Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 5 trường cao đẳng công lập; 5 trường trung cấp; 1 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp tỉnh và 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trực thuộc các huyện, thị xã; 3 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp khác, với tổng quy mô tuyển sinh gần 27.000 học sinh, sinh viên/năm.
Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng công tác đào tạo nghề của các đơn vị đã từng bước đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động khi hầu hết học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc lựa chọn ngành nghề đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề cũng được thực hiện trên cơ sở tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường lao động; tập trung chủ yếu là ngành, nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, logistics, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…
Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam được biết đến là cơ sở dạy nghề đi đầu của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Theo quy mô phát triển, nhà trường nhận đào tạo nghề các hệ cao đẳng, trung cấp và văn hóa nghề, sơ cấp, các lớp đào tạo lao động ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ông Vũ Hữu Ý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam cho biết: Trước những khó khăn đặt ra cho hệ thống các cơ sở dạy nghề đối với cả việc tuyển sinh, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường xác định phải tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, như: xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo nhiều đợt nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có nhu cầu học nghề; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các ngành nghề đào tạo tới trực tiếp người dân; có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp giúp học sinh, sinh viên thực tập nâng cao kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp và tính kỷ luật cao, phù hợp với quy định làm việc của các doanh nghiệp; thực hiện ký hợp đồng đào tạo, liên kết đào tạo và đào tạo theo địa chỉ… Đồng thời, có sự đầu tư thích đáng cho xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nhằm theo kịp với yêu cầu dạy nghề hiện đại và xây dựng mô hình trường dạy nghề chất lượng cao.
Trên thực tế, hiện nhà trường đã bảo đảm có đủ các phòng học chuyên môn cho các ngành nghề đào tạo. Bên cạnh việc chủ động đầu tư, nhà trường còn tranh thủ tốt một số nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án cho xây dựng các xưởng thực hành, nhà học lý thuyết, mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Về đội ngũ, nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên được học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học, nhằm sử dụng có hiệu quả các phần mềm ứng dụng trong xây dựng và thiết kế bài giảng điện tử. Đại đa số học sinh, sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm phù hợp với lĩnh vực đào tạo, có thu nhập ổn định. Hiện Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đang thực hiện đào tạo đa ngành, đa nghề với 6 chương trình đào tạo cao đẳng, 9 chương trình đào tạo trung cấp, 12 chương trình đào tạo sơ cấp và thường xuyên với quy mô hơn 3.500 người/năm. Trong đó, tập trung vào các nghề trọng điểm, như: Điện công nghiệp; công nghệ ô-tô; công nghệ kỹ thuật cơ khí/hàn; công nghệ thông tin; quản trị mạng máy tính; kế toán; logistics… Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp có thể coi là bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp và thị trường khi đã xây dựng được mạng lưới gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với hàng trăm doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp FDI.
Hiện nay, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam được củng cố, sắp xếp theo hướng tập trung ngành, nghề trọng điểm. Điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang từng bước được nâng lên đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề của cơ sở dạy nghề, hằng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát động, tổ chức cho học sinh, sinh viên các trường nghề tham gia có nền nếp, hiệu quả hội thi tay nghề ASEAN. Qua đó, đã rèn luyện thêm kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên, đào tạo nguồn nhân lực mới có tay nghề bổ sung vào lực lượng lao động chất lượng cao của tỉnh. Trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cùng với việc mạnh dạn tự đổi mới về tư duy, hoạt động, sự đầu tư của bản thân mỗi cơ sở nghề, vấn đề tạo việc làm sau đào tạo cho học sinh, sinh viên, thu hút người học nghề cũng luôn là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu hướng đến của các cơ sở dạy nghề. Để giải quyết tốt vấn đề này và quan trọng hơn là để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nguồn lao động chất lượng cao, những năm qua, công tác đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Ở một số đơn vị, thông qua việc liên kết thường xuyên với nhiều doanh nghiệp lớn, 100% học viên sau khi tốt nghiệp có nhu cầu đều được phối hợp bố trí việc làm phù hợp.
Từ khá sớm, tỉnh ta đã đặt ra định hướng về phát triển dạy nghề là chuyển từ đào tạo theo năng lực có sẵn sang đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động nên các cơ sở dạy nghề phải linh hoạt, chủ động nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động theo từng thời điểm để có sự chuyển hướng ngành nghề đào tạo một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, có sự hợp tác, liên kết mang tính bài bản, lâu dài với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn, có nhu cầu tuyển dụng cao để vừa tạo môi trường thực hành cho học sinh, sinh viên, vừa hình thành mối liên kết hai chiều tích cực. Khi đó, doanh nghiệp sẽ là một nhân tố quan trọng đóng góp vào việc hoàn chỉnh giáo trình dạy học của nhà trường, học sinh, sinh viên sau khi ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc và doanh nghiệp cũng đỡ mất thêm kinh phí, thời gian cho việc đào tạo lại tay nghề cho lao động mới tuyển dụng… góp phần thực hiện tốt các mục tiêu: ít nhất có 90% lao động có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 60%.
Hà Trần