Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm đầu tháng 6, toàn tỉnh đã có gần 65.000 bài dự thi (tăng gấp 3 lần so với cuộc thi lần thứ nhất năm 2019). Trong đó, có rất nhiều bài viết được đầu tư khá công phu về cả hình thức và nội dung trình bày.
Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 là hoạt động bổ ích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phát động nhằm khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với thanh, thiếu niên, nhi đồng trên toàn quốc. Qua đó, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.
Tại Hà Nam, sau cuộc thi năm 2019, năm nay, do có sự chuẩn bị bài bản về kế hoạch tổ chức, nội dung thực hiện, sự phối hợp chặt chẽ của ngành VH,TT& DL với ngành giáo dục và các địa phương đã mang tới cho cuộc thi một sắc thái mới, hiệu quả hơn. Mặc dù cuộc thi được phát động trong thời điểm học sinh các cấp học đang nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng khi được tiếp nhận các văn bản chỉ đạo, kế hoạch tổ chức, các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã sớm triển khai, tổ chức cho học sinh tham gia.
Thông qua tổ chức đoàn thanh niên và đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, việc tổ chức cuộc thi của Trường THPT chuyên Biên Hòa được coi là một nhiệm vụ đối với các lớp. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trên tinh thần khuyến khích, động viên học sinh tất cả các khối lớp tham gia, nhà trường cũng chủ động xác định lực lượng chủ công chính là học sinh các lớp chuyên Ngữ văn. Theo đó, yêu cầu 100% học sinh các lớp 10, lớp 11 chuyên Ngữ văn đều phải tích cực tham gia cuộc thi. Kết quả, nhà trường đã nhận được 232 bài dự thi của học sinh các lớp với chất lượng bài dự thi tương đối tốt. Điều này thể hiện được khả năng viết, năng lực cảm thụ và thói quen đọc sách của nhiều học sinh. Nhà trường mong muốn cuộc thi sẽ được duy trì tổ chức thường niên để khuyến khích được nhiều hơn nữa học sinh tham gia, cũng là để giúp tăng cường văn hóa đọc trong học sinh hiện nay…
Ở Trường Tiểu học Lương Khánh Thiện (thành phố Phủ Lý), trong thời gian học sinh nghỉ học, việc triển khai cuộc thi vẫn được nhà trường quan tâm làm tốt. Thông qua các trang, nhóm liên kết giữa nhà trường, giáo viên với cha mẹ học sinh, toàn bộ nội dung kế hoạch, mục đích, yêu cầu cũng như thể lệ của cuộc thi đã được trao đổi, chia sẻ đầy đủ. Đa số cha mẹ học sinh đã có nhận thức tốt về việc động viên, nhắc nhở con tham gia cuộc thi với mong muốn con được thể hiện suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về sách, về việc đọc sách. Do đó, có khoảng trên 80% học sinh lớp 4, lớp 5 đã tham gia và có bài dự thi gửi về nhà trường theo đúng thời hạn. Cô giáo Hà Thị Mùi, Tổng phụ trách Liên đội nhà trường chia sẻ: Đây là năm đầu tiên nhà trường tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Ban đầu khi nhận được kế hoạch và sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT thành phố về việc triển khai cuộc thi này trong học sinh, chúng tôi cũng khá băn khoăn bởi cuộc thi được tổ chức trong khi học sinh còn nghỉ học nên khó ước đoán được tỉ lệ học sinh sẽ tham gia cuộc thi có đạt kế hoạch hay không. Tuy nhiên, với sự đồng thuận, hỗ trợ từ phía cha mẹ học sinh, chúng tôi đã nhận được hơn 100 bài dự thi của học sinh, vượt dự kiến về số lượng, tạo đà cho việc tổ chức cuộc thi các năm sau.
Tham gia cuộc thi, các thí sinh dự thi có thể chọn 1 trong 3 đề, chủ yếu về các nội dung: Chia sẻ về một cuốn sách yêu thích, hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của bản thân; sáng tác một tác phẩm (câu chuyện hoặc một bài thơ) nhằm khích lệ mọi người đọc sách; viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà bản thân đã đọc. Tuy Ban tổ chức có khuyến khích thí sinh có thể vẽ tranh minh họa, thực hiện quay video, sử dụng song ngữ Việt - Anh… để bài dự thi phong phú, thuyết phục, sinh động nhưng về cơ bản các bài thi đều là các bài viết.
Theo bà Dương Thị Thu Hồng, Giám đốc Thư viện tỉnh, ngành VH,TT&DL đặt nhiều kỳ vọng trong việc triển khai tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020, như: khuyến khích tối đa khả năng sáng tạo của học sinh, thu hút đông học sinh các cấp học tham gia. Để có thể đạt được những mục tiêu, sự kỳ vọng này, việc tổ chức cuộc thi đã được triển khai bài bản hơn hẳn cuộc thi trước. Theo đó, hai ngành giáo dục và VH,TT&DL đã có sự phối hợp tốt, xây dựng kế hoạch cụ thể và ban hành sớm để các trường, các địa phương làm căn cứ triển khai bảo đảm đúng tiến độ; thường xuyên nắm bắt tình hình của các địa phương. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm đầu tháng 6, toàn tỉnh đã có gần 65.000 bài dự thi (tăng gấp 3 lần so với cuộc thi lần thứ nhất năm 2019). Trong đó, có rất nhiều bài viết được đầu tư khá công phu về cả hình thức và nội dung trình bày. Thị xã Duy Tiên, thành phố Phủ Lý, huyện Thanh Liêm là các đơn vị có nhiều bài dự thi, chất lượng tốt. Năm nay, trong việc chấm, chia giải cũng có sự đổi mới khi thực hiện việc chấm và chia giải hướng theo lứa tuổi và từng cấp học để tạo sự công bằng cho học sinh tham gia. Các giải cá nhân sẽ được chia theo hai loại: giải chính và các giải chuyên đề (gồm 8 chuyên đề: chia sẻ cảm tưởng hay nhất, câu chuyện sáng tác khuyến đọc hay nhất, câu chuyện sáng tác khuyến đọc và có hình minh họa bằng tranh đẹp nhất, câu chuyện sáng tác khuyến đọc song ngữ hay nhất, bài thơ khuyến đọc hay nhất, câu chuyện viết tiếp hay nhất, câu chuyện viết tiếp song ngữ hay nhất, ý tưởng khuyến đọc sáng tạo và có tính thuyết phục nhất).
Cuộc thi được tổ chức 2 vòng. Vòng sơ khảo, các phòng GD&ĐT, các trường THPT trên địa bàn sẽ chấm và lựa chọn 720 bài xuất sắc nhất tham gia vòng chấm chọn cấp tỉnh. Vòng chung khảo sẽ lựa chọn các bài đạt giải cấp tỉnh gửi tham gia vòng chung kết toàn quốc. Việc trao giải cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 9/2020.
Thanh Hà