Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, trên ban thờ tổ tiên mỗi gia đình chẳng bao giờ thiếu đi những nén hương trầm thơm ngát. Ẩn sâu trong hương thơm nồng ấm không chỉ là tấm lòng hiếu kính của con cháu tưởng nhớ ông bà tiên tổ mà còn có cả những câu chuyện về nghề được gửi gắm, những mong được gìn giữ phát triển…
Hương thơm kết nối tâm linh
Với nhiều người dân Việt, mỗi người khi mất đi không phải là hết mà thực chất con người được bước sang một thế giới khác, tuy thể xác không tồn tại nhưng linh khí vẫn còn mãi. Con người sống và linh khí của người đã khuất cũng sẽ được kết nối nếu trong thực thể mỗi người đều có một chữ Tâm, biết nhớ và không lãng quên quá khứ.
Trong không gian tĩnh mịch, mờ ảo khói hương trầm, khoảng cách đó càng trở nên không có giới hạn. Ở đó, người ta đắm chìm vào những thuyết nhân quả, những lời răn dạy của đức Phật, những bản ngã nghiệp duyên cuộc đời.
Chính bởi những quan niệm này cho nên không biết từ bao giờ, cùng với tấm lòng hiếu đạo, tôn sùng, người ta dùng hương trầm với mùi thơm trầm mặc như một thứ phương tiện kết nối thực ảo, kết nối quá khứ, gặp lại người thân đã khuất. Và dường như, nghề làm hương cũng bắt đầu xuất hiện từ sự mong muốn kết nối tâm linh ấy. Chẳng một ai biết chính xác nghề làm hương có từ khi nào. Bản thân những người sống với nghề làm hương cũng chỉ có thể nói, khi họ được sinh ra đã có nghề…
Gia đình bà Cao Thị Ý là một trong số ít người dân làng Đức Bản (xã Nhân Nghĩa, Lý Nhân) còn gắn bó với nghề làm hương đen truyền thống.
Nghề làm hương xưa kia là một nghề hoàn toàn theo phương pháp thủ công, trải qua nhiều công đoạn mới có thể làm ra được từng nén hương, thẻ hương. Cũng lạ cho sức sáng tạo của con người ngày đó, chỉ với một số nguyên liệu thảo mộc và vị thuốc bắc như: dây keo, hoa nâu, thảo quả, lá hương nhi, vỏ quế, thân cây hoàng đàn, lá và vỏ cây tùng, bách, đại hoàng, xuyên khung, đinh hương… họ đã pha chế theo tỉ lệ được cân đo cẩn thận, hòa trộn với nhau tạo nên thứ bột đặc trưng dùng làm hương. Sản phẩm hương làm từ những loại nguyên liệu này không chỉ phục vụ cho nhu cầu tâm linh mà còn có hương thơm mang tới cho con người cảm giác thoải mái, thư giãn, tốt cho sức khỏe.
Để có được những nén hương thơm dâng lên bàn thờ tổ tiên, người làm hương phải lần lượt làm các công việc như: pha chế bột hương, làm tăm hương, se, nén, phơi hương… Tùy theo cách pha chế bột hương của mỗi nơi, của từng người làm nghề, sẽ có được những sản phẩm hương có mùi thơm khác nhau. Có loại đậm đà mùi trầm, có loại phảng phất mùi hoa lá tự nhiên, cũng có loại hương khi đốt lên sẽ khiến người ta có cảm giác như bước chân vào một thế giới ngập tràn hương vị thuốc bắc.
Nghề làm hương đen ở Đức Bản
Ở Hà Nam, những làng nghề làm hương không có nhiều và dường như có tiếng nhất vẫn là làng nghề Đức Bản (xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân), nơi có nghề làm hương đen truyền thống. Những năm của thập kỷ chín mươi, thế kỷ XX, vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, nếu có dịp đến làng Đức Bản, thật dễ bắt gặp cảnh tượng người dân miệt mài sản xuất hương cung cấp cho thị trường. Với những người làm nghề, tất cả tâm huyết đều chất chứa trong từng nén hương đen.
Tâm huyết đó là từ những đôi bàn tay se nên các nén hương đều chằn chặn, từ những bước chân tất bật đem hương đi hong, đi phơi, từ cả những giọt mồ hôi rơi giữa mùa đông giá lạnh. Họ chọn hương đen để làm nghề cho mình bởi hương đen có nét đặc trưng riêng, không giống các loại hương khác về cả hình thức và hương thơm. Hương đen Đức Bản mang vẻ ngoài mộc mạc như chính con người nơi đây. Nhưng hơn cả, đó là một loại hương có mùi thơm thảo dược tự nhiên, êm dịu, không gắt, cháy đượm và không làm cay mắt, rất được lòng người dùng.
Theo những người cao tuổi trong làng, nghề làm hương đen ở đây có từ lâu đời. Để hương đốt lên có mùi thơm đặc biệt, khâu chọn lựa nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng. Nguyên liệu chính để sản xuất ra hương đen gồm nhựa trám, than hoa, tre, nứa. Nhựa trám tốt phải có màu vàng, than hoa không bị lẫn các tạp chất và tốt nhất là dùng than được đốt từ cây đậu tương. Tre, nứa sau khi được ngâm dưới ao khoảng 3 tháng sẽ đem phơi khô rồi chẻ thành tăm hương. Các cây tăm hương còn được phơi khô, hơ qua lửa cho nhẵn mịn. Tùy theo kích cỡ từng loại hương và để tạo sự bắt mắt, tăm hương sẽ được quét thêm một lớp phẩm màu đỏ tại chân từ 15-20 cm.
Với người làm nghề, khâu pha chế bột hương là quan trọng nhất trong quá trình làm hương. Nhựa trám phải được đun sôi bằng nồi đồng, trộn vào than hoa đã nghiền nhỏ, tạo độ dẻo, cắt thành từng miếng và se vào những cây tăm hương đã được chuẩn bị trước đó. Sau khi se, hương được đem ra phơi trên những chiếc phên để hương tự khô nhờ nắng gió. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm thì phơi từ hai đến ba ngày, tuyệt đối không dùng lửa để hong hương. Sau khi phơi khô, người làm nghề thường dùng lá cây chuối hột phơi khô để bảo quản hương. Nhờ vậy, hương Đức Bản đã giữ được màu đen tuyền, để lâu cũng không dễ bị mất mùi.
Hương đen Đức Bản có 6 loại, chiều dài cây hương từ 30-100cm, trước đây được mang bán rộng khắp tại các chợ trên địa bàn và các tỉnh lân cận, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân. Vào thời kỳ phát triển nhất, tại làng Đức Bản có trên 200 hộ làm hương đen quanh năm (chiếm 70% số hộ dân), sản phẩm được xuất đi nhiều tỉnh, thành. Nhưng hiện nay, do giá nguyên vật liệu làm hương truyền thống ngày càng đắt đỏ, hương Đức Bản vấp phải sự cạnh tranh của rất nhiều làng nghề làm hương trong cả nước và nhất là sự bung ra của các cơ sở sản xuất hương công nghiệp, nên sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, thu nhập giảm mạnh, nhiều người dân không còn mặn mà với nghề. Số gia đình còn gắn bó với nghề làm hương đen ở làng Đức Bản hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, người làm nghề hầu hết đều là những bậc cao niên. Nghề làm hương ở Đức Bản với nguy cơ mai một đang rất cần có sự quan tâm đầu tư lưu giữ, bảo tồn, không chỉ để góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương mà còn giúp người dân làng nghề được sống mãi với một thứ nghề truyền thống quê hương.
Thanh Hà
Thanh Hà