Sáng 11/12, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là BCĐ); lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Hà Nam, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 và khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội là mục tiêu, là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện đậm nét qua các văn kiện Đại hội, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các chiến lược, đề án, chương trình hành động của chính quyền các cấp, trực tiếp nhất là Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết. Đồng thời cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo mọi người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản về y tế, thông tin, giải trí…
Theo báo cáo của BCĐ, công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả, hàng triệu hộ nghèo đã được hỗ trợ sinh kế phát triển đời sống, giảm nghèo bền vững. Tổng nguồn lực được bố trí và huy động thực hiện Chương trình giai đoạn này là trên 93.607 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách Trung ương là 45,33%, NS địa phương 10.75%, vốn xã hội hóa 23,63%...
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước trung bình mỗi năm giảm 1,43%/năm, còn 2,75% vào cuối năm 2020, trong đó có 58% hộ nghèo đã thoát nghèo. Dự tính đến hết năm 2020, thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần so với năm 2015, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần… Kết quả giảm nghèo đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, ổn định xã hội; nâng cao vị thế của Việt Nam đối với cộng đồng Quốc tế…
Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; ngoài chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo có có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn trên 4%, hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016-2020 bằng 21,8%; Chênh lệch giàu nghèo, tiếp cận các dịch vụ cơ bản giữa các vùng, các khu vực dân cư chưa được thu hẹp; Nguồn lực thực hiện chính sách còn dàn trải, chưa tập trung; Phân bổ vốn của địa phương còn chậm…
Một trong số những nguyên nhân tác động đến tồn tại này do những tác động tiêu cực từ thiên tại, dịch bệnh; Tỷ lệ bố trí vốn hàng năm chủ yếu đầu tư hạ tầng, vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho người nghèo còn thấp…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ Trung ương đến địa phương.
Sau khi nêu một vấn đề mang tính thành tựu của công cuộc giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Giảm nghèo trong thời gian tới là công việc của trí tuệ và trái tim, để thực hiện trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện giảm nghèo bền vững cần nỗ lực quyết tâm, quyết liệt hơn nữa.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương cần nghiên cứu Nghị quyết của BCH TW về giảm nghèo bền vững để thực hiện Nghị quyết mới của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ về đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025 làm cơ sở xác định tỷ lệ nghèo trong chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội; Tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo phấn đấu để một Việt Nam không có đói nghèo vào năm 2045; Tiếp tục hỗ trợ người nghèo, xây dựng các mô hình giảm nghèo, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo; Tất cả các địa phương cần năng động, sáng tạo coi giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền, toàn xã hội; Quan tâm công tác truyền thông nhằm khích lệ, động viên, lan tỏa những tấm gương tự lực, tự trọng vươn lên thoát nghèo, xin ra khỏi hộ nghèo…
Giang Nam