Với mục đích bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh, khơi dậy lý tưởng cống hiến, giúp các em xác định rõ trách nhiệm xã hội của mình, ngành Giáo dục Hà Nam đã triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương trong các cơ sở giáo dục từ cách đây hơn 10 năm.
Là một trong những ngôi trường nổi bật với các hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống, lịch sử của quê hương, Trường Trung học cơ sở (THCS) xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân) nhiều năm qua đều duy trì hoạt động trải nghiệm tại các di tích văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh. Thầy giáo Trần Duy Trung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Điều thuận lợi nhất đối với nhà trường khi triển khai thực hiện hoạt động này là ngôi trường nằm trên quê hương Nhà văn, nhà báo liệt sỹ Nam Cao, vùng đất nổi tiếng với những đặc sản cá kho, chuối Ngự Đại Hoàng tiến vua, với làng nghề dệt truyền thống hàng trăm năm, là một trong những địa danh lưu dấu tích nhà Trần… Khi Khu tưởng niệm Nhà văn - Liệt sỹ Nam Cao được xây dựng, nhà trường đã báo cáo chính quyền địa phương đảm nhận nhiệm vụ tham gia chăm sóc khu di tích.
Cùng với đó, triển khai thực hiện hoạt động dạy học gắn với di sản, kết hợp hoạt động trải nghiệm “Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Nhà văn - Liệt sỹ Nam Cao và Khu tưởng niệm nhà văn, nhà Bá Kiến”. Thông qua hoạt động này giúp học sinh bồi đắp kiến thức, tìm hiểu sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp nhà văn của quê hương; có ý thức tôn trọng, gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống quê hương.
Chia sẻ về vấn đề này, em Trần Hữu Thanh Liêm học sinh Trường THCS Hòa Hậu tự hào cho biết: Đây là khu di tích văn hóa được rất nhiều du khách đến tham quan. Chúng em khi làm nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ khu vực này đều đã được nghe, thấy tình cảm và sự tôn trọng, ngưỡng mộ của du khách đối với nhà văn Nam Cao. Chúng em cũng được nghe người trông nom Khu tưởng niệm nói chuyện về nhà văn để càng thấu hiểu thêm những giá trị mà nhà văn đã để lại cho hậu thế hôm nay, không chỉ là văn chương mà còn là sự hy sinh và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Điều đó tạo mạch nguồn cảm hứng sâu sắc khi chúng em tiếp cận các tác phẩm của nhà văn trong chương trình học của mình...
Còn với học sinh Trần Thị Thùy Linh, mỗi hoạt động trải nghiệm được nhà trường tổ chức đi đến các di tích văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống như: Đền thờ 10 nữ dân quân Lam Hạ (Phủ Lý), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội), Đền Trần Thương, làng nghề dệt truyền thống Đại Hoàng (Lý Nhân)… đều mang tới cho học sinh những cái nhìn thực tế về văn hóa, lịch sử, cuộc sống xã hội. Sau khi tham gia hoạt động này, các em hiểu thêm về làng nghề truyền thống, về lịch sử tồn tại của những di tích hàng trăm năm, nghìn năm, về cuộc chiến đấu anh dũng của cha anh qua các thời kỳ lịch sử; bồi đắp cho chúng em tình yêu quê hương, đất nước và khát khao trưởng thành để cống hiến cho đất nước, dân tộc.
Không chỉ ở Trường THCS Hòa Hậu, thời gian qua, hầu hết các CSGD cấp THCS trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện giáo dục văn hóa địa phương. Chương trình Giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai thực hiện trong trường học hơn 10 năm qua trên cơ sở biên soạn và đưa vào giảng dạy bộ “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hà Nam”, gắn với các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân được bố cục ngắn gọn, tích hợp với các giá trị văn hóa từng địa phương, giúp học sinh dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu.
Hoạt động trải nghiệm thực tế được các nhà trường tổ chức cơ bản đều trên cơ sở tìm hiểu, định hướng từ bộ tài liệu này. Đến nay, khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp THCS, ngoài 10 môn học bắt buộc còn có các hoạt động bắt buộc như hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương. Theo quy định, mỗi lớp ở cấp THCS thực hiện 35 tiết/năm học cho môn học này. Tài liệu sách giáo khoa do tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn, thẩm định, trình Bộ GD&ĐT phê duyệt trước khi triển khai.
Cô giáo Nguyễn Thị Hường (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Đinh Công Tráng, huyện Thanh Liêm) cho biết: Sở GD&ĐT đã chỉ đạo đưa tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Hà Nam vào kế hoạch năm học, thực hiện nghiêm quy định về thời lượng giảng dạy. Căn cứ nội dung chương trình, hiệu trưởng và tổ chuyên môn thực hiện phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực và chuyên môn đã được đào tạo như Địa lý, Lịch sử, Ngữ văn, Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục Công dân. Giáo viên dạy chủ đề nào thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Đối với các môn học có đề cập đến nội dung văn hóa, lịch sử của địa phương, đều cho những bài học thực sự bổ ích đối với học sinh như: các lễ hội, làng nghề, môn thể thao truyền thống, di tích văn hóa lịch sử, văn học Hà Nam qua các giai đoạn, những nhạc sỹ, nhà văn tiêu biểu…
Đến nay, giáo dục văn hóa địa phương trong nhà trường đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức nhằm hình thành thói quen, ý thức tốt để hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Giáo dục văn hóa địa phương nếu phát huy tốt sẽ giúp khơi dậy trong học sinh khát vọng cống hiến, khả năng cảm thụ thẩm mỹ đối với văn hóa, nghệ thuật sâu sắc hơn; đồng thời, góp phần điều chỉnh những hành vi ứng xử lệch lạc, thiếu chuẩn mực văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục, ngăn chặn bạo lực học đường, tệ nạn xã hội trong nhà trường.
Giang Nam