Chuẩn bị tiến tới Đại hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nam nhiệm kỳ VI (2023-2028), những người làm công tác VHNT và quản lý văn hóa đều kỳ vọng về một nhiệm kỳ đổi mới của VHNT tỉnh nhà. Đứng trước những thời cơ, thách thức của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế... VHNT Hà Nam phải làm gì để đáp ứng kỳ vọng đó?
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” khẳng định: "VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam" trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước nhanh và bền vững. “Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam” (Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới).
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (25/7/1948-25/7/2023), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Để tạo điều kiện cho VHNT phát triển, Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với VHNT và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn mong muốn, kỳ vọng và đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển”.
Để hòa vào dòng chảy của VHNT nước nhà, những năm qua, VHNT Hà Nam luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động có chất lượng, hiệu quả, tạo không khí hoạt động sôi nổi đều khắp ở cả 7 chi hội, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực sáng tạo cho hội viên, văn nghệ sỹ. Ông Ngô Thanh Tuân, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh khẳng định: “Dòng mạch chính của những tác phẩm VHNT là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn luôn được các văn nghệ sỹ quan tâm. Ý thức tự tôn, bảo vệ độc lập tự chủ. Nhất là bảo vệ lãnh thổ biên giới hải đảo”. Trên 120 hội viên đang sinh hoạt ở các chi hội đã không ngừng lao động sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, ghi dấu thành tích tại các cuộc thi, triển lãm, liên hoan của khu vực, toàn quốc và quốc tế. Chỉ với 10 hội viên hoạt động ở Chi hội Văn xuôi, trong 5 năm qua, đã xuất bản được 8 đầu sách, trong đó có 3 tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn... và đạt 6 giải thưởng. Hiện tại, một số nhà văn đã và đang hoàn thành bản thảo thêm các tác phẩm mới, hứa hẹn có chất lượng về đề tài nông thôn.
Ở lĩnh vực thơ, Chi hội có 28 hội viên, trong đó có 2 nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cả một nhiệm kỳ, chi hội đã xuất bản 26 tập thơ, trong đó nhà thơ Nguyễn Văn Thắng xuất bản sáu tập và có bốn bài thơ được chọn in trong sách giáo khoa phổ thông. Với hai chi hội Âm nhạc và Sân Khấu, các văn nghệ sỹ không ngừng nỗ lực sáng tạo và cống hiến. Thông qua hoạt động biểu diễn, hội viên sân khấu đã có đóng góp xứng đáng cho thành công của các kỳ hội diễn, liên hoan nghệ thuật chuyên và không chuyên được tổ chức ở trong và ngoài tỉnh với 11 giải thưởng, trong đó có nhiều huy chương vàng, bạc, đồng cho các vai diễn, đạo diễn biên kịch... Kết nạp thêm 3 hội viên mới trong một nhiệm kỳ, chi hội Âm nhạc đã từng bước trẻ hóa đội ngũ, phát huy sức sáng tạo và hiện đại hóa con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhiều tác giả có nhạc phẩm được chọn giới thiệu trên sóng phát thanh truyền hình Trung ương, địa phương, biểu diễn trong các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật.
Nổi bật trong số đó là nhạc sĩ Sỹ Thắng, người liên tục đạt các giải thưởng cao về âm nhạc, như “Mắt chiều Hồ Tây” - Giải B (không có giải A) của Hội Nhạc sỹ Việt Nam (2020), Giải Nhì giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến (2016-2020); “Hạ Long gọi mặt trời” - Giải A tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc tổ chức tại Hà Giang (11/2023); “Điện Biên thiên anh hùng ca” - Giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức... Cùng với Sỹ Thắng, nhạc sỹ Khắc Hiển cũng có đóng góp thành tích cho âm nhạc Hà Nam với tác phẩm “Anh về Tây Bắc cùng em” - giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc tổ chức tại Hà Giang (11/2023). Biên đạo múa Hồng Định đạt 4 giải với các tác phẩm múa tại các Hội thi nghệ thuật quần chúng, Hội diễn của toàn quốc và của các ngành...
Mỹ thuật và Nhiếp ảnh tiếp tục duy trì các hoạt động sáng tạo và thành tích trong các cuộc liên hoan, triển lãm. Hàng nghìn tác phẩm ra đời, phản ánh sâu sắc đời sống xã hội, tâm tư tình cảm và tinh thần của nhân dân với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Văn nghệ sỹ Hà Nam đã tiếp tục con đường lao động sáng tạo nỗ lực cống hiến hết mình trong một giai đoạn khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài, tác động tiêu cực tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhưng ai cũng thấy tự hào vì trong bối cảnh đó, Chi hội Văn nghệ Dân gian với 6 hội viên cao tuổi, sức khỏe giảm sút mà vẫn có những tác phẩm, công trình chất lượng, như “Hội làng cổ truyền Hà Nam” (02 tập) của nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Lê Hữu Bách (sách được nhà nước tài trợ in), đoạt giải Ba Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, giải Nhì (không có giải Nhất) Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ VIII; Công trình "Hoàn Vương ca tích" (sách được tái bản lần 2) của nhóm tác giả Bùi Văn Cường, Đoàn Ngọc Hà, Nguyễn Văn Điềm... Đã có trên 100 tiểu luận về các lĩnh vực văn nghệ dân gian Hà Nam đăng trên Tạp chí Sông Châu, các báo Trung ương và địa phương khác...
Có bột mới gột nên hồ. VHNT Hà Nam sở dĩ được kỳ vọng đổi mới và phát triển trong thời gian tới bởi nhận thức về vai trò, vị trí, đặc trưng của VHNT đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý lĩnh vực này… từng bước được chú trọng hơn. Tháng 12/2022, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã phối hợp với Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị "Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới" tại Khu du lịch Tam Chúc. Hội thảo đã thống nhất quan điểm chỉ đạo: “nhiệm vụ của VHNT Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng cao của nhân dân”.
Tuy nhiên, khó khăn đối với VHNT Hà Nam còn dày và dài khi đội ngũ hội viên tuổi cao, sức yếu, việc nắm bắt và thích ứng với công cuộc chuyển đổi số hiện nay không dễ dàng. Bởi, một trong những đòi hỏi của sự phát triển thời kỳ mới là đưa công nghệ số vào hoạt động VHNT, ứng dụng công nghệ như một công cụ hữu ích và tiện lợi trong việc thu thập, lưu trữ dữ liệu, khai thác và tiếp cận với những tác phẩm công trình VHNT trong và ngoài nước, thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong sáng tạo và phát triển VHNT…
Giang Nam