Triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp tiểu học, nhiều cơ sở giáo dục (CSGD) vẫn gặp khó khăn do: thiếu giáo viên; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, học liệu chưa đủ, thiếu đồng bộ... Để hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm học, ngành Giáo dục và các địa phương đã tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thực hiện một số giải pháp phù hợp với tình hình.
5 năm qua, thực hiện Chương trình GDPT 2018, các CSGD cấp tiểu học ở Hà Nam cơ bản đáp ứng đủ những tiêu chí về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Tuy nhiên, theo đánh giá từ Sở GD&ĐT, nhiều trường tiểu học đã và đang gặp không ít khó khăn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... Trong đó, giáo viên dạy các môn mới trong chương trình hầu như chưa được đào tạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức, khiến các nhà trường gặp lúng túng trong việc bố trí giáo viên giảng dạy và sắp xếp thời khóa biểu những môn học này. Đến đầu năm học 2024-2025, tổng số giáo viên cấp tiểu học toàn tỉnh là 3.120 người nhưng tỷ lệ giáo viên/lớp ở cấp tiểu học của tỉnh chưa bảo đảm theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT, còn thiếu hàng trăm giáo viên. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, số lượng phòng học bộ môn, nhà tập đa năng... tại một số CSGD còn thiếu; hệ thống thiết bị, đồ dùng dạy học chưa đồng bộ về chất lượng, hạn chế về số lượng, chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu dạy và học thực tế...
Trước những khó khăn này, UBND tỉnh đã ban hành, chỉ đạo, triển khai Kế hoạch 662, ngày 7/4/2023 về quản lý và sử dụng biên chế khối chính quyền tỉnh Hà Nam giai đoạn 2022-2026; rà soát, sắp xếp tổ chức, bộ máy bên trong đơn vị bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Việc tuyển dụng được tổ chức thực hiện thường xuyên, bảo đảm đúng các quy định. Trong các năm từ 2022 đến 2024, số giáo viên cấp tiểu học được tuyển dụng thêm là 300 người; giúp ngành Giáo dục từng bước tháo gỡ khó khăn, bổ sung kịp thời về đội ngũ cho các CSGD tiểu học trên địa bàn.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Với sự quan tâm của tỉnh trong việc rà soát, sắp xếp tổ chức và tuyển dụng viên chức giáo dục cấp tiểu học qua các năm, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khắc phục. Cơ cấu giáo viên theo môn đã được điều chỉnh tương đối phù hợp với việc thực hiện chương trình giáo dục, nhất là Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, do quy định về chế độ làm việc của giáo viên và thời lượng chương trình giáo dục của các môn học nên tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn còn ở rải rác một số CSGD có quy mô nhỏ. Trong các năm học, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động thực hiện việc biệt phái dạy liên trường để bảo đảm cân đối về cơ cấu giáo viên cho các nhà trường. Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có để thực hiện chương trình GDPT 2018. Đối với môn Tin học và Công nghệ, bố trí giáo viên các môn chung tham gia bồi dưỡng, tập huấn và giảng dạy nội dung Công nghệ; phân môn Tin học do giáo viên Tin học thực hiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, cùng với quản lý, sử dụng đội ngũ một cách linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế, ngành Giáo dục còn quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ đạt chuẩn của giáo viên; chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện Chương trình GDPT 2018 hằng năm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nhanh về tiến độ, đạt hiệu quả về chất lượng. Từ năm 2021 đến nay, đã có 630 giáo viên tiểu học được cử đi học bảo đảm đúng với trình độ chuẩn và sát với yêu cầu thực hiện các môn học của Chương trình GDPT 2018. Hiện, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc bố trí nguồn kinh phí, ban hành kế hoạch, lộ trình triển khai bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học. Đến thời điểm này, đã có 87,6% giáo viên tiểu học được bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp... Qua đó, giúp ngành Giáo dục và các CSGD tiểu học trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, theo phương châm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.
Về cơ sở vật chất, cấp tiểu học hiện có 2.428 phòng học văn hóa, đạt tỉ lệ 1,03 phòng/lớp; có 1.108 phòng chức năng, nhưng theo quy định còn thiếu 75 phòng. Đa số CSGD có đủ thiết bị, dồ dùng học tập tối thiểu theo quy định nhưng đồ dùng giảng dạy của giáo viên các lớp 3, 4, 5 chưa được trang bị...
Với quy mô trường lớp ngày một phát triển ở cấp tiểu học như hiện nay, tỉnh đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018; phát triển trường, lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư... Năm học mới 2024-2025, tỉnh Hà Nam đã đầu tư hơn 424 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để thực hiện xây mới và sửa chữa phòng học, phòng học bộ môn, phòng hành chính quản trị, phòng hỗ trợ học tập, khu vệ sinh, sân chơi bãi tập ở tất cả các cấp học. UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục quan tâm việc mua sắm trang thiết bị dạy học; chỉ đạo mua sắm thiết bị dùng chung cho các trường theo lộ trình. Ngành giáo dục chỉ đạo các nhà trường tích cực sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị hiện có để phục vụ dạy học; tăng cường tự làm đồ dùng dạy học và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để khai thác, sử dụng thiết bị dạy học "ảo"... góp phần khắc phục nhanh những khó khăn về thiết bị dạy học.
Theo ông Bùi Đình Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Duy Tiên, Chương trình GDPT 2018 được thực hiện trong bối cảnh đầy khó khăn, tuy nhiên, toàn ngành Giáo dục đã đầu tư trí tuệ, công sức rất lớn và đã bước đầu thực hiện có kết quả tốt. Những năm qua, đối với việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học, ngành Giáo dục thị xã nói chung và ngành Giáo dục các địa phương trong toàn tỉnh nói chung đã quán triệt và thực hiện nghiệm túc các văn bản chỉ đạo các cấp; xây dựng kế hoạch tổ chức linh hoạt và vận dụng phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng nhà trường. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông tới các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh, toàn xã hội về Chương trình GDPT 2018 và những đổi mới của ngành, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội. Trong việc triển khai thực tế, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ quản lý, năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên trực tiếp triển khai chương trình GDPT đối với các khối lớp; tổ chức sinh hoạt chuyên môn qua nghiên cứu bài học để chia sẻ kinh nghiệm dạy học các môn học, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh…
Giang Nam