Chợ quê

Chợ quê giống như một bức tranh đa sắc, phản ánh chân thực nhất về đời sống của người dân quê. Người quê đi chợ không chỉ là để mua sắm mà còn là dịp để giao lưu, trò chuyện, thăm hỏi lẫn nhau. Chuyện ruộng vườn, cây trái, chuyện làng trên xóm dưới, mộc mạc và thấm đượm tình làng nghĩa xóm.

Mộc mạc và hồn hậu, chợ quê không chỉ là nơi mưu sinh của người dân quê mà ở đó còn lưu giữ những nét văn hóa, những tập tục sinh hoạt của người dân mỗi vùng miền. Chợ quê cũng chính là nơi gói ghém những thân thương, là tiếng nói của làng xã, là nét văn hóa đặc trưng được truyền từ đời này sang đời khác.

Tranh minh họa.

Ngày xưa, sản phẩm của chợ quê chủ yếu là những cây nhà lá vườn do những người nông dân “một nắng hai sương” làm ra. Đó chỉ là những con vịt, con gà, mớ rau, con cá, lọ tương, lọ mắm hay những món quà quê thơm thảo… 

Chợ quê họp từ tờ mờ sáng đến giữa buổi thì đã tan. Có những nơi chợ họp theo phiên, tháng chỉ có dăm ba phiên chợ vào những ngày chẵn, lẻ. Chợ quê thường náo nhiệt và nhiều màu sắc hơn vào những ngày giáp Tết. Những hộp mứt xanh đỏ, những bộ quần áo trẻ con, những đám khăn voan đủ màu sắc trông thật hấp dẫn đối với bọn trẻ chúng tôi khi được theo bà, theo mẹ ra chợ Tết. Ven lối vào chợ những cành đào phai, những chậu quất cảnh, những bó thược dược cũng bắt đầu khoe sắc. Tiếng người mua, kẻ bán rộn ràng. Mẹ vẫn bảo, Tết là dịp đoàn viên, vì vậy, dù quanh năm buôn bán ngược xuôi nhưng hễ Tết đến Xuân về, ai cũng cố gắng thu xếp để trở về thăm quê hương, để thành kính thắp lên bàn thờ tổ tiên một nén nhang tạ lỗi. Dù có nghèo thì cũng phải gói được vài đồng bánh chưng, nấu bát chè con ong, sắm sanh một mâm ngũ quả để dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên và pháo Tết là thứ không thể thiếu được trong mỗi nhà ngày ấy…

Chợ quê giống như một bức tranh đa sắc, phản ánh chân thực nhất về đời sống của người dân quê. Người quê đi chợ không chỉ là để mua sắm mà còn là dịp để giao lưu, trò chuyện, thăm hỏi lẫn nhau. Chuyện ruộng vườn, cây trái, chuyện làng trên xóm dưới, mộc mạc và thấm đượm tình làng nghĩa xóm.

Chợ quê giờ có nhiều đổi thay, những dãy chợ kiên cố rộng rãi bày bán đủ các thứ hàng hóa từ trên phố mang về. Hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan cũng được bày bán tràn lan. Từ quần áo giày dép đến các mặt hàng gia dụng. Các thiết bị sinh hoạt hiện đại cũng đã len lỏi về các phiên chợ quê. Đời sống của người dân quê vì thế được mở mang rất nhiều, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp nhưng những nét văn hóa đặc trưng vùng miền cũng vì thế mà mai một dần. Dường như đời sống hiện đại khiến cho người ta sống vội vã hơn, gấp gáp hơn nên việc đi chợ cũng tranh thủ hơn. Người quê giờ đi làm công nhân nhiều, công việc bận rộn có khi vài ba ngày mới đi một buổi chợ, đồ ăn mua sẵn để tủ lạnh dùng dần. Chợ quê bây giờ cũng mang dáng dấp phố thị nhưng có một điều không thể thay đổi được đó chính là tình làng nghĩa xóm.

Minh Thu

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.