Để được công nhận xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu phải bảo đảm 4 tiêu chí theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, môi trường là tiêu chí rất khó, không dễ hoàn thành.
Theo Quyết định số 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/6/2018 về việc Ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020, tiêu chí số 3 về môi trường quy định chi tiết yêu cầu cần phải đạt để được công nhận xã NTM kiểu mẫu. Không chỉ có điều kiện về giữ gìn vệ sinh môi trường (thu gom, xử lý chất thải, rác thải) như với xã chuẩn NTM, mà đòi hỏi xã NTM kiểu mẫu phải chăm lo cải tạo cảnh quan môi trường ở nông thôn.
Cụ thể, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt từ 50% trở lên. Có từ 60% trở lên số tuyến đường xã, thôn, bản, ấp có rãnh thoát nước và được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh toàn tuyến. Có mô hình bảo vệ môi trường (hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, đội, nhóm tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm và các khu vực công cộng; câu lạc bộ, đội tuyên truyền về bảo vệ môi trường) hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút được sự tham gia của cộng đồng. Có từ 90% trở lên số hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn và bảo đảm bền vững.
Đường hoa nông thôn mới tại xã Châu Giang (Duy Tiên). Ảnh: Khương Doanh
Theo ông Trần Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), Quyết định 691 không chỉ yêu cầu nâng cao chất lượng tiêu chí mà còn quy định rất rõ các chỉ tiêu nhỏ ở mỗi tiêu chí. Tiêu chí số 3 được cho là khó hoàn thành, bởi vì, chỉ riêng yêu cầu 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện xử lý rác thải, chất thải đạt tiêu chuẩn và bảo đảm bền vững đã rất khó, xã NTM kiểu mẫu còn phải trồng nhiều hoa hoặc cây bóng mát trên tuyến đường xã, thôn.
Trong thời gian qua, nhiều xã rất nỗ lực mới có thể hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Có những xã đã hoàn thành tiêu chí này, nhưng có thời điểm không giữ được chuẩn vì đây là tiêu chí "mềm", dễ thay đổi chất lượng. Đồng chí Đinh Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm) cho biết: Thanh Nguyên đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM từ năm 2014, nhưng đến năm 2017, Thanh Nguyên vẫn bị trừ điểm thi đua về tiêu chí môi trường. Đối với xã NTM kiểu mẫu, môi trường là tiêu chí quan trọng, đòi hỏi sự thay đổi, nâng cao cả về chất và lượng so với xã NTM. Chúng tôi chưa biết phải làm thế nào để đạt tiêu chí môi trường khi thực hiện chủ trương xây dựng NTM kiểu mẫu.
Nhiều xã NTM ở tỉnh vẫn loay hoay trong việc lựa chọn phương án xử lý rác thải sinh hoạt, chưa nói đến giải pháp để xử lý chất thải trong sản xuất, kinh doanh. Lượng rác tồn đọng, chưa được xử lý triệt để ở các bãi trung chuyển còn lớn, trong khi, các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh đến giờ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao công suất xử lý. Huyện Bình Lục đã thành lập được 231 tổ thu gom rác thải, xây dựng xong 36 bể chứa rác, tỷ lệ thu gom rác thải bình quân trên địa bàn đạt trên 93%. Huyện vẫn còn 2 xã chưa đạt tiêu chí môi trường (Hưng Công và Ngọc Lũ). Ngay cả với các xã được công nhận đạt chuẩn NTM, để bảo đảm được yêu cầu về môi trường theo Quyết định 691 về xây dựng NTM kiểu mẫu cũng không dễ dàng.
Thanh Nguyên đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM từ năm 2014, nhưng đến năm 2017, Thanh Nguyên vẫn bị trừ điểm thi đua về tiêu chí môi trường. Đối với xã NTM kiểu mẫu, môi trường là tiêu chí quan trọng, đòi hỏi sự thay đổi, nâng cao cả về chất và lượng so với xã NTM. Chúng tôi chưa biết phải làm thế nào để đạt tiêu chí môi trường khi thực hiện chủ trương xây dựng NTM kiểu mẫu. Đồng chí Đinh Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm) |
Xã NTM Bình Nghĩa là một trong những xã phát triển mạnh về chăn nuôi lợn ở Bình Lục. Phần lớn các hộ chăn nuôi quy mô lớn đều đầu tư xây dựng hầm biogas xử lý chất thải. Dù vậy, thách thức từ ô nhiễm môi trường do chăn nuôi ở Bình Nghĩa vẫn ở mức cao. Ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Nghĩa khẳng định: Thay đổi tư duy của người dân về bảo vệ môi trường nông thôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Khi nào người dân hiểu rõ, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của gia đình và cả cộng đồng thì khi đó, môi trường mới xanh, sạch. Bình Nghĩa đang tích cực trồng hoa trên một số tuyến đường. Tuy nhiên, xã không đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư trồng đạt yêu cầu có từ 60% trở lên số tuyến đường xã, thôn được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh toàn tuyến. Điều quan trọng nữa là, trồng hoa, cây bóng mát là một chuyện, chăm sóc để cho các tuyến đường hoa, đường cây luôn xanh tốt khó hơn rất nhiều.
Hoàn thành tiêu chí môi trường để đạt chuẩn NTM đã khó, đáp ứng được yêu cầu quy định của xã NTM kiểu mẫu còn khó hơn. Vì vậy, ngay từ bây giờ, nếu không có những giải pháp hiệu quả, khả thi cao để hoàn thành tiêu chí môi trường thì các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chủ trương xây dựng NTM kiểu mẫu. Theo ông Đinh Xuân Thông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương phải quan tâm nhiều hơn đến xử lý chất thải trong sản xuất, chăn nuôi và rác thải sinh hoạt. Những địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi cần xây dựng các khu chăn nuôi tập trung. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt kế hoạch trồng hoa và cây xanh để tạo cảnh quan môi trường.
Vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn là những yếu tố có ý nghĩa tác động trực quan. Nếu không nâng cao chất lượng yếu tố trực quan này, sẽ khó bảo đảm được tính thuyết phục về mô hình NTM kiểu mẫu.
Bích Huệ
Bích Huệ, Khương Doanh