Trong buổi kiểm tra công tác triển khai lắp đặt bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam vào sáng 1/5 của Đoàn công tác của Bộ Y tế, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê khẳng định việc xây dựng Bệnh viện dã chiến là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong phòng chống dịch, bệnh Covid-19 tại Hà Nam lúc này.
Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đỗ Quang Tuấn, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, đêm ngày 29/4, Bệnh viện cử hàng trăm cán bộ xuống làm việc với tỉnh để giám sát và triển khai các công tác hỗ trợ tỉnh, đầu tiên là lắp đặt phòng xét nghiệm COVID-19. Đến chiều 30/4, bệnh viện đã sẵn sàng nhận các test, có thể triển khai 10.000 mẫu xét nghiệm/ngày.
Các cán bộ y tế của bệnh viện làm việc ngày đêm trong ngày 30/4 đã lắp đặt xong 50 giường cấp cứu và hồi sức tích cực áp dụng đầy đủ kỹ thuật cao từ ECMO để có thể tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay. Bệnh viện đang tiếp tục lắp đặt thêm hơn 400 giường bệnh nữa. Toàn bộ 500 giường, máy móc, trang thiết bị, phục vụ điều trị của Bệnh viện dã chiến tại Bạch Mai cơ sở 2 được chuyển đến từ cơ sở 1.
Bệnh viện Bạch Mai đã điều động 5 kíp bác sĩ theo các chuyên khoa: cấp cứu, điều trị tích cực, truyền nhiễm, tim mạch và nhi ứng trực tại Bệnh viện dã chiến Hà Nam. Bệnh viện cũng thống nhất kế hoạch với tỉnh sẽ chuyển các bệnh nhân F1 là người cao tuổi, có bệnh lý nền, trẻ em đến điều trị và theo dõi tại Bệnh viện dã chiến này.
Cũng theo GS.TS Đỗ Quang Tuấn, đối với các trường hợp F1 cũng được điều trị với các quy trình phòng dịch như đối với bệnh nhân COVID-19…
Làm việc với đoàn công tác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy cho biết, do tình hình dịch bệnh trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, số lượng F1 phải cách ly đông. Hiện tại Khu cách ly y tế tập trung Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam đã tiếp nhận trên 330 trường hợp thuộc diện F1 liên quan đến các ca bệnh dương tính với vi rút SARS-CoV-2, cả người già, trẻ em, và có người liệt toàn thân phải có người thân chăm sóc.Trong khi đó cơ sở vật chất tại khu cách ly tập trung không đáp ứng được việc chăm sóc sức khỏe cho các trường hợp này. Tỉnh đề nghị Bệnh viện dã chiến tiếp nhận điều trị cho các trường hợp F1 cao tuổi, có bệnh lý nền và hỗ trợ tỉnh điều trị các bệnh nhân COVID-19 mới và hỗ trợ xét nghiệm SARS-Cov-2.
Qua kiểm tra thực tế, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê khẳng định, với kinh nghiệm hỗ trợ công tác chống dịch và thành lập Bệnh viện dã chiến tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Hải Dương… Bệnh viện Bạch Mai đã nhanh chóng hoàn thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Bệnh viện dã chiến tại Hà Nam trong thời gian ngắn, sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân ngay. Đồng thời cũng ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của tỉnh Hà Nam đối với việc tạo điều kiện xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh cũng như triển khai lắp đặt bệnh viện dã chiến tại thời điểm này.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, việc xây dựng Bệnh viện dã chiến là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong phòng chống dịch bệnh. Ông đề nghị tỉnh Hà Nam cần chỉ đạo ngay ngành y tế của tỉnh rà soát lại BVĐK tỉnh, các bệnh viện chuyên khoa và các Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị, thành phố, xem lại nguồn lực, bố trí sắp xếp các khoa phòng khám, điều trị khoa học, hợp lý, đảm bảo các tiêu chí Bệnh viện an toàn theo quy định của Bộ Y tế.
Thời điểm này việc chăm sóc bệnh nhân phải do nhân viên bệnh viện đảm nhiệm, hạn chế người nhà vào viện chăm sóc; Tăng cường năng lực xét nghiệm để chủ động trong công tác phòng chống dịch. BVĐK tỉnh phải cử cán bộ sang phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai để điều trị bệnh nhân, cũng nhằm học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề cho đội ngũ bác sỹ tuyến tỉnh để điều trị bệnh nhân COVID-19. Sở Y tế phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 và đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tỉnh Hà Nam phải đảm bảo các vấn đề hậu cần như kiến nghị của Bệnh viện.
Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh cũng yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai ngay lập tức phải phối hợp với tỉnh rà soát, phân loại bệnh nhân, bệnh viện dã chiến chỉ tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân F1 có bệnh lý nặng, các bệnh nhân COVID-19 điều trị tại BVĐK tỉnh không biến chuyển; giúp ngành y tế tỉnh tăng cường năng lực xét nghiệm, hỗ trợ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các khu điều trị, khu cách ly.
Cục Khám chữa bệnh sẽ nhanh chóng hoàn thiện thủ tục trình Bộ Y tế ra quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 để đảm bảo các bệnh nhân điều trị tại đây được thanh toán BHYT như bệnh nhân điều trị tại cơ sở 1; cấp máy móc thiết bị phục vụ bệnh viện dã chiến theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch.
Giang Nam