Nói đến mùa hạ là nói đến nắng lửa mưa giông, là nói đến mùa hoa phượng vĩ đỏ rợp một góc trời, là nói đến sắc bằng lăng tím biếc trên từng con phố, là nói đến hoa tường vi cánh hồng mỏng manh bên cổng nhà... Nhưng mùa hạ không chỉ có nắng lửa, mưa giông; không chỉ có các loài hoa mải mê đua sắc; mùa hạ còn là mùa của nhiều loại trái chín ngọt lành.
Tuổi thơ tôi, khu vườn nhà ông nội là cả một thế giới đầy hấp dẫn với tiếng chim hót lảnh lót mỗi sớm mai; với những chùm quất hồng bì (người dân quê còn gọi là quả nhâm) chín vàng, căng mọng; với mùa mít chín tỏa hương thơm lừng mỗi khi hạ về...
Trong khu vườn nhỏ, ông nội trồng nhiều loại cây ăn quả thân thuộc của quê hương. Nào là táo, na, ổi, bưởi, chuối... Nhưng tôi thích nhất là cây mít và cây quất hồng bì ông trồng sau nhà. Bởi lý do rất đơn giản, năm nào nghỉ hè về thăm ông bà cũng đúng vào mùa quất hồng bì và mùa mít chín. Sáng sớm, khi thức dậy, chỉ cần mở cánh cửa sổ nhỏ bên giường là có thể nhìn thấy ngay những trái mít sai lúc lỉu từ gốc tới gần ngọn và những chùm quất hồng bì chín vàng trĩu quả. Hôm nào mở cửa sổ thấy mùi mít chín thoảng bay vào nhà ông bà nội lại ra sau vườn gõ gõ, ngửi ngửi tìm hái đúng trái mít chín tới mang về để bên hiên nhà. Một hai hôm, khi mít chín hẳn, hương thơm lừng khắp trong nhà ngoài ngõ, chiều mát ông bà mới mang ra bổ. Trước khi bổ, bao giờ bà cũng đi hái nắm lá mướp để chùi nhựa. Đây là cách người dân quê vẫn thường làm để hạn chế nhựa mít dính vào tay, vào dao. Giống mít nhà ông nội tôi trồng là giống mít na, quả không quá to, nhưng múi vàng, vị ngọt như mật. Mỗi dịp nghỉ hè về thăm ông bà nội, không chỉ được ăn mít chín cây khi đi ông bà còn cho thêm mấy quả để mang lên phố làm quà. Về quê đúng mùa mít chín, ngoài mít nhà ông bà tôi còn được thưởng thức các loại mít mật, mít dai do hàng xóm biếu. Bà tôi bảo, người dân quê là vậy, gần gũi và gắn bó, có gì cũng muốn san sẻ cho nhau... Vì vậy, ở xóm, nhà ai có cây mít ngon cả làng đều biết.
Mùa mít chín cũng là lúc những trái quất hồng bì sai trĩu cành chín vàng, căng mọng. Giữa những ngày hè oi nồng, bỏng rát, đi nắng về chỉ cần ăn vài quả quất hồng bì là cơn khát dịu nhanh. Quất hồng bì vườn nhà ông nội tôi khi chín quả có màu vàng nâu, vị chua thanh ngọt mát. Mùa quất hồng bì chín, tuổi cao, con cháu đều ở xa, ông bà nội thường nhờ người bẻ hộ rồi biếu họ một ít. Nhà dùng không hết, sáng mang quất hồng bì ra chợ bán, thảo tính bà vừa bán vừa cho... Để dành cho con cháu những chùm quất hồng bì ngon nhất, nhìn chúng tôi vừa ăn vừa xuýt xoa ngon quá, ngọt quá... bà mỉm cười hạnh phúc. Có lần về quê mải đi dãi nắng cùng trẻ con trong xóm, họng tôi đau rát, ho suốt cả đêm. Sáng dậy, bà ra vườn lấy vài quả quất hồng bì hấp cùng mật ong đưa cho tôi ngậm. Sau vài lần ngậm mật ong với quất hồng bì những con ho thưa dần, rồi dứt hẳn. Đúng như lời bà nói, quất hồng bì còn là vị thuốc quý trong vườn nhà...
Hạ về, cùng với mít, quất hồng bì còn rất nhiều loại trái cây khác, như: xoài, chôm chôm, vải, nhãn... Trong thời tiết hết sức khắc nghiệt - nắng cháy, bão mưa... nhưng các loại cây ăn quả đặc trưng của mùa hè vẫn dâng cho đời những mùa trái chín ngọt lành.
Phạm Hiền