Tai nạn lao động (TNLĐ) là điều không mong muốn trong quá trình lao động, sản xuất. Tuy nhiên, thực tế số vụ TNLĐ vẫn xảy ra. Để giảm thiểu những sự cố đáng tiếc, cả người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) đều phải nâng cao nhận thức, nghiêm túc chấp hành quy định về an toàn lao động (ATLĐ) hướng đến mục tiêu sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả.
Quan tâm công tác ATLĐ luôn mang lại lợi ích và sự ổn định cho doanh nghiệp, đồng thời NLĐ sẽ được bảo vệ lâu dài. Phát huy vai trò chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn các khu công nghiệp, công đoàn ngành phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp tự tổ chức huấn luyện ATVSLĐ tại đơn vị theo định kỳ hằng tháng hoặc quý để hình thành thói quen thực hành ATLĐ trong sản xuất cho NLĐ. Duy trì hoạt động hiệu quả mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các doanh nghiệp. Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định về ATLĐ.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh đã mở được 68 cuộc tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về ATVSLĐ cho trên 5.000 lao động. Tại các doanh nghiệp, đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho trên 68.000 người bao gồm người làm công tác quản lý, an toàn vệ sinh viên, người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, người làm công tác y tế...; khám sức khỏe định kỳ cho trên 91.700 lao động; kiểm định 4.864 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Các đoàn thanh tra, kiểm tra của tỉnh đã thanh, kiểm tra tại 221 đơn vị về ATVSLĐ. Qua đó, cho thấy khối doanh nghiệp FDI và sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh là những đơn vị chấp hành tốt nhất các quy định về ATVSLĐ.
Là công ty có vốn đầu tư 100% của Nhật Bản, chuyên gia công, lắp ráp và sản xuất các thiết bị liên lạc trên xe có động cơ, cùng với việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, công tác bảo đảm ATLĐ luôn được Công ty TNHH Yokowo Việt Nam, KCN Đồng Văn đặt lên hàng đầu.
Chủ tịch Công đoàn công ty Nguyễn Thành Luân cho biết: NLĐ được huấn luyện đào tạo đầy đủ về ATVSLĐ trước khi làm việc và định kỳ theo quy định, được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, tạo mọi điều kiện tốt nhất về môi trường làm việc, được quan tâm chăm sóc sức khỏe và tâm lý lao động. Công ty cũng thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban ATVSLĐ, thành lập một nhóm an toàn có nhiệm vụ tìm ra những điểm gây mất an toàn ở các bộ phận sản xuất để kịp thời khắc phục. Ưu tiên thực hành 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) để loại bỏ khỏi nơi làm việc các thứ không cần thiết; những vật dụng cần thiết được sắp xếp ngăn nắp gọn gàng, đặt ở những vị trí thuận tiện cho người sử dụng; máy móc thiết bị luôn sạch sẽ, được bảo dưỡng, bảo quản thường xuyên.
Từ việc thực hành theo 5S đã góp phần nâng cao tinh thần tập thể, khuyến khích sự hòa đồng của cán bộ, công nhân lao động tại các phân xưởng và toàn công ty, từ đó có thái độ tích cực, ý thức và trách nhiệm hơn trong công việc. Việc kiểm soát bụi, rác có báo cáo hằng tháng để tìm ra nguyên nhân và xử lý kịp thời.
Việc kiểm tra ATVSLĐ tại các bộ phận, công đoạn được thực hiện hằng tuần và 2 tháng một lần sẽ kiểm tra toàn bộ nhà máy, từ đó, giảm thiểu tối đa TNLĐ, sự cố trong sản xuất. Với phương pháp quản lý ATVSLĐ khoa học và chặt chẽ, tại công ty nhiều năm qua, không có trường hợp nào bị TNLĐ trong quá trình sản xuất.
Hà Nam hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với trên 143.000 lao động đang làm việc, trong đó, có nhiều người làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Từ năm 2016 - 2018, toàn tỉnh xảy ra 118 vụ TNLĐ với 121 người bị nạn, trong đó, số người chết là 30, 32 người bị thương nặng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, xảy ra 21 vụ làm 3 người chết, 3 người bị thương nặng; trong đó, 2 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lao động.
Nguyên nhân chính của các vụ TNLĐ hầu hết do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn; công tác tuyên truyền giáo dục, huấn luyện ATLĐ đối với NLĐ còn sơ sài, chưa xây dựng kế hoạch bảo đảm ATVSLĐ và cải thiện điều kiện, môi trường lao động; không khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; máy móc, thiết bị không bảo đảm an toàn và không được kiểm tra định kỳ…
Mặt khác, một bộ phận NLĐ còn chủ quan, không chấp hành các quy định về ATVSLĐ, không sử dụng đồ bảo hộ lao động khi làm việc dẫn đến những sự cố đáng tiếc…
Bảo đảm ATLĐ không phải là trách nhiệm của riêng ai. Do vậy, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn cho người sử dụng lao động, NLĐ nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc. Ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát TNLĐ. Trong đó, khuyến khích, vận động doanh nghiệp đóng góp nguồn lực và triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe NLĐ; đổi mới công tác huấn luyện ATLĐ; chú trọng phân nhóm đối tượng để huấn luyện, tập trung cho lực lượng cán bộ, công nhân kỹ thuật, cán bộ chỉ huy điều hành sản xuất cấp công trường, phân xưởng nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho NLĐ, xử lý kịp thời những sự cố xảy ra trong quá trình sản xuất; tăng cường quản lý sức khỏe nghề nghiệp cũng như kiểm tra, đánh giá tác động môi trường lao động nhằm phát hiện, loại trừ các yếu tố có hại đến sức khỏe NLĐ.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm nhằm nâng cao ý thức của đơn vị sử dụng lao động. Hơn ai hết, bản thân mỗi NLĐ ngoài việc nâng cao tay nghề, cũng cần có hiểu biết nhất định về ATLĐ cũng như chấp hành nghiêm các quy định, nội quy về ATLĐ tại đơn vị để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình.
Hoàng Hải
Hải Yến