Bão số 3 và hoàn lưu của bão gây mưa lũ, làm ngập lụt nhiều địa bàn dân cư ở Hà Nam trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 20/9; nhiều điểm trường mầm non bị ngập, phải dừng các hoạt động giáo dục sau khai giảng năm học mới 2024-2025. Hiện nay, trẻ đã trở lại trường học. Cùng với bảo đảm những yêu cầu về chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định, công tác phòng, chống dịch bệnh cho trẻ sau mưa lụt cũng được các nhà trường quan tâm chú trọng.
Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày, các bác sĩ tiếp nhận hàng chục bệnh nhi vào thăm khám, điều trị bởi một số chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa, da liễu. Bác sỹ Trần Thị Duyên, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Nhi tổng hợp cho biết: 2 tuần gần đây nhiều trẻ nhập viện vì các triệu chứng liên quan đến bệnh đường hô hấp, tiêu hóa... như viêm phổi, viêm phế quản, cúm, sốt vi rút, chân tay miệng, thậm chí có cả sốt xuất huyết. Một trong những nguyên nhân là do tác động của thời tiết, môi trường sống sau mưa lũ bị ẩm thấp, ô nhiễm. Tuy nhiên, so với thời điểm này các năm trước, số lượng trẻ nhập viện với triệu chứng bệnh theo mùa liên quan đến các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, ngoài da không có nhiều đột biến.
Nằm viện nhiều ngày vì viêm phổi, bệnh nhi Nguyễn Hoàng P. gần 3 tuổi phải điều trị kháng sinh và truyền dịch hằng ngày. Cháu P. liên tục quấy khóc, biếng ăn, nôn, sốt trong những ngày đầu nhập viện. Mẹ của cháu P. cho biết, sức khỏe của P. không tốt từ lúc sinh ra, mỗi khi thay đổi thời tiết, mưa gió kéo dài hoặc nắng kéo dài, bé thường bị ốm, nhập viện nhiều lần. Cháu mới ra trường mầm non, nhưng cũng chỉ học được ít buổi rồi phải nghỉ vì ốm.
Cùng phòng bệnh với cháu P. ở khoa Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, nhiều bệnh nhi khác cũng bị viêm phổi hoặc sốt vi rút. Các cháu đến từ nhiều địa phương, nhưng khá đông trẻ đang sinh sống ở những địa bàn mới bị ngập lụt sau trận bão số 3. Đặc biệt, có trẻ bị sốt xuất huyết, phải điều trị dài ngày trong viện. Bác sỹ Mai Anh, khoa Cấp cứu Nhi cho biết: Hầu hết các bé lứa tuổi mầm non vào viện sau khi đã có các triệu chứng như: sốt, quấy, nôn, ho, chảy nước mũi từ 3 đến 4 ngày ở nhà. Có phụ huynh đã tự mua thuốc điều trị cho con theo kinh nghiệm thông thường nhưng không khỏi mới cho vào viện. Vì thế, nhiều trẻ khi vào viện diễn biến bệnh trở nên nặng hơn, nguy hiểm hơn, buộc phải nằm điều trị nội trú dài ngày.
So với các bệnh đường hô hấp, trẻ bị nhiễm virut cúm, hợp bào hô hấp năm nay tăng cao. Theo bác sỹ Trần Thị Duyên, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), số trẻ nhiễm virut hợp bào hô hấp (RSV) năm nay có xu hướng tăng vì mức độ lây nhanh, chỉ sau virut cúm. Cơ chế lây rất đơn giản, qua tiết dịch đường hô hấp như ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp như ôm hôn, ăn chung dụng cụ. Nếu một trẻ bị nhiễm RSV có khả năng lây cho 5 trẻ khác. Đây là thời điểm phát dịch trong năm, vì thế rất lưu ý các bậc phụ huynh theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, có các biện pháp phòng ngừa kịp thời...
Trong thời điểm xảy ra bão lũ, toàn tỉnh có gần 3.200 trẻ đang học ở các trường mầm non phải nghỉ học từ 1 đến 2 tuần. Tại thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm), cả thị trấn có trên 780 trẻ trong độ tuổi được huy động ra lớp ở các điểm trường mầm non. Khi mưa lũ kéo dài, thị trấn Kiện Khê là địa bàn bị ngập lụt sâu, dài ngày, do vậy hầu hết các điểm trường đều cho trẻ nghỉ học. Cô giáo Nguyễn Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Kiện Khê cho biết: Hơn một tuần, mặc dù nước ngập sân trường, mấp mé nền các lớp học nhưng nhà trường vẫn được thị trấn trưng dụng làm điểm tập trung ăn nghỉ cho hàng trăm hộ dân địa phương có nhà bị ngập sâu trong nước phải di chuyển đến ở tạm. Cũng trong những ngày ngập lụt, nhà trường tổ chức nấu ăn phục vụ bà con nhân dân cùng ngập lụt. Vì thế, sau khi nước rút, có kế hoạch đón trẻ trở lại trường, chúng tôi đã cùng với các lực lượng y tế, quân đội, công an địa phương làm tốt công tác vệ sinh môi trường, lau chùi các lớp học, bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi, nhà vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho các cháu khi đến trường. Ngày 19/9, trẻ em trở lại trường học; mỗi ngày, nhà trường chỉ ghi nhận từ 1 đến 2 trẻ xin nghỉ vì lý do bị ốm. So với thời điểm này các năm trước, tỷ lệ trẻ bị ốm phải nghỉ học không có đột biến.
Báo cáo ở nhiều trường mầm non vùng bị ngập lụt, ảnh hưởng bão lũ thời gian qua cho thấy, hầu hết các trẻ đến trường được bảo đảm và gìn giữ vệ sinh sạch sẽ, không để xảy ra dịch bệnh phát sinh thành ổ dịch. Cô giáo Vũ Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Hải, huyện Thanh Liêm cho biết: Chúng tôi đã làm rất tốt công tác vệ sinh môi trường tại các lớp học, phòng học, khuôn viên nhà trường, đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt ở trường cho trẻ. Ngoài ra, các cháu trong các bài học còn được dạy ý thức gìn giữ vệ sinh, chăm sóc sức khỏe bản thân theo chủ đề chương trình giáo dục. Hằng ngày, việc chăm sóc ăn nghỉ cho trẻ tại trường được thực hiện chu đáo, bảo đảm cung cấp đủ chất dinh dưỡng theo yêu cầu, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà trường đặc biệt chú ý công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại trường sau những ngày bão lũ. Tuy nhiên, trẻ em ở đây hầu như đều sống trong các khu dân cư đã bị ngập lụt dài ngày. Nhiều gia đình ngập sâu trong nước nên nhà cửa, hệ thống bể chứa nước sinh hoạt hoặc đồ dùng bị ngập nước, có thể gây ẩm thấp, ô nhiễm mà chủ quan không làm tốt khâu vệ sinh sẽ làm cho trẻ bị mắc các bệnh, dịch... Nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ trẻ và nhân dân quan tâm đến vệ sinh môi trường tại gia đình sau bão lũ để bảo đảm sức khỏe cho trẻ thời gian này.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 12.000 trẻ trong tổng số gần 21.000 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, gần 42.000 trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp. Mặc dù, 100% trẻ đến trường được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần nhưng do những ảnh hưởng của thiên tai, công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ ở các trường mầm non càng cần được quan tâm và chú trọng hơn.
Giang Nam