Thời gian qua, các cấp Hội nông dân (HND) huyện Bình Lục tập trung đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng và triển khai nhiều việc làm thiết thực, phát huy tốt vai trò là cầu nối trong việc giúp hội viên nông dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.
Nhằm giúp hội viên có nguồn vốn phát triển sản xuất, HND huyện đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý hiệu quả hơn 133 tỷ đồng, giúp 2.243 hộ hội viên vay; ra mắt CLB sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu với 57 thành viên tham gia; phối hợp với phòng nông nghiệp triển khai các mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2023, đã tổ chức đào tạo một lớp nghề cho 35 hội viên; phối hợp mở 6 lớp nghề cho 200 hội viên chủ yếu là nghề may mặc, nghề mộc…
Bên cạnh đó, hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ, như tổ chức được 120 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 12.514 lượt hội viên về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ bệnh; kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học... Tiêu biểu như các xã An Lão, Hưng Công, Đồn Xá, An Đổ, Đồng Du, An Nội, Bối Cầu và thị trấn Bình Mỹ. Năm 2023, HND các xã, thị trấn đã phối hợp tổ chức 20 buổi tư vấn, tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 1.665 lượt hội viên. Chỉ đạo HND xã Tràng An hướng dẫn thành lập một tổ hợp tác trồng cây ăn quả với 16 thành viên. Trong đó, có 10 thành viên đăng ký và đã tiếp cận vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương với số tiền 500 triệu đồng; triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình “Nông dân khởi nghiệp” sản xuất và trưng cất rượu Hải Luân tại xã Vũ Bản.
Ngay từ đầu năm HND huyện đã chỉ đạo HND các xã, thị trấn triển khai cho các hộ đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong năm 2023, có 13.900 hộ đăng ký; mỗi cơ sở hội đăng ký giúp đỡ một hộ hội viên nghèo có sức lao động vươn lên thoát nghèo bằng các hình thức, như: cho vay vốn, đầu tư cây, con giống. Tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”, như: chương trình trao tặng “Bò vàng sinh sản”, năm 2023, HND huyện đã vận động hội viên trao tặng 3 con “Bò vàng sinh sản” cho 3 hộ hội viên nông dân nghèo: ông Nguyễn Văn Hoàn xã La Sơn; ông Phạm Mạnh Tài và ông Nguyễn Văn Kiểu xã Tràng An nâng tổng số “Bò vàng sinh sản” của huyện 36 con.
Ngoài ra, chỉ đạo HND các xã, thị trấn phối hợp với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; các công ty cung ứng vật tư đầu vào cho hội viên nông dân 427,3 tấn phân bón; 32,11 tấn thóc giống; 4,55 tấn thuốc bảo vệ thực vật; 493,5 tấn thức ăn chăn nuôi; phối hợp các công ty cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên nông dân. HND xã An Đổ phối hợp với Công ty Phân bón An Hưng cung ứng 75 tấn; HND xã Bình Nghĩa phối hợp với Công ty Phân bón Doanh Nông cung ứng 4,3 tấn; HND thị trấn Bình Mỹ phối hợp với Công ty Phân bón Lào Cai, Công ty phân bón Hưng Điền cung ứng 70 tấn, HND xã Đồn Xá phối hợp với Công ty phân Hưng Điền Lào Cai cung ứng 75 tấn, HND xã Tiêu Động phối hợp Công ty Phân lân Ninh Bình cung ứng 36 tấn... HND xã Vũ Bản phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp xanh Bốn Mùa trao tặng gói tư vấn chuyển giao công nghệ và vật tư nông nghiệp kết hợp với tập huấn phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường cho 150 hội viên nông dân thuộc 7 thôn trên địa bàn tham gia (công ty đã trao tặng chế phẩm cho hội viên nông dân với trị giá 50 triệu đồng); HND xã Đồng Du phối hợp Chi cục chăn nuôi tỉnh cử 11 hội viên tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi tại Viện chăn nuôi Trung ương.
Cùng với đó, HND các xã, thị trấn phối hợp hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2023, như: bún phở khô Cô Tấm, rượu Hải Luân xã Vũ Bản; Đậu phụ xã Trung Lương; Nấm Rơm xã Bối Cầu; gạo Bắc thơm số 7, xã An Nội; gạo Nếp cái hoa vàng, xã La Sơn, Đồn Xá; sừng mỹ nghệ Đô Hai, xã An Lão…
Được HND huyện giới thiệu, chúng tôi về cơ sở sản xuất rượu Hải Luân (đây là mô hình nông dân khởi nghiệp năm 2023 tại xã Vũ Bản). Chị Trần Thị Vân, chủ cơ sở sản xuất rượu Hải Luân hồ hởi cho biết: Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình tôi được vay 200 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất với dây chuyền sản xuất rượu gần 3 tỷ đồng. Bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 4/2023, tháng 12/2023 sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng OCOP, đến nay sản phẩm đã được thị trường chấp nhận. Có thể nói, nhờ được hỗ trợ vay vốn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất, chất lượng đạt hiệu quả tích cực. Năm 2024, dự kiến bình quân cơ sở sản xuất 4.000 - 5.000 lít/tháng, hàng xuất ra thị trường chủ yếu là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định và các tỉnh khu vực lân cận.
Không chỉ chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên, HND còn tích cực vận động nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh tại địa phương, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; hiến đất, góp tiền, ngày công lao động tham gia xây dựng và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn. Các cấp hội đã đăng ký đảm nhận trồng, chăm sóc các tuyến đường hoa, cây xanh do HND quản lý tại các xã, thị trấn. Tích cực phối hợp tham gia giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân, hòa giải mâu thuẫn trong địa bàn thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, chỉ đạo HND cơ sở duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của 57 CLB nông dân với pháp luật. Triển khai mô hình “Tiếp sức con nông dân vượt khó”…
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, HND các cấp trên địa bàn huyện Bình Lục tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động hội cơ sở, đặc biệt, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên, nông dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lê Dũng