kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 3: Vũ khí tự tạo - sản phẩm độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 3: Vũ khí tự tạo - sản phẩm độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam

Ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa, trong đó nêu rõ: “Dân ta phải tự chế lấy một phần vũ khí thì lúc nổi dậy mới có cái mà giết giặc.

Cái gì không tự chế được phải mua hoặc chiếm của quân địch. Mua thì tổ chức quyên góp, lập "quỹ mua súng". Trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu triệu: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Vũ khí tự tạo được phát triển rộng khắp cả nước, trở thành sản phẩm độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. 

Về nguyên lý thiết kế chế tạo, vũ khí tự tạo thường dựa trên cơ sở kinh nghiệm thủ công truyền thống trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ý tưởng thiết kế vũ khí tự tạo thường xuất phát từ tính năng kỹ thuật, chiến thuật cần đạt được, từ mục đích sử dụng và khả năng sử dụng các loại nguyên vật liệu sẵn có. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, nguyên tắc thiết kế dựa vào cơ chế vận hành của những linh kiện hoặc bộ phận của các loại vũ khí chiến lợi phẩm do ta thu được của địch, hay được cải biên, cải tiến từ những loại vũ khí của Quân đội ta được Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em viện trợ.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam  bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đạiBài 3 Vũ khí tự tạo  sản phẩm độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam
Chiến sĩ cảm tử ôm bom 3 càng đánh xe tăng Pháp ở Thủ đô Hà Nội trong những ngày Toàn quốc kháng chiến, năm 1946. Ảnh tư liệu 

Về nguyên vật liệu, công nghệ chế tạo vũ khí tự tạo tận dụng từ nhiều nguồn, gồm nguyên vật liệu có sẵn tại chỗ như tre, gỗ, đá, lá cây có độc, dây thép gai, vũ khí hỏng, phế liệu thu từ xác máy bay, xe bọc thép, tàu địch bị quân và dân ta bắn cháy, bắn hỏng ở các địa phương. Từ những vật liệu đó, mỗi người, mỗi địa phương tự chế tạo các loại vũ khí thô sơ có thể giống nhau về nguyên lý và cấu tạo nhưng khác nhau về vật liệu và kiểu dáng, muôn hình vạn trạng. Do nguồn vật liệu và cách thiết kế chế tạo, vũ khí tự tạo thường không đồng nhất về hình dạng, kích thước và đặc tính kỹ-chiến thuật. Mặc dù được coi là thô sơ nhưng trong cấu trúc của vũ khí tự tạo vẫn có những bộ phận, chi tiết có trình độ công nghệ hiện đại do được khai thác từ các sản phẩm quân dụng cũng như dân dụng sản xuất hàng loạt.

Về phương thức chế tạo, công cụ dùng để chế tạo vũ khí tự tạo chủ yếu là những công cụ lao động và sản xuất được sử dụng phổ biến tại các cơ sở thủ công nghiệp như gò, hàn, rèn, nguội, đúc. Những công cụ đó rất dễ kiếm, tuy không có năng suất cao nhưng phù hợp với điều kiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Trong một số trường hợp, phương thức chế tạo theo lối công nghiệp do các cơ sở quân giới cung cấp. Các cơ sở quân giới nhân dân từ thôn, xã đến huyện, tỉnh không chỉ chế tạo các loại vũ khí thông thường như mìn, lựu đạn để cung cấp cho LLVT tại chỗ đánh địch mà còn nghiên cứu cải tiến, cải biên những loại vũ khí của các nước viện trợ cho ta hoặc thu được của địch. Chẳng hạn, đạn cối 75mm, 81mm được cải biên thành đạn phóng; đạn pháo 155mm thu được của địch được cải biên thành thủy lôi; bom bi thu được của địch được cải biên thành mìn treo, mìn gài; dàn pháo phản lực bắn loạt của Liên Xô viện trợ cho ta được cải biên thành các ống phóng đơn giản, gọn nhẹ, có thể mang vác được, trang bị cho bộ đội đặc công cơ động và tấn công căn cứ của địch...

Về nhân lực, không phân biệt già trẻ, gái trai, ai ai cũng có thể tham gia làm vũ khí tự tạo và sử dụng vũ khí đó để đánh địch. Trai tráng thì rèn búa, rèn dao, chế mìn, lựu đạn, bố trí trận địa đánh địch; người già, phụ nữ, trẻ em có thể tham gia vót chông, cắm chông, thu lượm nguyên vật liệu... Ngoài nhân lực không chuyên này, các cơ sở quân giới có thể điều động cán bộ kỹ thuật để chỉ đạo và hướng dẫn người dân chế tạo vũ khí. 

Về chủng loại sản phẩm, đáp ứng yêu cầu bức thiết của chiến tranh nhân dân, quân và dân ta đã chế tạo hàng trăm kiểu loại vũ khí khác nhau. Từ loại đơn giản nhất như cung nỏ, chông tre, chông sắt, đến bộc phá, mìn có cơ cấu điều khiển bằng điện tử. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, quân và dân ta đã chế tạo và đưa vào sử dụng có hiệu quả để đánh địch 33 kiểu chông tre, chông sắt; 40 kiểu súng “ngựa trời”; hàng trăm kiểu mìn, lựu đạn, bộc phá, thủy lôi... Tất cả địa phương trong cả nước, từ làng, xã đến huyện đều có thể tự sản xuất vũ khí tự tạo. Bom 3 càng của quân và dân Hà Nội trong ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp hay súng bazooka là những sản phẩm khá độc đáo, thể hiện trí tuệ sáng tạo của quân và dân ta trong hoạt động tự bảo đảm vũ khí, trang bị cho LLVT trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn bộn bề.

Về phân loại, vũ khí tự tạo được chia làm hai loại: Vũ khí lạnh và vũ khí nóng sử dụng chất nổ. Vũ khí lạnh phổ biến là các loại bẫy đá, bẫy chông, cung, nỏ. Động lực của vũ khí lạnh chủ yếu là cơ năng tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Công nghệ chế tạo vũ khí lạnh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thủ công truyền thống cũng như đời sống hằng ngày. Vật liệu kết cấu vũ khí lạnh thường rất đơn giản, dễ kiếm. Vũ khí nóng cũng rất đa dạng, như bẫy đạn (ống đạp đạn, dàn bắn đạn), mìn, lựu đạn, thủ pháo và các phương tiện phóng (phóng đạn, phóng lượng nổ và vật sát thương). Với phạm vi tác dụng rất rộng, từ sát thương sinh lực cá nhân tới phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật trên quy mô lớn, vũ khí nóng tự tạo đã được sử dụng cả trong phòng thủ và tấn công, cả ở cấp chiến thuật tới cấp chiến dịch, chiến lược.

Về phương thức sử dụng, do có cấu trúc đơn giản, dễ chế tạo, vũ khí tự tạo rất dễ sử dụng để đáp ứng yêu cầu từ phương thức tác chiến muôn hình vạn trạng của chiến tranh nhân dân. Vì thế, vũ khí tự tạo trên chiến trường miền Nam cho phép thực hiện những đòn tiến công bất ngờ, hiệu quả vào những mục tiêu mang ý nghĩa chiến thuật, chiến dịch, thậm chí cả chiến lược. Trong đó, biểu ngữ treo bên đường, lá cờ cắm trên cây, đống củi, bình xăng, tán cây tỏa bóng mát, bến tắm, con thuyền trôi lững lờ trên sông, hũ nước mắm, lon bia, chiếc xe đạp dựng bên đường, bao thuốc lá, chiếc bật lửa, hộp đựng trà, chiếc bút máy, cánh cửa, dây phơi, kẹp áo... dù được đặt ở bất kỳ đâu cũng có thể là bẫy mìn để tiêu diệt địch.

Trong chiến tranh nhân dân, không phải bao giờ và ở đâu, các vũ khí sản xuất hàng loạt cũng đáp ứng được mọi yêu cầu tác chiến. Chính khoảng trống đó là đất dụng võ cho vũ khí tự tạo. Trong trường hợp này, chỉ bằng cách tự tạo mới có thể chế tạo được thứ vũ khí đáp ứng nhu cầu chiến đấu cụ thể. Vì thế, trong chiến tranh nhân dân, vũ khí tự tạo là sự bổ sung rất cần thiết và hợp lý cho những vũ khí sản xuất hàng loạt. Hơn nữa, chính những cải biên, cải tiến và những sáng tạo đơn giản trong lĩnh vực vũ khí tự tạo là một trong những nguồn ý tưởng dẫn đến việc thiết kế các loại vũ khí nguyên lý mới. Chẳng hạn, các đầu cảm biến (sensor) sức gió phát ra từ cánh quạt của máy bay lên thẳng từng được sử dụng để lắp vào những quả mìn bẫy trên chiến trường miền Nam có thể là ý tưởng để "thông minh hóa" các vũ khí truyền thống trong phòng, chống chiến tranh công nghệ cao.

Vũ khí tự tạo kết hợp với lối đánh du kích góp phần quan trọng tạo ra sức mạnh của chiến tranh nhân dân rộng khắp, đáp ứng nhu cầu bức thiết của cuộc đấu tranh giành và giữ vững nền độc lập của đất nước trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thô sơ như giáo mác, cung tên, đến các loại vũ khí cơ bản như lựu đạn, mìn và các loại vũ khí được coi là tối tân, hiện đại lúc bấy giờ đã góp phần quan trọng làm phá sản chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh", "chiến thuật giao thông", "chiến thuật cố thủ" trong các lô cốt vững chắc... của thực dân Pháp.

Ngày 7-5-1954, khi tiến vào hầm chỉ huy của tướng De Castries ở Điện Biên Phủ, bộ đội ta thu được một tài liệu quan trọng của Bộ chỉ huy quân đội Pháp. Đó là bộ sưu tập tra cứu bằng tiếng Pháp về các loại vũ khí do quân giới Việt Nam tự chế tạo từ năm 1945 đến 1954, dày 64 trang, mô tả các kiểu súng, đạn, mìn, lựu đạn; trong đó có 15 kiểu súng ngắn và tiểu liên; 13 kiểu súng cối và súng phóng bom; 10 kiểu súng phóng lựu và lựu đạn phóng; 5 kiểu bazooka; 3 kiểu súng không giật SKZ; 7 kiểu súng không giật SS; 7 kiểu lựu đạn; 7 kiểu mìn; 2 kiểu thủy lôi.

Lời mở đầu bộ sưu tập nêu trên có nhận xét: “Việt Minh đã có cố gắng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu kỹ thuật, một quyết tâm rõ rệt... Đã bắt chước hoặc áp dụng có sửa đổi số lớn những vũ khí nhẹ cổ điển, hầu như lúc nào cũng có nhiều sáng tạo và đạt được một số công trình hoàn thiện". Có thể nói, đó là một phần sự thừa nhận thành công của quân và dân ta trong nỗ lực tự nghiên cứu chế tạo vũ khí, trang bị để tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

(còn nữa)

THẾ MẪU - CHÍ DŨNG   

QĐND

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy