7 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Kim Bảng đã có những bước đi vững chắc để hoàn thành mục tiêu kép- xã, huyện đạt chuẩn NTM.
HOÀN THÀNH MỤC TIÊU KÉP
Đầu năm mới 2018, chúng tôi có dịp đến thăm một số địa phương của huyện Kim Bảng. Những tấm biển đề xã NTM Tượng Lĩnh, Tân Sơn, Ngọc Sơn, Thi Sơn, Thanh Sơn... như khắc ghi sự đổi mới, lớn mạnh của mảnh đất này sau chuỗi ngày phấn đấu xây dựng quê hương đổi mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Thị trấn Quế (Kim Bảng) nhìn từ trên cao. Ảnh: Điện Biên
Đặc biệt, từ khi thực hiện xây dựng NTM, cơ cấu kinh tế của huyện đã có chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhân dân được chú trọng trang bị kiến thức và hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, đẩy mạnh sản xuất trên cánh đồng mẫu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tích tụ ruộng đất sản xuất nông sản sạch... để từng bước nâng cao thu nhập. Huyện ngày càng củng cố vững chắc là huyện công nghiệp của tỉnh.
Những năm qua, số doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp và làng nghề ngày càng tăng. Các làng nghề truyền thống, làng có nghề được duy trì và phát triển. Nhờ vậy, đời sống và thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, hiện nay đạt mức bình quân 37,6 triệu đồng/người (năm 2011 đạt 13,9 triệu đồng). Hộ nghèo trong toàn huyện hiện chỉ còn 0,74% (đã trừ đối tượng bảo trợ xã hội).
7 năm xây dựng NTM, Kim Bảng đã có những bước đi vững chắc để hoàn thành mục tiêu kép- cả xã và huyện cùng đạt chuẩn NTM. Cũng ngần ấy thời gian, Kim Bảng huy động đầu tư tới gần 2.000 tỷ đồng cho xây dựng các tiêu chí từ xã đến huyện, nhưng nợ xây dựng cơ bản được giảm tối đa. Đây chính là một trong những thành công lớn của huyện Kim Bảng trong thực hiện xây dựng NTM. Bà Phạm Thị Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng cho biết: Kết thúc năm 2017, ở cấp huyện, Kim Bảng không có nợ xây dựng cơ bản. Đối với cấp xã còn nợ hơn 30 tỷ đồng, nhưng các xã đều đã chỉ được rõ nguồn trả nợ.
Với phương châm xây dựng NTM thiết thực, hiệu quả, Kim Bảng đã xác định rõ bước đi và lộ trình thực hiện. Quá trình thực hiện, huyện chú trọng nâng cao năng lực lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của tổ chức, cá nhân trong xây dựng NTM. Đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực NTM từ huyện đến xã đều là những cán bộ có năng lực, tri thức, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; có khả năng nắm bắt, tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Đồng thuận từ lời nói đến việc làm, Kim Bảng đã làm bật lên sức mạnh nội lực và quyết tâm cán đích NTM đúng hẹn.
Bà Phạm Thị Hiệp cho biết thêm: Kết quả sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Kim Bảng đã hoàn thành, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra là phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM trước năm 2020. Điều đáng mừng là các công trình xây dựng đều nằm trong quy hoạch, bảo đảm đúng quy định. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông, điện, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư được cải tạo, nâng cấp, xây mới khang trang, mang dáng vóc hiện đại ở mỗi làng quê. Thu nhập của nhân dân trên địa bàn thông qua sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ngày càng được cải thiện và nâng cao, góp phần giảm nghèo bền vững. Ở nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều hộ làm giàu từ kinh tế hộ. Văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường đạt chuẩn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.
XÂY DỰNG NTM BỀN VỮNG
Được coi là huyện có thế mạnh phát triển toàn diện, Kim Bảng vinh dự được chọn xã làm điểm xây dựng NTM của tỉnh. Sau khi xã làm điểm Thi Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2013, từ năm 2014-2017, mỗi năm Kim Bảng có từ 2-6 xã hoàn thành xây dựng NTM. Năm cuối (2017) cùng với việc phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM ở 4 xã còn lại, Kim Bảng cũng đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM. Xã cùng huyện đồng lòng quyết tâm thực hiện, từng bước đi như được tiếp thêm động lực, làm đâu chắc đó. Xuân này, tất cả các xã cán đích NTM và huyện được công nhận là một trong hai huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM.
Xuân về có dịp đi trên những con đường của Kim Bảng: Từ đường làng, ngõ xóm đến các trục đường xã, liên xã tôi như được vui lây niềm vui của người dân nơi đây. Đường sá được đầu tư làm mới, nâng cấp tạo thuận tiện cho việc giao thông, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều tuyến đường còn được trồng hoa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Ông Đỗ Trọng Ánh, Chủ tịch UBND xã Đại Cương cho biết: Đại Cương là một trong các xã cuối cùng của huyện về đích NTM. Cuối cùng vì Đại Cương có những khó khăn riêng, thế nhưng xã cũng đã huy động được hơn 114,3 tỷ đồng (nhân dân đóng góp gần 50 tỷ đồng) xây dựng các tiêu chí NTM; đồng thời xã nỗ lực thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất để giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân. Sau 7 năm xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của Đại Cương tăng gấp gần 5 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,06%. Vừa qua, có tới hơn 90% số người dân được xin ý kiến đều rất hài lòng với kết quả xây dựng NTM của xã.
Đạt được tiêu chí rồi không có nghĩa là dừng lại ở đó, quan điểm của huyện Kim Bảng là cần tiếp tục xây dựng NTM có kinh tế phát triển toàn diện, bền vững; kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại; dân chủ được phát huy; bản sắc văn hóa được giữ vững; môi trường bảo đảm, an ninh được tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị vững mạnh. Ngay trong năm mới này, huyện Kim Bảng đặt mục tiêu số 1 là cần tiếp tục nâng cao thu nhập cho nhân dân thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo đà đến năm 2020, thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 50 triệu đồng.
Xác định rõ lộ trình, bước đi, huyện tập trung thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, thông qua thay đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, nông sản sạch, hình thành vùng sản xuất tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị... Đồng thời, tiếp tục dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đến năm 2020, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn dưới 30%. Phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoạt động dịch vụ. Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn: đường giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin truyền thông, thương mại, nhà ở dân cư, theo tiêu chí sạch sẽ, văn minh, lịch sự, bảo đảm xây dựng NTM phát triển bền vững.r
Tiến Đoàn
Tiến Đoàn, Thế Tuân