Hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác do hội CCB quản lý

Thời gian qua, các cấp hội cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh đã làm tốt công tác ủy thác nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), từ đó giúp nhiều cán bộ, hội viên CCB vay phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Dẫn chúng tôi tham quan khu trang trại VAC được quy hoạch khoa học, gọn gàng, CCB Đào Văn Vinh, thôn Thử Hòa, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) chia sẻ: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, mặc dù đất đai nhiều nhưng do chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên kinh tế của gia đình tôi vẫn còn nhiều khó khăn. Từ khi tham gia sinh hoạt hội CCB, được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được vay nguồn vốn của Ngân hàng CSXH và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT do các cấp hội tổ chức đã giúp tôi thay đổi cách nghĩ, cách làm. Năm 1997, khi địa phương có chủ trương khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi và đấu thầu đất của UBND xã với tổng diện tích gần 20 mẫu để xây dựng mô hình VAC. Đến nay, với diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả trước đây, tôi đã cải tạo để nuôi các loại cá có hiệu quả kinh tế cao, như: trắm đen, cá chép, trôi, mè... Đồng thời, tận dụng diện tích bờ ao, xây thêm chuồng nuôi hơn 100 con lợn thịt và dùng phân chuồng làm thức ăn cho cá, giảm bớt chi phí. Sau nhiều năm phát triển, mô hình VAC của tôi cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Còn với CCB Tống Văn Thức, thôn Hoàn Dương, xã Mộc Hoàn (Duy Tiên), cũng từ ý chí, nghị lực của bản thân và sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp hội, đến nay đã có được khu trang trại chăn nuôi trị giá trên 1 tỷ đồng. Ông Tống Văn Thức cho biết: Năm 2008, được Hội CCB xã Mộc Hoàn giúp đỡ, tạo điều kiện cho vay nguồn vốn của Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình, tôi đã mạnh dạn mua 10 con bò sữa. Sau hơn 1 năm, bò sinh được 6 con bê cái và cho thu hoạch sữa, trừ chi phí còn lãi khoảng 600 nghìn đồng/ngày, tương đương với 18 triệu đồng/tháng. Nhận thấy nuôi bò sữa có hiệu quả, năm 2013, tôi mạnh dạn thầu một lô đất để mở rộng chuồng trại thêm 200m2, tiếp tục đầu tư mua con giống. Đến nay, trại bò của tôi thường xuyên duy trì hơn 40 con bò đang cho sữa; sau khi trừ mọi chi phí, bình quân 1 năm cho thu lãi hơn 500 triệu đồng.

CCB Tống Văn Thức, thôn Hoàn Dương, xã Mộc Hoàn, thị xã Duy Tiên chăm sóc đàn bò sữa.

Xác định công tác vay vốn là yếu tố quan trọng giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, là nền tảng để hoàn thành các chương trình mục tiêu công tác hội, hằng năm, Hội CCB tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo hội CCB các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật thường xuyên các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi, hướng dẫn và phổ biến quy định của Ngân hàng CSXH đến tổ viên trong tổ qua các buổi sinh hoạt; yêu cầu các tổ thực hiện đúng quy trình công đoạn ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, trong đó chú trọng công tác bình xét cho vay vốn đúng đối tượng, công khai dân chủ, bảo đảm quy trình. Đồng thời, chỉ đạo hội CCB huyện, thị, thành phố rà soát lại chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn để củng cố, kiện toàn lại nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ.

Bên cạnh đó, hằng năm Hội CCB tỉnh chỉ đạo hội CCB huyện, thị, thành phố tổ chức kiểm tra 100% các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn. Thông qua kiểm tra, giám sát đã khắc phục, chấn chỉnh những sai sót, hạn chế trong công tác quản lý và cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách; giúp các cấp hội tổng hợp những ý kiến, kiến nghị liên quan đến hoạt động quản lý và cho vay để đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng CSXH có giải pháp hỗ trợ và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại địa phương... Đến nay, với tổng dư nợ hơn 600 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH do các cấp hội quản lý đã thực hiện cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn… Cùng với việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, từ đầu năm 2024 đến nay, hội CCB các cấp còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và các loại cây hoa màu; phòng trừ bệnh trên đàn gia súc, gia cầm... cho đông đảo cán bộ, hội viên CCB tham gia.

Được tổ chức hội CCB các cấp định hướng, hỗ trợ kịp thời về kiến thức KHKT, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh và nguồn vốn, nhiều CCB không ngừng tìm tòi, sáng tạo, chủ động nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Hiện toàn tỉnh có 3.524 mô hình sản xuất kinh doanh do CCB làm chủ, trong đó có 98 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 28 HTX, 22 tổ hợp tác, 171 trang trại, 1.022 gia trại, 2.183 hộ kinh doanh dịch vụ... thu hút 11.145 lao động thuộc các ngành nghề: dệt may, xây dựng khai thác, kinh doanh dịch vụ, chế biến, trang trại chăn nuôi, trồng trọt… giúp ổn định kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình CCB. Đến nay, toàn tỉnh có trên 70% gia đình CCB đạt mức kinh tế khá, giàu; tỷ lệ gia đình CCB nghèo giảm còn 0,31%.

Xuân Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.