Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đạt kết quả tốt; tạo môi trường lao động an toàn, bình đẳng, công bằng cho người lao động (NLĐ); đồng thời góp phần ổn định kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh. Do đó, thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh phối hợp có hiệu quả với người sử dụng lao động trong việc tổ chức các hoạt động đối thoại bắt buộc theo quy định của pháp luật và đa dạng hóa các hình thức đối thoại khác. Đồng thời thể hiện rõ vai trò là tổ chức đại diện NLĐ tham gia thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhằm hạn chế tranh chấp lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trong tình hình mới.
Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 86.000 lao động. Công đoàn các KCN tỉnh đang quản lý hơn 61.000 đoàn viên, NLĐ tham gia sinh hoạt tại 314 công đoàn cơ sở (CĐCS). Với lượng đoàn viên, NLĐ đông và ngày càng gia tăng, để giữ vững sự ổn định trong quan hệ lao động và bảo đảm quyền lợi, phúc lợi cho NLĐ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ tổ chức công đoàn tỉnh nói chung, Công đoàn các KCN tỉnh nói riêng.
Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Đặng Đình Quỳnh cho biết: Để thực hiện tốt chức năng đại diện NLĐ thương lượng, mỗi cán bộ CĐCS phải có bản lĩnh, kỹ năng, sự nhạy bén trong giải quyết được các vấn đề ngay tại cơ sở. Đặc biệt là nhận biết được vấn đề của doanh nghiệp là gì, đòi hỏi của NLĐ có thật sự chính đáng hay chưa để có thể dẫn dắt, thương lượng, giúp hài hòa lợi ích đôi bên. Do đó, Công đoàn các KCN tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, thương lượng tập thể, ký kết, thực hiện TƯLĐTT và đối thoại tại doanh nghiệp cho đội ngũ cán bộ CĐCS, tập trung hướng dẫn các bước thương lượng, ký kết TƯLĐTT về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác cho NLĐ tại doanh nghiệp… Bên cạnh đó, triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản mới, hướng dẫn các CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống công đoàn các KCN tỉnh, việc phối hợp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc tiếp tục có chuyển biến tích cực với 75% doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ, 62% doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT đạt nhiều kết quả quan trọng; 73% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn có bản thỏa ước còn hiệu lực. Tình hình quan hệ lao động trong các KCN nhờ đó cơ bản ổn định. Quyền lợi, phúc lợi cho NLĐ, điều kiện làm việc ngày càng được bảo đảm. Trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, 181 đơn vị có giá trị bữa ăn ca cho NLĐ từ 22.000 đồng trở lên; nhiều doanh nghiệp thực hiện chi tiền lương tối thiểu cao hơn 5 - 7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định; tiền lương thử việc ít nhất bằng 90% mức lương hiện hưởng; được nghỉ từ 1 - 2 ngày thứ 7 trong tháng; NLĐ được thưởng lương tháng thứ 13, thưởng các ngày lễ, Tết; được mua bảo hiểm tai nạn lao động, hỗ trợ tiền nhà trọ (hoặc tiền đi lại), nuôi con nhỏ, phụ cấp thâm niên…
Thống kê, hiện toàn tỉnh có 569 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn với hơn 91.400 NLĐ. Năm 2023, có 412 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị NLĐ, ký mới, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT, đạt 136% kế hoạch Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, trong đó có 38 bản được ký mới lần đầu. Toàn tỉnh đã tổ chức được 381 cuộc đối thoại theo tinh thần Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Hiệu quả của các cuộc đối thoại, thương lượng và giá trị các bản TƯLĐTT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên và NLĐ, giúp quan hệ lao động tại các doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt.
Ông Trần Xuân Kha, Trưởng Ban chính sách pháp luật và quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh) cho biết: Trong những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngừng việc tập thể nào. Để đạt được kết quả đó, công đoàn các cấp đã tập trung hướng dẫn CĐCS chủ động phối hợp, đề xuất với doanh nghiệp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật; kiên trì thương lượng, đàm phán để có được nhiều chính sách có lợi cho NLĐ. Thông qua đó, giúp cho người sử dụng lao động và NLĐ hiểu nhau hơn; cảm thông và chia sẻ để cùng nhau phát triển.
Trong tổng số các bản thỏa ước đã được ký kết và còn hiệu lực, có khoảng 45% bản thỏa ước đạt loại B trở lên. Đây là những bản thỏa ước có nội dung có lợi cho NLĐ so với quy định của pháp luật về tiền lương gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác, tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, nâng lương, tiền lương thử việc, các nội dung khác liên quan đến tiền thưởng, tiền thưởng tháng lương thứ 13…; về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi gồm giảm giờ làm việc, tăng giờ nghỉ ngơi, tăng thêm ngày nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ, Tết, nghỉ hằng năm, tăng thêm thời gian nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương… Về bữa ăn ca phải có giá trị cao hơn quy định của Tổng Liên đoàn. Ngoài ra, phải bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh lao động, việc làm và các chế độ phúc lợi cho đoàn viên… Nhiều doanh nghiệp còn thường xuyên xem xét, sửa đổi, bổ sung nội dung của bản thỏa ước cho phù hợp với tình hình mới, qua đó động viên NLĐ hăng say làm việc, tạo đà tăng trưởng và phát triển cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho NLĐ.
Dù đạt được những kết quả tích cực, song thực tế số lượng bản thỏa ước loại B trở xuống còn nhiều. Điều này cho thấy chất lượng các bản TƯLĐTT chưa cao, ít nhiều mang tính hình thức. Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do sự quan tâm của chủ sử dụng lao động về vấn đề đối thoại, thương lượng tập thể còn hạn chế. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại một số doanh nghiệp chưa thực sự ổn định và quyền lợi của NLĐ chưa được bảo đảm, nhất là các vấn đề liên quan đến lương, thưởng, chính sách đãi ngộ… Bên cạnh đó, cán bộ CĐCS đều là kiêm nhiệm, được trả lương từ người sử dụng lao động nên chưa mạnh dạn đàm phán, thương lượng để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Kiến thức chung về pháp luật, kỹ năng thương lượng, đàm phán của một số cán bộ CĐCS còn hạn chế dẫn đến tính thuyết phục với chủ sử dụng lao động chưa cao…
Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ, Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 xác định: “Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, bảo đảm hài hòa lợi ích cho đoàn viên, NLĐ và doanh nghiệp, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc” là một trong 3 khâu đột phá. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, có ít nhất 85% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết TƯLĐTT theo quy định của pháp luật.
Theo đó, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS triển khai thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại doanh nghiệp, đơn vị với nội dung có lợi hơn cho đoàn viên, NLĐ so với luật định. Ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc đánh giá, xếp loại chất lượng thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện TƯLĐTT của các cấp công đoàn.
Tiếp tục củng cố hệ thống tổ chức CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của công đoàn trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện TƯLĐTT trong doanh nghiệp. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến NLĐ cho đội ngũ cán bộ CĐCS nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng, đàm phán đạt hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, NLĐ về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong tạo dựng quan hệ lao động ổn định. Các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐ ở các doanh nghiệp…
Thực hiện tốt vai trò đại diện trong đối thoại, thương lượng tập thể và bảo vệ người lao động nhằm giúp NLĐ có thu nhập cao hơn; duy trì thời gian và cường độ lao động hợp lý; cải thiện điều kiện làm việc cụ thể tại doanh nghiệp. Với hoạt động này, uy tín của tổ chức công đoàn với NLĐ ngày càng được nâng cao. Và đích đến cuối cùng là tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa đoàn viên, tổ chức công đoàn và doanh nghiệp để công đoàn thực sự là tổ chức của NLĐ, do NLĐ vì NLĐ và đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Hoàng Hải