kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp dệt may

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp dệt may

Nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động

Theo Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quy định một số nội dung tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, sản xuất sản phẩm dệt may là một trong 11 ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp dệt may bắt buộc phải thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và đưa vào nội quy, quy trình làm việc; tổ chức kiểm tra toàn diện về ATVSLĐ ít nhất 6 tháng/lần ở cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh và 3 tháng/lần ở cấp phân xưởng, tổ, đội sản xuất hoặc tương đương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 282 doanh nghiệp dệt may, thu hút hơn 22.400 lao động làm việc. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam, hầu hết doanh nghiệp dệt may được kiểm tra, thanh tra đều triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ hằng năm theo quy định. Tuy nhiên, dệt may là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao mất ATVSLĐ nên việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ với doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ cần thiết, không thể lơ là.

Một công đoạn sản xuất của Công ty cổ phần sản xuất thương mại Ngọc Ánh.

Ông Trần Hồng Sơn, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết: Việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp dệt may thời gian qua chủ yếu tập trung vào việc khoanh vùng rủi ro và chỉ ra những vi phạm đối với việc trang bị và sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ. Do lao động trong lĩnh vực này chủ yếu là lao động phổ thông, lao động thời vụ nên nhận thức của NLĐ về tính an toàn lao động cơ bản còn hạn chế; chưa nhận thức đúng đắn về tác hại của môi trường làm việc đối với sức khỏe  và sự an toàn của con người, việc sử dụng trang bị bảo vệ cá nhân của nhiều NLĐ không đúng quy định... Vì vậy, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động thực hiện nhiều biện pháp để NLĐ nắm được cách bảo vệ an toàn cho bản thân và người xung quanh trong quá trình làm việc; giúp NLĐ thấy được môi trường làm việc của mình đang tồn tại nhiều tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe như: bụi vải, tiếng ồn và thiếu ánh sáng…. Nếu không được phòng ngừa, bảo đảm an toàn thì NLĐ sẽ rất dễ mắc các bệnh nghề nghiệp về phổi, phế quản hay các bệnh về mắt. Ngoài ra, môi trường này cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ bởi các nguyên vật liệu cho ngành dệt may dễ gây cháy nổ. Hệ thống thiết bị máy móc trong quá trình vận hành nếu không được bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên sẽ có thể xảy ra sự cố.

Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp

Là một trong số 282 doanh nghiệp dệt may đóng trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện nay, Công ty TNHH YKK Việt Nam, chi nhánh Hà Nam chuyên sản xuất khóa kéo dùng cho các sản phẩm may mặc, túi xách. Công ty có gần 1.000 công nhân làm việc. Ông Nagano Kentaro, Giám đốc Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH YKK Việt Nam chi nhánh Hà Nam (Khu Công nghiệp Đồng Văn III) khẳng định: Công ty luôn đề cao vấn đề ATVSLĐ trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là vấn đề then chốt góp phần nâng cao hiệu quả công việc và bảo đảm giá trị sản xuất kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Ở nhà máy chúng tôi, an toàn lao động vừa là một nhiệm vụ quan trọng, vừa là một sự cam kết giữa chủ sử dụng lao động với NLĐ nên công tác bảo đảm ATVSLĐ của đơn vị được thực hiện tốt.

Kiểm chứng thực tế này, ông Vũ Đức Tuyn, cán bộ nhân sự công ty cho biết: Hằng năm, với sự hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn của cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng, công ty đã tổ chức được các đợt diễn tập nội bộ về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động... Cùng với việc đa dạng hóa, linh hoạt các hình thức, nội dung tuyên truyền, việc tổ chức diễn tập, tập huấn theo chuyên đề về bảo đảm ATVSLĐ đã giúp nâng cao kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, nhận biết rủi ro trong quá trình sản xuất  trực tiếp và nhận thức của NLĐ về việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn, biện pháp làm việc an toàn, có trách nhiệm với bản thân, đồng nghiệp và doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty có những quy định nghiêm ngặt đối với vấn đề ATVSLĐ. Đơn cử như chỉ cần một lao động bị kim đâm vào tay, công ty cũng phải tổ chức họp hai lần để tìm ra nguyên nhân, giải pháp và thực hiện các hình thức kỷ luật theo quy định. Từ lâu, an toàn lao động chính là một trong số những chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà máy.

Được biết thêm, để NLĐ thực sự có trách nhiệm và nâng cao ý thức thực hiện ATVSLĐ,  năm 2024, doanh nghiệp này đã tổ chức cuộc thi sáng tác slogan về an toàn lao động cho công nhân tham gia. Với mỗi một slogan của NLĐ đều có ý nghĩa và các giải pháp để hiện thực hóa slogan đó. Giải thưởng sẽ được trao cho người có ý tưởng hay nhất, độc đáo và mang lại giá trị thực tiễn nhất.

Tại Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Ngọc Ánh, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, nhiều năm qua, để làm tốt công tác ATVSLĐ, cùng với tổ chức xây dựng nhà xưởng rộng rãi, thoáng mát, bảo đảm quy chuẩn an toàn về  điều kiện làm việc, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng từ bụi, tiếng ồn, ánh sáng đến sức khỏe NLĐ; trang bị hệ thống máy móc hiện đại, bố trí hợp lý, gọn gàng; trang bị bảo hộ cho NLĐ đầy đủ… doanh nghiệp còn thường xuyên phối hợp tổ chức diễn tập về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho công nhân ngay tại xưởng sản xuất. Ông Nguyễn Chính Đạo, Giám đốc công ty cho biết: Công ty có 2 xưởng sản xuất may mặc ở Hà Nam với trên 400 công nhân lao động. Những công nhân, NLĐ này đã gắn bó với công ty nhiều năm bởi điều kiện làm việc an toàn, thu nhập ổn định. Đối tác của chúng tôi có những đòi hỏi rất nghiêm ngặt về ATVSLĐ trong quá trình hoàn thành sản phẩm, thậm chí họ đã thực hiện giám sát hoạt động này thường xuyên ở công ty, coi đó là tiêu chuẩn để đánh giá giá trị sản phẩm nên chúng tôi đã coi an toàn lao động là trên hết!

So với thời điểm 5 năm về trước, các vụ cháy trên địa bàn tỉnh thường xảy ra ở công ty dệt may, nhưng trong 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy nào xảy ra ở doanh nghiệp dệt may. Theo Trung tá Trương Vũ Minh, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức diễn tập, tập huấn về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại 178 cơ sở dệt may, trong đó tại địa bàn huyện Lý Nhân có 86 cơ sở, Kim Bảng 30 cơ sở, thành phố Phủ Lý 14 cơ sở, Bình Lục 1 cơ sở. Khi doanh nghiệp coi trọng tính mạng, sức khỏe của NLĐ; coi NLĐ là tài sản của doanh nghiệp, họ sẽ thực hiện tốt trách nhiệm bảo đảm ATVSLĐ tại doanh nghiệp của mình.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy