Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Kim Bảng

Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) tại huyện Kim Bảng trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động mạnh mẽ nên hàng vạn lao động nông thôn là những đối tượng người nghèo, cận nghèo, người bị thu hồi đất nông nghiệp, người có công… được học nghề mới, có việc làm và cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đặt ra những yêu cầu mới để tiếp tục phát huy hiệu quả đề án này.

Thúc đẩy hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Là huyện thứ 2 của tỉnh về đích nông thôn mới, 100% các xã của huyện Kim Bảng đều bảo đảm tiêu chí lao động việc làm. Tính đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 68%, trong đó 54,5% có chứng chỉ, bằng nghề. Trong vòng 5 năm, gần 3.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Đề án 1956, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. 

Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Kim Bảng là địa phương thực hiện tốt đề án. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quy định, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn bảo đảm đúng mục đích và hiệu quả. Hằng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đề án, trong đó chú trọng việc điều tra, khảo sát, đề xuất bổ sung danh mục đào tạo nghề nghiệp, xây dựng định mức chi phí đào tạo. Cùng với đó, Kim Bảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đề án, phổ biến các mô hình hiệu quả có thể áp dụng cho địa phương, tư vấn học nghề, việc làm miễn phí, phát hàng vạn tờ rơi "Những điều cần biết về dạy nghề cho lao động nông thôn" và cẩm nang "Chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn"… đến tận khu dân cư. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện vừa đổi mới phương pháp đào tạo, vừa chú trọng chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy nghề. Nhiều cán bộ giáo viên của trung tâm được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm dạy nghề. Qua đó, giúp giáo viên nâng cao kiến thức, nắm vững chương trình đào tạo và kỹ năng biên soạn giáo án, tổ chức giảng dạy tích hợp trong giáo dục nghề nghiệp. Tổng kinh phí hỗ trợ cho đào tạo nghề trong 10 năm ở Kim Bảng ngót 10 tỷ đồng. Các nghề đào tạo thu hút lao động nông thôn tham gia học, có việc làm sau đào tạo hầu hết là những nghề phi nông nghiệp, như: may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, nhân viên phục vụ phòng, hướng dẫn viên du lịch, Caddy (phục vụ sân golf), thêu ren…

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Kim Bảng
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bảng  phối hợp với UBND Xã Lê Hồ tổ chức khai giảng lớp học nghề kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và thú y cho 25 lao động nông thôn trên địa bàn. Ảnh: kimbang.gov.vn

Một trong những mô hình tiêu biểu trong đào tạo nghề có hiệu quả ở Kim Bảng là mô hình đào tạo nghề thêu ren. Từ khi triển khai đề án cho đến nay, mô hình được phát triển, nhân rộng ở các địa phương Lê Hồ, Đồng Hóa, Tân Sơn, Nguyễn Úy, Tượng Lĩnh, Hoàng Tây… Việc phối hợp với các doanh nghiệp khi thực hiện mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người lao động sau đào tạo có việc làm, thu nhập ổn định ngay tại doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Mơ, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Kim Bảng cho rằng, các chính sách đào tạo nghề của đề án đã giúp cho nhiều lao động địa phương, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất được vay vốn sản xuất sau khi học nghề. Để phục vụ xây dựng các dự án Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, sân golf, KCN Đồng Văn IV, 1.254,1 ha đất của 4.665 hộ dân thuộc các xã Đại Cương, Nhật Tựu, Khả Phong, thị trấn Ba Sao bị thu hồi, ảnh hưởng đến việc làm của  6.277 lao động địa phương. Đề án đã góp phần tạo điều kiện cho lao động được học nghề mới, có việc làm mới, từng bước bảo đảm cuộc sống mới.

Bà Phạm Thị Mơ nói: "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Kim Bảng thực sự mạnh mẽ những năm qua, tác động không nhỏ đến đời sống của nhân dân lao động. Hiện nay, số lao động nông thôn làm việc trong lĩnh vực công nghiệp – thương mại – dịch vụ chiếm tỷ lệ gần 70%, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 87 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Kết quả của đề án đã góp phần bảo đảm tiêu chí lao động việc làm đối với các địa phương thời gian qua, giúp các xã sớm được công nhận xã nông thôn mới. Huyện Kim Bảng cũng về đích nông thôn mới sớm trước 3 năm so với mục tiêu đề ra".

Đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực ngày một cao

Kim Bảng đang trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội với những mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bảo đảm bền vững… Mục tiêu đặt ra đối với huyện Kim Bảng đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, trong đó 65% có chứng chỉ bằng cấp; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 86% tổng số lao động toàn xã hội… Theo ông Lưu Trần Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng, thời gian qua, mặc dù chịu tác động của những dự án phát triển du lịch, công nghiệp, thương mại khi bị thu hồi đất, nhưng lực lượng lao động nông thôn ở địa phương cũng có nhiều cơ hội để chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Toàn huyện hiện có 315 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng vạn lao động trên địa bàn. Nếu người lao động được đào tạo tại chỗ, có tay nghề và kỹ năng tốt sẽ đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. 

Phát triển kinh tế - xã hội đối với Kim Bảng trong những năm tiếp theo  hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Việc Kim Bảng đồng thời vừa thực hiện Đề án 1956, vừa triển khai đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu du lịch quốc gia Tam Chúc và Khu công nghiệp Đồng Văn IV" giai đoạn 2019-2021 cho thấy quyết tâm thực hiện các khâu đột phá của giai đoạn 2020-2025 rõ ràng hơn. Những nghề mới được đưa vào đào tạo cho lao động nông thôn là lái xe điện, nhân viên phục vụ phòng, vận tải đường thủy, chế biến thực phẩm, nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch, may công nghiệp, nghề điện dân dụng. Theo kế hoạch, mỗi năm sẽ có từ 1.000 đến 2.000 lao động được đào tạo nghề theo đề án của huyện. 

Bà Phạm Thị Mơ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kim Bảng cho rằng: Khó khăn hiện nay đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn là việc bố trí và huy động nguồn lực, trong đó cần có nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề. Các mô hình đào tạo cũng cần linh hoạt hơn, sáng tạo hơn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề, dạy nghề ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên còn hạn chế, hiệu quả sử dụng chưa cao, chương trình đào tạo tại đây cũng nên thu hút sự tham gia của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của họ… Với những lĩnh vực kinh tế mới, mang tính đặc thù đang phát triển ở Kim Bảng, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu thực tiễn ngày càng đòi hỏi cao hơn.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy