Từ xa xưa cha ông ta đã rất coi trọng việc học: “Một kho vàng không bằng một nang chữ”. Học để trở thành người “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”; học để lập thân lập nghiệp; học để được xã hội tôn vinh, trọng vọng... Và vì thế, những người làm nghề dạy học thời xưa phải rất chuẩn chỉ, mực thước về cả nhân cách, tri thức cũng như sự tận tâm, hết lòng dạy dỗ, rèn giũa học trò nên người. Người thầy được cả xã hội tôn trọng. Điều này được thể hiện rất rõ qua ca dao, tục ngữ xưa.
“Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Câu ca dao này đến bây giờ vẫn được dùng khá phổ biến, và vẫn đúng trong xã hội hiện đại. Ở đây chữ “yêu” được hiểu là quan tâm đến thầy, tôn trọng thầy, thể nguyện tâm ý để thầy dốc tâm dốc sức dạy dỗ cho con em. Xưa, thầy đồ dạy học tại chính nhà mình; những học trò ở xa thường được gia đình gửi ở luôn nhà thầy. Khi bố mẹ dẫn con đến nhà thầy học buổi đầu tiên thường phải mang theo lễ, gọi là lễ nhập môn. Học trò dâng lễ và lạy thầy hai lạy. Tùy điều kiện từng gia đình mà lễ có thể to, nhỏ khác nhau, nhưng lễ thể hiện sự tôn kính thầy, cũng như thể hiện thành ý, sự quan tâm đến việc học.
Thầy chọn ngày đẹp để tế thánh và bắt đầu dạy học. Mỗi tháng, các gia đình thường mang gạo, tiền tới gửi thầy chi phí ăn, học tại nhà thầy. Cũng có những học trò nhà nghèo nhưng có nghị lực, quyết tâm học giỏi, thành tài, thầy có thể không lấy tiền học, hoặc lấy ít, thậm chí bỏ gạo tiền nuôi ăn học... Vào các dịp lễ, Tết, học trò ai cũng nhớ: “Mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy”, hoặc “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”, đến thăm hỏi, chúc Tết, thể hiện sự tôn kính, trân trọng đối với thầy; thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Theo đó, người thầy giáo có vị trí rất quan trọng khi chỉ đứng sau cha mẹ của trò.
Trước đây, học trò dù đang học thầy, hay không còn học nữa; dù có làm quan to đến mức nào thì ngày Tết cũng phải đến nhà thầy chúc Tết. Đó là đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn/ Ăn quả nhớ người trồng cây”; “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”. Theo Tiến sỹ Nguyễn Hùng Vĩ (nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội), thậm chí khi thầy quy tiên, học trò cũng để tang ba năm, có điều không phải tang phục, tang chế đầy đủ như với cha mẹ. Để tang trong bụng gọi là tâm tang. Nhà thầy không có con trai nối dõi cúng tế thì trò phải cúng tế cho đến hết đời mình.
Thầy ngày xưa cũng chia cấp độ. Học “hết chữ” thầy này, nếu muốn học lên để thi cử các gia đình sẽ đi tìm thầy “nhiều chữ” hơn để học. Với những gia đình giàu có, gia đình đặc biệt coi trọng việc học còn không quản ngại đường xa để tìm thầy giỏi có tiếng để gửi con, dân gian gọi là “Tầm sư học đạo”. Cha mẹ sinh ra chúng ta, chăm sóc và cũng là người thầy đầu tiên dạy dỗ chúng ta. Nhưng đến tuổi đi học, chúng ta phải đến trường, phải học thầy- những người có kiến thức, có phương pháp để truyền dạy kiến thức. Mỗi con người lớn lên và trưởng thành, đặc biệt là những người học cao thành đạt đều nhờ có công lao dạy dỗ, uốn nắn của những người thầy. Không có sự dạy dỗ, rèn rũa của thầy giáo họ không thể có được thành tựu. Bởi thế người xưa mới có câu: “Không thầy đố mày làm nên”, hay: “Dốt kia thì phải cậy thầy/ Vụng kia cậy thợ thì mày mới nên”... như một sự khẳng định về vai trò lớn lao, quan trọng của người thầy đối với sự phát triển của mỗi con người.
Kho tàng ca dao, tục ngữ của người Việt Nam ta, trong đó có ca dao, tục ngữ ngợi ca công đức người thầy, giáo dục, nhắn nhủ con cháu không bao giờ được quên ơn người đã dạy dỗ mình nên người... vô cùng phong phú và sinh động. Ở trong mỗi ca từ, người thầy và nghề giáo luôn được nhắc đến cùng với cha mẹ khi đánh giá về bước đường trưởng thành của mỗi người: “Mẹ cha công sức sinh thành/ Ra trường thầy dạy học hành cho hay”; “Công cha, áo mẹ, chữ thầy/ Gắng công mà học có ngày thành danh”, “Mười năm rèn luyện sách đèn/Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy”, “Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi/ Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”, “Con ơi ghi nhớ lời này/ Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chớ quên”.
Từ xa xưa ông cha ta đã rất coi trọng việc đào tạo toàn diện con người. Có một tiêu chí chung trong xã hội là học để trở thành người “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Để đào tạo được những học trò như thế, bản thân mỗi người làm thầy cũng phải thực sự là những người có đầy đủ những năng lực, phẩm chất đó - “Sách vở một rương, kỉ cương một tủ, mới đủ làm thầy”. Những người dạy học thời đó không chỉ có kiến thức sâu rộng, mà còn phải có lối sống chuẩn mực, cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, hết mình vì học trò. Những người thầy không đạt được những tiêu chuẩn này thường bị xã hội lên án. Những người thầy đạt được những năng lực, phẩm chất này đều là tấm gương sáng ngời được xã hội tôn vinh, trọng vọng, có rất nhiều học trò xin theo để học về kiến thức và học về “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”,... Dân tộc Việt Nam có nhiều người thầy để tiếng thơm muôn đời vì sáng ngời những phẩm chất đó, hết lòng rèn rũa, dốc tâm dốc sức để đào tạo nên những con người sống có ích cho dân cho nước. Câu ca dao: “Những người truyền đạo khai nhân/ Nghìn thu để tiếng muôn phần thơm lâu” có ý nghĩa sâu xa như thế. Học trò phải “Tôn sư trọng đạo”, nhưng bản thân mỗi người thầy cũng thực sự là những tấm gương sáng ngời để được học trò, xã hội tôn kính, nể trọng.
Cũng nói về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, người ta còn ngẫm ngợi thêm: “Đến đây viếng cảnh viếng thầy/ Không say mùi đạo cũng khuây mùi trần”. Học trò khi đã trưởng thành, mỗi khi có dịp là lại về thăm thầy. Với nhân cách cao quý của thầy, với vốn hiểu biết, hàm ý chữ nghĩa sâu rộng của thầy, về thăm thầy mỗi người như được bồi đắp thêm “đạo” qua câu chuyện với thầy, cảm nhận sự thanh sạch tôn quý của thầy, để từ đó tiếp tục tu rèn mình, sống đúng với những gì đã được thầy dạy dỗ.
Những câu ca dao, tục ngữ tôn vinh người thầy dù đã có từ lâu đời nhưng thực sự vẫn luôn có giá trị đến bây giờ và mãi sau này. Nó như mạch nguồn chảy mãi, để những người thầy chân chính luôn trong tâm của mỗi người…
Đỗ Hồng