
Mùa nào thức nấy, vụ đông thì su hào, bắp cải, cải thìa, cải canh, đỗ đũa. Mùa hè thì rau đay, mồng tơi, rau dền, rau sam, nhiều nhất là rau muống. Rau muống luộc lên lấy nước, rau thì xào tỏi. Không thì chỉ cần luộc rau, nước rau khi đun sôi cho ít muối trắng, khi ăn thêm tí mì chính rồi vắt chanh. Nước chấm rau thì tỏi ớt đập dập băm nhỏ, đổ nước mắm vào rồi vắt chanh vắt. Mùi bát nước chấm thơm nức. Nghĩ thế thôi là đã thấy thèm rồi.
Nhưng tôi sợ nhất là phải lội ruộng hái rau muống. Những ngày mưa, hái rau là cực hình. Sợ con vật hai đầu trơn trơn dai dai nhì nhằng bám vào chân nên tôi khi thì xếp gạch xuống ruộng rau rồi đứng lên, khi thì hai chân đứng vào hai cái xô để hái. Học sinh của mẹ có anh chị đi qua nhìn thấy trêu chọc tôi cũng mặc kệ. Hái được nắm rau xong thì khoảnh ruộng cũng nát bét.
Căn phòng của giáo viên giản dị vô cùng. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì nhiều, thứ quý giá nhất với tôi có lẽ là chiếc máy cát sét và hai thùng sách lèn chặt. Giá sách là những cây tre nhỏ ghép lại. Một chiếc giường đơn kê sát cửa sổ nhìn ra sân, một chiếc giường đôi sát cửa sổ phía sau nhìn ra vườn xà cừ rộng lớn. Bộ bàn ghế giáo viên kê giữa nhà, một đầu sát vào tường.
Ban đầu do nhà trường chưa chưa xây bếp cho tập thể giáo viên nên mỗi nhà chế một kiểu đun nấu riêng. Người đun ít thì dùng bếp dầu, gia đình nào đông người, lại tăng gia nuôi lợn thì bếp kiềng ba chân, bốn chân, đun củi hoặc rơm rác ngay trên hè.
Hai mẹ con tôi đun nấu ngay ở hiên nhà bằng bếp nặn từ đất sét. Việc lấy đất sét rất kỳ công.
Nhà trường vào mỗi cuối tuần đều cho học sinh cắt đất từ ruộng để đóng gạch. Gạch đóng xong được đem phơi đủ nắng rồi thuê người đắp lò nung. Những mẻ gạch đỏ au, rắn chắc được dùng để xây sửa trường lớp. Có thời kỳ học trò và thầy cô còn làm cả ngói để lợp nhà, rồi đóng gạch xỉ để xây tường bao.
Tường hỏng được vá lại, ngói vỡ được thay mới, ngôi trường đẹp lên nhờ sự chăm chỉ, cần mẫn của các thầy cô giáo và lớp lớp học sinh không ngại gian khó lớn lên từ làng quê.
Trong một buổi cắt đất đóng gạch, mẹ nhờ hai học sinh vốn là những nhà nông thực thụ từ thuở lên năm lên sáu, cắt khoảnh đất vàng ươm dưới sâu lớp đất thịt rồi đem nhào kỹ cho dẻo. Để đất sét rắn chắc hơn, mẹ trộn thêm trấu sạch.
Sau đó là cả một sự công phu để nặn bếp. Một đường thành hình số tám được uốn tài tình, vòng tròn phía sau cao hơn vòng tròn phía trứơc. Sau đó dùng cán dao cắt một phần vòng tròn đằng trước để tạo cửa bếp. Nồi cơm nấu cạn bắc ra sau, phía trước đun nồi rau. Hơi nóng từ đằng trước toả ra, xong nồi rau cũng là lúc cơm chín.
Tôi cứ tấm tắc khen mẹ khéo tay, làm được cái bếp thật ngộ. Lúc mẹ nặn bếp tôi cũng mon men ở gần, lấy một nắm đất làm pháo. Đất sét dẻo được cán mỏng, nặn khum khum hình cái bát nhỏ, tôi khoái chí đập mạnh xuống đất, tiếng nổ vang lên kèm theo nụ cười như được ai cho quà của tôi.
Nhưng điều tôi thích thú nhất là, chếch phía đầu hồi là cái giếng đất, nhìn như chiếc nón khổng lồ ngửa lên trời, mặt nước trong xanh phẳng lặng.
Tôi thích ngắm nghía gương mặt mát lành ấy, cứ như thể đó là nơi không khi nào xảy ra biến cố gì, có thể gội rửa hết mọi ưu phiền, đem lại cho con người ta sự trong trẻo, dễ chịu.
Nhưng đó là cảm giác của mùa hè, đến mùa khô hanh thì tôi mới thực sự biết, thì ra mọi thứ không phải như tôi tưởng. Những tháng cuối năm, tiết trời trở nên khô hanh rồi dần chuyển lạnh. Điều tôi không ngờ tới đã xảy đến.
Giếng đất dần cạn nước, mực nước xuống thấp trông thấy sau mỗi ngày. Mọi người bảo chưa năm nào nước giếng cạn như thế. Năm nay hạn nặng, nước trong vuông ao trước nhà cũng trơ đáy.
Sáng mẹ phải dậy sớm hơn để xách nước đổ bể. Ai cũng muốn là người sớm nhất để gạn được xô nước trong hơn. Cả khu tập thể đều gần như trông vào cái giếng nước ấy.
Mực nước đã xuống thấp đến mức nó có thể nhìn thấy cả những con ốc bò loằng ngoằng dưới đáy. Có cả những chú cua nhỏ và đám tép riu líu ríu bám vào đám cỏ đã bắt đầu úa đen dính chặt vào lớp bùn. Cái giếng to đầy nước hôm nào giờ cạn tới đáy.
Sáng đó, tôi vẫn dậy sớm như mọi ngày nhưng ngồi bần thần ở bậu cửa. Ngày cuối tuần nên cũng không có gì phải vội. Nhưng điều tôi đang nghĩ là không biết mẹ đi đâu, thường khi đi đâu ra khỏi nhà mẹ đều dặn trước. Tối qua mẹ còn bảo sáng nay thứ bảy sẽ đưa tôi đi chợ chơi. Chợ phiên cuối tuần có rất nhiều thứ tôi thích. Cái kẹo dồi vỏ trắng giòn tan bên trong có lạc quện với đường màu nâu đỏ. Kẹp tóc ba lá sáng bóng. Nhất là cái bánh uôi lớp ngoài gạo nếp mềm dẻo loáng thoáng vài nhân lạc bở tơi, bên trong là nhân đỗ xanh có miếng thịt béo ngậy.
Nhưng việc đi chợ sáng nay không làm tôi vui vẻ hay phấn chấn hơn. Tôi đang nghĩ tới cái bể nước nhỏ ở sân đã cạn hai ngày nay, mỗi lần múc nước nấu cơm đều phải gạn khẽ rồi để trong chậu cho lắng cặn mới có thể dùng được.
Bỗng mẹ tất tả vào nhà, giục tôi ra vườn cắt mấy tàu lá chuối, đem lau sạch rồi xén ra từng đoạn chừng hai đến ba gang tay. Có bao nhiêu xô chậu lớn nhỏ hai mẹ con xếp chồng lên nhau rồi khệ nệ đi ngược ra phía cổng trường, rẽ vào con đường hàng ngày tôi đi học. Rất đông người đang ở đây, thì ra mọi người hò nhau đi lấy nước ở mương. Con mương cũng cạn nhưng so với cái giếng đất hình chiếc nón thì vẫn còn tha hồ để múc.
Những nhà ra trước đã lỉnh kỉnh xô chậu đầy nước chất lên xe cải tiến chở về. Mọi người xỉ lượt nhau mượn xe, những mảnh lá chuối được cho vào xô để nước bớt bị sánh ra ngoài khi đủn xe trên đoạn đường mấp mô về lại khu tập thể. Về tới nhà, mỗi xô nước chỉ còn một nửa, đã là rất thành công.
Mùa hanh năm ấy nhà tôi và nhiều nhà khác trong khu tập thể đã đi lấy nước như vậy.
Bây giờ mẹ tôi đã về hưu, gia đình cũng không còn ở tập thể trường. Khi tôi học đại học năm thứ hai thì mẹ xin chuyển trường về thành phố cho gần anh chị em họ hàng. Dịp kỷ niệm ngày thành lập trường hoặc họp lớp, tôi và mẹ có quay lại trường và đương nhiên không quên ghé thăm khu tập thể.
Sau này, dãy tập thể đã được xây mái bằng sạch sẽ vuông vức, mưa gió bão bùng không thể thấm dột. Nhưng bây giờ không còn ai ở tập thể nữa. Khu nhà dành làm kho của nhà trường. Cái giếng đất cũng đã được san phẳng để tạo cảnh quan chung.
Lần mới đây về thăm trường, tôi lại ghé qua khu tập thể năm nào, đứng tần ngần trên nền cái giếng đất cũ – vốn là một phần không thể thiếu cho cuộc sống hàng ngày của gia đình các thầy cô giáo thời của mẹ tôi - ngẩn ngơ như mình đang bỏ quên một phần của tuổi thơ. Và tôi nhớ day dứt những lần hờn dỗi ngồi khóc ở bờ giếng, cả hôm thi tốt nghiệp cấp ba vì làm sai bài môn Vật lý cũng ra giếng ngồi khóc đến khuya.
Hoàng Linh