Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu khá lớn, thu hút đông đảo lực lượng lao động nông thôn tham gia. Tuy nhiên, đây cũng là ngành nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh nghề nghiệp cũng như an toàn lao động. Do đó, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ngành dệt may cần được các doanh nghiệp, người lao động quan tâm thực hiện.
Công nhân Xí nghiệp may thuộc Công ty cổ phần may Kinh Bắc (CCN Cầu Giát, Duy Tiên) luôn chấp hành nghiêm việc sử dụng thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc.
Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 200 doanh nghiệp ngành dệt may, tạo việc làm cho trên 20.000 lao động, chưa kể các tổ hợp tác, xưởng may gia công quy mô hộ gia đình. Thực tế cho thấy, người lao động ngành dệt may thường xuyên phải làm việc trong môi trường có nhiều tác nhân độc hại như bụi vải, rác thải, tiếng ồn..., là nguyên nhân gây nên các bệnh liên quan đến phổi, phế quản. Bên cạnh đó, xưởng dệt may lại là nơi tập trung nhiều hàng hóa, nguyên liệu thuộc nhóm dễ cháy như: vải, cao su, giấy...
Xác định rõ điều này, thời gian qua, các cấp, ngành đã đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) tại nơi làm việc như: đầu tư kinh phí để bảo trì nhà máy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, xây dựng cửa thoát hiểm, trang bị bảo hộ lao động cho công nhân… Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, phổ biến tới chủ sử dụng lao động các quy định của pháp luật lao động.
Hằng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn các khu công nghiệp, công đoàn ngành xây dựng kế hoạch tổ chức phát động và hưởng ứng Tháng ATVSLĐ; tổ chức hàng trăm cuộc kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ, trang bị bảo hộ lao động (BHLĐ) cho công nhân tại các doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến các doanh nghiệp dệt may.
Tuy nhiên, do đặc thù của ngành dệt may là sử dụng nhiều lao động nữ, trình độ hạn chế nên nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật lao động không cao. Một số chủ sử dụng lao động chưa quan tâm tới việc tuân thủ nghiêm pháp luật lao động, chưa trang bị đầy đủ BHLĐ cũng như chủ động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật lao động liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.
Qua tìm hiểu cho thấy, đã có không ít lao động ngành dệt may mắc các bệnh về hô hấp. Trong số các vụ cháy nổ xảy ra tại các doanh nghiệp thời gian qua, số vụ cháy xảy ra tại doanh nghiệp dệt may chiếm tỷ lệ cao hơn cả, gây thiệt hại lớn về tài sản. Có thể kể đến như: vụ cháy tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam năm 2015 (KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý); vụ cháy tại Công ty May Hiệp Hòa năm 2018 (xã Hòa Hậu, Lý Nhân)… Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy nổ là do doanh nghiệp dệt may chưa làm tốt công tác ATLĐ. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ còn ít trong khi số lượng doanh nghiệp lớn nên công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ.
Xác định rõ, môi trường lành mạnh, an toàn góp phần quan trọng quyết định năng suất lao động, những năm qua, bên cạnh việc đầu tư công nghệ, thiết bị làm mát, xử lý nước thải, Công ty cổ phần may Kinh Bắc (CCN Cầu Giát, Duy Tiên) luôn quan tâm đến công tác bảo đảm ATVSLĐ. Tại xưởng may, 100% công nhân, người lao động được trang bị và sử dụng đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động như: mũ, khẩu trang, bịt nút tai...
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Xí nghiệp may tại cơ sở CCN Cầu Giát (thuộc Công ty cổ phần may Kinh Bắc) cho biết: Làm việc trong lĩnh vực may mặc nên công tác ATVSLĐ luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Hằng tuần, hằng tháng, công ty đều tiến hành kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại các khu vực sản xuất như việc mang BHLĐ, các công cụ cứu hỏa, vệ sinh nơi làm việc, hệ thống thông khí, ánh sáng, tiếng ồn... Từ đó, kịp thời nhắc nhở thiếu sót của người lao động, cán bộ quản lý, bảo đảm sản xuất an toàn. Cùng với đó, công ty cũng tổ chức định kỳ các lớp tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, ATVSLĐ cho người lao động... Đối với các nguy cơ rủi ro về điện, công ty đều thực hiện chế độ tự kiểm tra, bảo dưỡng hằng năm về ATLĐ đối với các máy, thiết bị nhà xưởng, kho tàng, lắp đặt hệ thống chống sét.
Tương tự Công ty cổ phần May Kinh Bắc, một số doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh cũng đã gắn chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh với bảo đảm an toàn cho người lao động. Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may đã thực hiện công tác BHLĐ, phòng chống cháy nổ cơ bản đáp ứng yêu cầu về ATVSLĐ. Đồng thời, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, có chế độ bồi dưỡng cho người lao động làm việc tại các vị trí nguy hiểm, độc hại, trang bị tủ đồ, tủ thuốc tại các khu vực sản xuất…
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATLĐ cho công nhân ngành dệt may hiện vẫn còn nhiều tồn tại. Nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía: chủ sử dụng lao động và người lao động. Đơn cử như tại xưởng may của Công ty TNHH Dũng Chung (CCN xã Tiêu Động, Bình Lục) qua quan sát thấy rất nhiều công nhân không đeo khẩu trang và đội mũ khi đang làm việc ở những bộ phận phải tiếp xúc nhiều với bụi vải, tiếng ồn như cắt may, là quần áo…
Nói về vấn đề này, ông Ngô Văn Chung, Giám đốc Công ty giải thích: Công ty đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người lao động chấp hành các quy định về ATLĐ, sử dụng thiết bị BHLĐ trong quá trình làm việc nhưng do nhận thức của công nhân chưa đầy đủ, ý thức chủ quan nên cứ hễ vắng mặt quản lý là công nhân tháo bỏ khẩu trang, găng tay, mũ mà chưa ý thức được việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu đó trước hết là để bảo đảm an toàn và bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.
Để bảo đảm ATLĐ trong lĩnh vực dệt may, các cấp, các ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giúp doanh nghiệp hiểu, nắm bắt được các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, cần thực hiện tốt các biện pháp giúp người lao động nâng cao nhận thức, nắm được cách bảo vệ an toàn cho bản thân trong quá trình làm việc. Đồng thời, tăng cường công tác tự kiểm tra, đánh giá tại cơ sở nhằm phát hiện kịp thời và chấn chỉnh những sai phạm trong thực hiện các quy định về ATVSLĐ...
Nguyễn Oanh
Nguyễn Oanh